Chưa bao giờ người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới phải thưởng thức và hòa mình vào các giải đấu hấp dẫn trong tình thế như lúc này, ở cấp độ thế giới thì đó là EURO 2020, Copa America 2021, với Việt Nam là các trận đấu của tuyển quốc gia tại vòng loại World Cup 2022… Tất cả đã thay đổi cũng bởi vì đại dịch Covid-19. Tuy mỗi quốc gia sẽ có cách khác nhau để hòa nhịp cùng quả bóng tròn, nhưng tựu trung lại thì toàn nhân loại phải thích nghi và tìm cách ứng phó phù hợp nhất để vừa thưởng thức các trận cầu hấp dẫn, vừa đảm bảo tốt nhất việc phòng chống dịch bệnh.
Sân vận động Puskas Arena, Budapest – Hungary là một trong những địa điểm thi đấu hiếm hoi được lấp đầy khán giả tại EURO 2020
Thích ứng…
Ở EURO 2020 lần này, ngay cái tên của giải đấu nhìn vào cũng thấy “sai sai”, khi giải của năm 2020 nhưng lại đấu vào năm 2021. Lý do duy nhất phải lùi giải bóng đá hấp dẫn nhất “lục địa già” không gì khác ngoài sự tác động của Covid-19 trên toàn cõi châu Âu…
Cho đến khi giải đấu bắt đầu thì tại nhiều quốc gia đăng cai buộc phải hạn chế tối đa lượng khán giả vào sân, đồng thời các đội tuyển cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kiểm tra y tế của nước sở tại khi đặt chân đến thi đấu. Ngoại trừ một số trận đấu đã qua tại Copenhagen (Đan Mạch), Budapest (Hungary) gần như đầy ắp khán giả do 2 địa điểm này có công tác phòng, chống dịch bệnh rất tốt thì các điểm thi đấu còn lại đều phải hạn chế và chỉ cho phép 25% khán giả vào cổ vũ như yêu cầu ban đầu mà UEFA đặt ra.
Thậm chí, để đảm bảo phòng chống dịch, UEFA cũng đã tước quyền đăng cai của Dublin (Ireland) và Bilbao (Tây Ban Nha) khi 2 địa điểm này không đáp ứng được các điều kiện an toàn trước khi quả bóng Uniforia lăn trên các sân cỏ… Hay cụ thể nhất, khi giải đấu đến hồi kịch tính cao độ từ vòng tứ kết trở đi thì một vài quốc gia đăng cai cũng buộc hủy hàng loạt vé đã bán cho cổ động viên vì sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Đó là câu chuyện bóng đá ở “trời Âu” buộc phải thích ứng trong tình hình đại dịch Covid-19; còn với Việt Nam, khi đội tuyển chúng ta hành quân đến UAE thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022, thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo cũng tiến hành đầy đủ các khâu phòng dịch nghiêm ngặt nhất theo “quy tắc bong bóng” – tức tất cả thành viên đội tuyển phải được bảo vệ trong không gian tách biệt với mọi người xung quanh, kể cả người thân, gia đình… Và ngay sau khi thi đấu trở về, toàn bộ thành viên đội tuyển cũng thực hiện cách ly đúng quy định.
Nói thế để thấy, khi dịch bệnh bùng phát và trở thành nguy cơ đe dọa đến cộng đồng thì không có ngoại lệ. Tất cả phải đồng lòng để sớm đẩy lùi Covid-19.
Gia đình anh Nguyễn Anh Đức, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài không tập trung đông người mà xem, cổ vũ đội tuyển Việt Nam ngay tại nhà nhằm tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh
… để quên đi Covid-19
Với người hâm mộ đam mê quả bóng tròn thì nhiều giải đấu hấp dẫn kéo dài liên tục cả tháng như World Cup, EURO… chắc chắn khó có thể ngồi trước màn hình vào lúc nửa đêm hay rạng sáng để xem hết tất cả các trận. Thế nhưng, ở mùa EURO lần này, có rất nhiều người hâm mộ đã thức trọn đêm để sống cùng niềm đam mê của mình, nguyên nhân vì Covid-19! Điển hình như với nhiều người đang sinh sống ở địa bàn thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay các trường hợp đang cách ly tập trung…, do không đi đâu và làm gì thì cách lựa chọn hợp lý và lành mạnh nhất là bật tivi lên xem các trận bóng hấp dẫn để quên đi những áp lực, khó khăn vì dịch bệnh.
Ngay ở tỉnh Bình Phước, sau khi xuất hiện các ca dương tính đầu tiên với SARS-Cov 2 tại Chơn Thành thì địa phương này buộc phải thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 15, 16/CT-TTg. Anh Vũ Thế Quang, người dân sinh sống ở ngay khu vực thực hiện giãn cách tại thị trấn Chơn Thành cho biết: “EURO năm nay, nhiều đêm có các trận hay và có các đội tuyển mình yêu thích thi đấu nhưng cũng không dám xem vì hôm sau còn có công việc quan trọng, sợ không dậy nổi, ảnh hưởng đến công việc… Nay thực hiện giãn cách, phải ở trong nhà để phòng chống dịch theo yêu cầu của tỉnh nên xem bóng đá cũng là cách giết thời gian rảnh rỗi và cũng thỏa niềm đam mê của mình nữa. Xem bóng đá để vượt qua Covid vậy!” .
Không riêng anh Quang mà còn nhiều người khác cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên buộc phải ở nhà bởi công ty, đơn vị đang làm việc tạm dừng hoạt động… Và khi ấy, bóng đá lại mang đến cho họ một tinh thần tích cực hơn do được xem trọn vẹn đội bóng mình yêu thích, các cầu thủ mình hâm mộ tung hoành trên sân cỏ phô diễn những đường bóng đẹp mắt…
Nói không với các hình thức “đỏ, đen” và thực hiện tốt 5K
Mặc dù bóng đá trong bối cảnh dịch bệnh Covid phải thay đổi để thích ứng cho phù hợp, nhưng quan trọng là ý nghĩa của “môn thể thao vua” vẫn không thay đổi khi các trận đấu hay, hấp dẫn luôn mang lại cảm hứng, tinh thần tích cực hơn cho mọi người trong thời điểm đối diện với những khó khăn của đại dịch.
Tuy nhiên, để các trận bóng thêm đong đầy cảm xúc và lành mạnh, chúng ta phải nói không với các hình thức “đỏ, đen” trong bóng đá cũng như không tập trung đông người khi theo dõi các trận cầu dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh… Có như vậy bóng đá mới thực sự là môn thể thao giải trí bổ ích trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo Báo Bình Phước