Biến chứng tay chân miệng có thể xảy ra ngay ngày thứ nhất, nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Hiện Việt Nam đã ghi nhận gần 18.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 4 trẻ tử vong tại Kiên Giang (2 ca), An Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc đã tăng 4 lần.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 125 ca mắc tay chân miệng, trong khi tổng năm 2019 chỉ có 70 ca và cả năm 2020 có hơn 10 ca. Đây là con số cần theo dõi để cảnh báo dịch năm nay.
Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 5-6 ca mắc tay chân miệng giai đoạn 2a, 2b. Hầu hết những trẻ này đều dưới 3 tuổi.
Bác sĩ kiểm tra lại các nốt phỏng nước cho bệnh nhi T.
Bé T. mới 13 tháng tuổi được chẩn đoán mắc tay chân miệng tại địa phương cách đây 2 ngày, bác sĩ nói có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên chưa đầy 24 tiếng sau, trẻ liên tục sốt cao, nôn trớ nhiều, gia đình vội đưa con vào Bệnh viện Nhi cấp cứu.
Bác sĩ cho biết, bé T. có nhiều nốt mọc ở chân tay, biểu hiện điển hình của tay chân miệng. Virus tay chân miệng gây rối loạn tiêu hoá khiến trẻ bị nôn trớ.
Cùng nằm tại phòng cấp cứu, bé H., 19 tháng tuổi ở Hưng Yên vào viện trong tình trạng sốt cao không hạ.
Mẹ bé chia sẻ, khi đưa con đi khám gần nhà, bác sĩ chỉ định nhập viện. Nghĩ gần bệnh viện, gia đình chủ quan đưa bé về chăm sóc tại nhà, song cho bé uống hạ sốt không đỡ, càng về chiều càng sốt cao.
Quá lo lắng, gia đình đưa con lên Hà Nội cấp cứu. May mắn sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé đã ổn định.
TS Nguyễn Văn Lâm cho biết, virus tay chân miệng rất dễ lây từ trẻ này qua trẻ khác, thường do 2 nhóm virus đường ruột Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch lớn.
Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có thể tự khỏi sau 1-2 tuần, tuy nhiên một số trường hợp có thể chuyển nặng rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên, thậm chí trong vài tiếng.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ bị sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong. Trẻ nhiễm EV71 thường có diễn biến nặng hơn, khi bị tổn thương thân não sẽ để lại di chứng nặng nề.
Khi trẻ mắc tay chân miệng mức độ 1 chỉ sốt nhẹ, kèm theo ban ở lòng bàn tay, bàn chân có thể tự chăm sóc tại nhà. Hàng ngày, cha mẹ cho trẻ tắm nước ấm, tránh gió lùa, cho trẻ súc miệng và bôi thêm giảm đau tại các vết loét ở miệng.
TS Lâm đặc biệt lưu ý, khi cho trẻ uống hạ sốt cần tuân thủ đúng liều lượng, cách 6 giờ mới dùng hạ sốt 1 lần. Nếu dùng quá liều sẽ khiến trẻ bị ngộ độc paracetamol gây tổn thương gan. Các năm trước, bệnh viện từng tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc thuốc hạ sốt.
Từ giai đoạn 2a với dấu hiệu sốt cao, không đáp ứng hạ sốt, mạch nhanh, hay giật mình phải đưa trẻ đến bệnh viện để chăm sóc.
Do trẻ mắc bệnh thường chưa biết nói, vì vậy để phát hiện sớm các tổn thương thần kinh cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các điểm bất thường, như: Đột nhiên quấy khóc vô cớ, có trẻ khóc cả đêm, li bì, hay giật mình; có biểu hiện yếu chi, liệt; nôn hoặc buồn nôn không liên quan đến ăn uống, sốt cao.
Hiện bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh rất dễ lây qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc giọt bắn, do dùng chung đồ dùng, vật dụng dính dịch tiết mũi họng của người bệnh.
TS Lâm khuyến cáo, để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần tránh cho trẻ đến nơi đông người, giữ thói quen vệ sinh tay, cho trẻ ăn chín, uống sôi, đa dạng thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
Nguồn: vietnamnet