U20 Việt Nam giành vé dự VCK World Cup U20 năm 2017 là hiện tượng của bóng đá châu Á, sau khi đoàn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn vượt qua nhiều đối thủ mạnh để góp mặt ở bán kết giải châu lục. Nhưng hiện tượng đấy vẫn chưa thể giúp chúng ta cải thiện đẳng cấp.
Ngay tại VCK World Cup U20, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng thi đấu không đến nỗi tệ. Việc U20 Việt Nam giành 1 điểm trước New Zealand đã là thành tích lịch sử của bóng đá Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó thì chúng ta cũng không dám chắc rằng U20 Việt Nam có thể quay lại với VCK World Cup lứa tuổi này ở giải lần tới, hoặc lần tới nữa. Cũng không ai dám nói sau trận hoà U20 New Zealand, trình độ chung của bóng đá Việt Nam đã ngang với trình độ bóng đá New Zealand.
Đấy chính là vấn đề quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam ở thời điểm tại, chúng ta thỉnh thoảng tạo nên những hiện tượng gây sốc, nhưng xét về tính ổn định thì bóng đá Việt Nam lại không có, do nền tảng của bóng đá nội vẫn ở mức thấp.
Xét trên bình diện Đông Nam Á, cho dù U20 Việt Nam làm được điều mà lứa tuổi tương tự của bóng đá Thái Lan chưa hề làm được, đó là vào VCK World Cup, nhưng rốt cuộc thì bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể đạt đến đẳng cấp của bóng đá Thái Lan, để lên đầu khu vực.
Những quốc gia từng có đại diện tham dự VCK World Cup U20 trong những kỳ giải trước gồm Myanmar, Malaysia hay Indonesia cũng vậy. Họ có thể tạo nên hiện tượng trong một vài thời điểm, nhưng xét về chiều sâu, giống như bóng đá Việt Nam, những nền bóng đá này thiếu chiều sâu, chí ít là so với Thái Lan (chỉ so với Thái Lan thôi, chưa nói đến các nền bóng đá mạnh hơn, tầm châu lục trở lên).
Thành ra, từ chỗ chỉ là hiện tượng cho đến việc phát triển bền vững, có lớp có lang là quá trình rất dài. Thái Lan chưa hề có đại diện dự VCK World Cup U20 như Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Indonesia, nhưng nhìn tổng thể, cả Đông Nam Á đều thấy rằng con đường phát triển lên tầm châu lục của bóng đá đất Chùa Vàng ổn định và căn bản hơn so với các nền bóng đá vừa nêu.
Cũng thành ra, thay vì tranh cãi đội tuyển U20 Việt Nam thành công hay không thành công tại giải U20 thế giới, những người làm chuyên môn và những nhà quản lý bóng đá nên giải quyết những bài học rút ra từ một hiện tượng, để biến những điều đấy thành định hướng phát triển lâu dài.
Đấy là định hướng phát triển giải quốc nội theo hướng chất lượng hơn (thay vì chạy theo số lượng như hiện nay), giàu tính cạnh tranh hơn, phát triển công tác đào tạo trẻ, chuẩn hoá đội ngũ là chuyên môn, tìm ra những nhà quản lý giỏi, tâm huyết, làm bóng đá vì bóng đá chứ không phải làm bóng đá vì những mối lợi do bóng đá mang lại…
Không giải quyết được những vấn đề căn bản, mang tính nội tại vừa nêu, hiện tượng U20 Việt Nam tại giải thế giới cuối cùng cũng chỉ là… hiện tượng nhất thời, như ngôi sao băng lao qua bầu trời rồi vụt tắt, chứ không thể trở thành bàn đạp để phát triển toàn bộ nền bóng đá.
Nguồn: dantri.com.vn