Sau khi bị siết cuộc gọi rác, nhiều cá nhân đang “lén” dùng chính số điện thoại di động cá nhân của mình thực hiện những cuộc gọi quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ, dự án bất động sản…
Các nhà mạng đều đang rất cần người dùng tích cực phản ảnh các số thuê bao thực hiện cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác…
Cán bộ phụ trách kỹ thuật một nhà mạng
Vừa cởi bỏ bực dọc vì cuộc gọi rác, nhiều người dùng lại bức xúc vì họ vẫn thường xuyên nhận được những cuộc gọi quảng cáo không mong muốn dù nghị định 91 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1-10-2020.
Lách hệ thống nhận diện cuộc gọi rác
Vẫn thường xuyên bị “giội bom” bởi các cuộc gọi quảng cáo, chị Hồng Uyên (Q.5, TP.HCM) bức xúc: “Tôi nghe nói quy định đã có hiệu lực, nhưng số lượng cuộc gọi rác quảng cáo các dự án bất động sản đến điện thoại của tôi vẫn không giảm bao nhiêu. Rất bực mình, nhất là lúc đang đi đường hoặc trong các cuộc họp”.
Anh Minh Hoàng (Q.Bình Thạnh) cho biết đã báo cáo cuộc gọi rác đến tổng đài 5656 theo hướng dẫn, nhưng tình hình vẫn không thuyên giảm nhiều. Nội dung các cuộc gọi phần nhiều là quảng cáo các dự án bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng resort, mời chơi chứng khoán…
Còn theo phản ảnh của anh Trung Thanh (H.Bình Chánh): “Điểm khác biệt là nhiều cuộc gọi quảng cáo mà tôi nhận được đến từ các số di động nhìn không giống như số SIM khuyến mãi. Nhiều số di động thuộc những đầu số đã được sử dụng từ rất lâu như 0903, 0914…, thậm chí có nhiều số khá dễ nhớ. Người gọi giao tiếp khá lịch sự và sẵn sàng dừng cuộc gọi nếu tôi không muốn nghe. Có cảm nhận người gọi dùng chính số cá nhân đã dùng từ lâu của mình thực hiện cuộc gọi để người nghe dễ dàng nhận cuộc gọi”…
Nhiều người dùng khác cho biết rất ít thấy hoặc gần như không có tin nhắn hỏi xác nhận nội dung gọi của nhà mạng sau các cuộc gọi quảng cáo…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều cá nhân đang dùng chính số điện thoại cá nhân của mình để thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đến người dùng nhằm “qua mặt” hệ thống nhận diện cuộc gọi rác của các nhà mạng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nhận định: “Bên cạnh một số công cụ gọi tự động, do áp lực của công việc tiếp thị, quảng cáo, nhiều người dùng đã phải dùng chính số điện thoại cá nhân của mình để gọi. Do số cá nhân thường đã được sử dụng từ lâu nên hệ thống kỹ thuật dễ dàng cho qua. Tuy nhiên về lâu dài, khi có các phản ảnh của người dùng, hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng di động có thể phát hiện cách “lách” này”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ phụ trách hệ thống kỹ thuật của một nhà mạng cho biết hệ thống nhận diện cuộc gọi rác của các nhà mạng hiện nay chỉ có thể căn cứ vào các thông số (theo tiêu chí nhận diện cuộc gọi rác đã công bố: tần suất, độ dài ngắn, khoảng cách giữa các cuộc gọi…) liên quan đến số thuê bao thực hiện cuộc gọi quảng cáo, chứ không thể “nghe” được nội dung cuộc gọi nên không thể nhận ra được.
“Chính vì vậy, các nhà mạng đều đang rất cần người dùng tích cực phản ảnh các số thuê bao thực hiện cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác để hệ thống kỹ thuật ứng dụng trí tuệ nhân tạo của các nhà mạng kết hợp với các thông tin sẵn có, từ đó dễ dàng nhận diện và phát hiện các cuộc gọi rác về sau này” – vị phụ trách kỹ thuật cho biết.
Sử dụng quyền từ chối nhận quảng cáo
Trong khi đó, theo Cục Viễn thông Bộ Thông tin và truyền thông, chỉ trong tháng 9-2020, gần 16.300 thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng đã bị ngăn chặn. Trong đó, nhà mạng Viettel ngăn chặn đến hơn 10.900 thuê bao, MobiFone chặn hơn 800, Vinaphone chặn gần 4.300 và nhà mạng ảo i-telecom chặn hơn 200 thuê bao.
Còn theo số liệu tổng hợp từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2020, cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 220 phản ảnh, yêu cầu của người tiêu dùng trong lĩnh vực điện thoại, viễn thông, kết nối mạng di động và liên kết Internet nói chung.
Theo đó, nội dung phản ảnh của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào việc bị quấy rối, làm phiền bởi các tin nhắn và cuộc gọi rác; quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ trái ý muốn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống của người tiêu dùng.
Cục cũng lưu ý người tiêu dùng có quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo. Khi nhận được các tin nhắn quảng cáo không mong muốn, người tiêu dùng có thể thể hiện quyền từ chối bằng cách soạn tin theo cú pháp đã được hướng dẫn trong tin nhắn quảng cáo ban đầu.
Ông Nguyễn Thành Phước, giám đốc Bệnh viện điện thoại 24h, cho rằng việc nhiều người dùng số điện thoại cá nhân lâu năm để gọi điện quảng cáo khiến vấn đề ngăn chặn cuộc gọi rác khó khăn vì rất dễ chặn nhầm hoặc bỏ sót. Do đó mọi người cần tích cực phối hợp trong khâu thông báo, xác thực để từ đó giảm các cuộc gọi rác.
16.300
Đó là số thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng đã bị ngăn chặn trong tháng 9-2020.Nguồn: Bộ Thông tin và truyền thông
Cách phản ảnh tin nhắn, cuộc gọi rác
Người tiêu dùng có quyền phản ảnh, cung cấp bằng chứng, chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của các nhà mạng hoặc tổng đài 5656 của Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và truyền thông.
Cụ thể, người dùng soạn tin nhắn với cú pháp: V (nguồn phát tán) (nội dung cuộc gọi rác) và gửi 5656 (Ví dụ: V 09xxxxxxxx quảng cáo dự án đất nền Y). Cú pháp phản ảnh tin nhắn rác là: S (nguồn phát tán) (nội dung tin nhắn rác) và gửi 5656.
Người dùng có thể đăng ký số điện thoại của mình vào danh sách không nhận tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo bằng cách soạn nội dung: DK DNC gửi 5656. Nếu muốn thoát khỏi danh sách này (để nhận quảng cáo), người dùng soạn: HUY DNC gửi 5656.
Nguồn: tuoitre.vn