Với sự phát triển của xã hội, ăn uống không chỉ là nhu cầu cơ bản của con người mà còn đem lại giá trị tinh thần to lớn. Các món ăn ngày càng được đầu tư về chất lượng dinh dưỡng, tính thẩm mỹ, tạo cảm giác ngon miệng, đẹp mắt cho người dùng. Với bữa cơm truyền thống của gia đình Việt, ngoài cung cấp dinh dưỡng nuôi sống cơ thể còn tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình trao đổi tâm tư, tình cảm và thấu hiểu nhau hơn.

Ngày gia đình Việt Nam năm 2017, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục tuyên truyền, phát động chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trên toàn quốc nhằm đề cao vai trò, ý nghĩa những phút giây sum họp bên bữa cơm hạnh phúc, đầm ấm của mọi gia đình Việt. Để có một bữa cơm ngon cho các thành viên trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong chọn thực đơn, chế biến và trình bày món ăn. Chị Nguyễn Ngọc Anh ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) cho biết: “Để nấu một bữa cơm, tôi phải biết rõ sở thích của các thành viên trong gia đình, lên thực đơn thật khéo, sao cho không trùng các món đã nấu trong tuần mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Việc chọn thực phẩm tốn nhiều thời gian, nhất là hiện nay nhiều loại nguyên liệu chất lượng kém, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường. Khi chế biến phải đảm bảo vệ sinh, món ăn được trình bày đẹp mắt, kích thích vị giác. Với người vợ, người mẹ, nấu ăn ngon là cách tốt nhất để giữ “lửa”, vun vén hạnh phúc gia đình”.

Đơn vị huyện Chơn Thành tranh tài nấu ăn trong Ngày hội gia đình tỉnh lần 8 năm 2017

Dù bận rộn với công việc điêu khắc nhưng anh Trần Văn Trang ở thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) quan niệm: “Hễ có cơ hội là tôi tranh thủ về nhà ăn cơm. Bữa cơm là thời điểm tuyệt vời để tôi cởi bỏ áp lực, muộn phiền từ công việc và cuộc sống; thưởng thức những phút giây hạnh phúc bên gia đình. Để đa dạng thực đơn, tôi thường tìm kiếm thông tin, cách chế biến những món ăn ngon, mới và phụ vợ nấu nướng khi có thời gian. Vì vậy, vợ con tôi rất vui vì có người chồng, cha tâm lý, biết san sẻ việc nhà”.

Trong bữa cơm, các thành viên có dịp ngồi với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những kinh nghiệm sống, giáo dục đạo đức, lối sống và cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Sinh ở thị trấn Chơn Thành cho biết: Dù các con đã lập gia đình riêng nhưng cuối tuần chúng đều về thăm và nấu cơm ăn cùng tôi. Chưa cần đến lúc quây quần bên mâm cơm, mà chỉ với không khí bận rộn cùng nhau vào bếp nấu ăn mọi thành viên đã cảm thấy vui và hạnh phúc.

Tại thị xã Đồng Xoài cũng như nhiều khu dân cư, đô thị của nước ta, hiện có đến 30-40% số gia đình thường xuyên ăn “cơm hàng, cháo chợ”. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó guồng quay hối hả của công việc và cuộc sống khiến bữa cơm gia đình không được coi trọng. Chị Phan Mai Hương ở phường Long Phước (Phước Long) cho hay: “Gia đình tôi có 4 người (vợ chồng và 2 con nhỏ). Trong ngày, gia đình tôi chỉ ngồi ăn cơm với nhau vào bữa tối, còn lại chủ yếu ăn ở quán để tranh thủ thời gian nghỉ ngơi. Gần đây, đứa con nhỏ 3 tuổi kén ăn, tôi phải chia thành nhiều bữa nhỏ và không ngồi ăn cùng gia đình”. Hoàn cảnh của chị Hương cũng giống nhiều gia đình khác, khi cha mẹ ăn tạm bợ để dành thời gian cho công việc, con trẻ được ăn bán trú tại trường khiến bữa cơm gia đình trở nên nhạt nhẽo.

Cùng với đó, sự phát triển của dịch vụ nấu ăn, nhất là các cửa hàng thức ăn nhanh đã khiến nhiều người không mặn mà với việc nấu cơm. Nhiều gia đình chủ yếu chọn ăn “cơm hàng, cháo chợ” để tiết kiệm tối đa thời gian. “Chuyện ăn uống cả gia đình nhiều lúc rất khó do mỗi người một khẩu vị, cách ăn khác nhau nên gây khó khăn cho người nội trợ. Tôi cũng không có nhiều thời gian để chăm con, đi chợ, nấu cơm nên chọn cách ăn ngoài hàng quán, vừa thảnh thơi lại không cần rửa chén đũa, lau dọn. Chồng và con tôi thậm chí còn thích ăn ở quán vì hợp khẩu vị hơn” – chị Hương nói thêm.

Việc lạm dụng thức ăn nhanh với lượng đường, muối, mỡ cao cùng chất lượng nguyên liệu và cách chế biến ở các quán ăn còn hạn chế dẫn đến tăng cân và béo phì, góp phần làm gia tăng nhiều bệnh; thậm chí thực phẩm không đảm bảo vệ sinh dẫn đến ngộ độc… Thói quen “cơm hàng, cháo chợ” cũng khiến các thành viên trở nên xa cách hơn, ảnh hưởng đến tình cảm và sự gắn kết gia đình.

Bữa cơm truyền thống – điều bình dị nhất, góp phần gắn kết các thành viên, đồng thời xóa bỏ những thứ tưởng chừng vô hại nhưng lại có khả năng phá vỡ hạnh phúc gia đình. Gìn giữ bữa cơm gia đình cũng là một trong những cách để bảo tồn nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó làm nền tảng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : bữa cơm gia đìnhngày gia đình Việt Nam

Các tin liên quan đến bài viết