Sau 40 năm xúc tiến “cải cách và mở cửa”, Trung Quốc đang trên đà phát triển, với rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp… Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo, nước này đang phải đối mặt với 4 cái bẫy.
Trong một bài viết mới đăng tải trên trang Project Syndicate, ông Andrew Sheng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và các hợp đồng tương lai Hong Kong kiêm giáo viên thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và ông Xiao Geng, Chủ tịch Viện tài chính quốc tế Hong Kong đã chỉ ra 4 cái bẫy đối với Trung Quốc.
Trước hết là bẫy thu nhập trung bình. Với thu nhập bình quân đầu người hàng năm vào khoảng 9.000USD, Trung Quốc vẫn còn cách xa ngưỡng thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới đặt ra, vốn vào khoảng 12.000 – 13.000 USD/người/năm. Chỉ có một vài nước đã đạt được ngưỡng này trong nửa thế kỷ qua.
Nguyên nhân chính là việc đạt được ngưỡng thu nhập cao đòi hỏi một mạng lưới các cơ quan hiện đại, mạnh mẽ xác lập các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cho phép các trao đổi thị trường và tương tác phi thị trường, cũng như củng cố sức mạnh luật pháp thông qua giải quyết các tranh chấp một cách công bằng. Dù Trung Quốc đã cố gắng phát triển các cơ quan thể chế như vậy suốt 4 thập niên qua, nhưng họ vẫn còn phải vượt qua một con đường dài mới đến đích.
Thứ hai, Trung Quốc có thể bị sa vào “bẫy Thucydides”, tức là khi một cường quốc lâu năm (Sparta thời sử gia Thucydides và Mỹ hiện nay) e sợ một cường quốc đang trỗi dậy (Athens hồi thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và Trung Quốc hiện nay), chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra các đòn thương mại tấn công Trung Quốc, rõ ràng nhằm làm giảm sự tiếp cận của Bắc Kinh đối với các thị trường và công nghệ, kết cục như trên dường như sẽ là tất yếu.
Cái bẫy tiềm ẩn thứ ba là những gì nhà phân tích Joseph Nye mô tả như “bẫy Kindleberger”. Charles Kindleberger, kiến trúc sư trưởng của Kế hoạch Marshall, đã đổ lỗi sự sụp đổ trật tự quốc tế vào những năm 1930 cho thất bại của Mỹ trong việc khớp quan điểm riêng về hàng hóa công cộng toàn cầu với vị thế địa chính trị mới của họ là cường quốc thống trị thế giới. Nếu Trung Quốc làm điều tương tự, theo ông Nye, rối loạn có thể bùng phát một lần nữa, đặc biệt vào một thời điểm khi Mỹ đang rút khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Cuối cùng là bẫy biến đổi khí hậu. Các nước có thu nhập cao nói chung và các cường quốc lớn nói riêng thường “ngốn” một lượng lớn các tài nguyên. Tuy nhiên, nền kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc đang phát triển vào một thời điểm, như các tổ chức như Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo, sự tiêu dùng bất cân xứng đó không thực sự là lựa chọn hay. Trung Quốc do đó đối mặt với một yêu cầu nữa về việc hỗ trợ hợp tác quốc tế và thực thi các chính sách định hướng vì các vấn đề môi trường.
Để tránh 4 bẫy trên vô cùng khó. Trung Quốc phải vượt qua các áp lực phức tạp và mâu thuẫn trong khi tìm cách giải quyết những bất bình đẳng kinh tế trong nước; kiểm soát các mối quan hệ với một nước Mỹ bất an; hợp tác hiệu quả với phần còn lại của thế giới và theo đuổi hành động ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả.
Tin tốt lành là hệ thống quản trị của Trung Quốc, đặc trưng bằng sự hoạch định chính sách tập trung và sự phi tập trung hóa trong thử nghiệm và thực hiện, đã chứng minh rất phù hợp cho việc ra quyết sách nhanh chóng vào các thời điểm khủng hoảng.
Hai nhà phân tích Sheng và Geng cho rằng, suốt 4 thập niên qua, mô hình Trung Quốc đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả hơn các hệ thống chính trị khác, vốn thường bị tê liệt khi chính trường rối loạn và phân cực. Việc hệ thống có tiếp tục đưa Trung Quốc đạt được ngưỡng thu nhập cao thành công hay không phụ thuộc vào 4 yếu tố gồm tài năng, sự cạnh tranh, hàng hóa công cộng và trách nhiệm giải trình.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, theo truyền thống suốt hàng ngàn năm qua, Trung Quốc đã đầu tư nhiều công sức cho việc nhận diện, tuyển chọn và nuôi dưỡng các tài năng quản lý, kỹ thuật. Họ cũng khai thác hiệu quả sự cạnh tranh giữa các cá nhân, doanh nghiệp, các thành phố và cơ quan hành chính cấp tỉnh để đảm bảo tất cả các bên liên quan đều đóng góp cho năng suất và tăng trưởng GDP của đất nước.
Song, các thị trường của Trung Quốc đang phát triển nhanh hơn khung pháp lý đã có, nên các nhà hoạch định chính sách hiện có nhiệm vụ lấp các kẽ hở và giải quyết những điểm yếu đang hủy hoại cạnh tranh công bằng. Đồng thời, họ phải giải quyết các hậu quả của những sơ hở, điểm yếu đó, chẳng hạn như nạn tham nhũng, ô nhiễm, nợ nần quá mức và dư thừa.
Thách thức đối với hàng hóa công cộng là, dù Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm cung cấp cơ sở hạ tầng vật chất, họ ít thành công hơn trong việc mang đến các cơ sở hạ tầng “mềm”, chẳng hạn như các quy định cạnh tranh, các tiêu chuẩn đánh giá, hệ thống thuế hay các quy định quản lý khác. Trung Quốc sẽ chỉ trở thành nước có thu nhập cao khi điều này thay đổi.
Về trách nhiệm giải trình, Trung Quốc cũng bị đánh giá là có một hệ thống gián tiếp, không hoàn hảo và khó hiểu đối với thế giới bên ngoài. Trong quá trình phát triển kinh tế và áp dụng các cải cách, nước này phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc quyền và sự o bế chính sách của các nhóm lợi ích. Tất cả có thể làm trầm trọng hóa tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, mức sống và các cơ hội.
Để tránh rơi vào các bẫy treo lơ lửng trước mặt và tiếp tục phát triển, Trung Quốc sẽ cần vận dụng mọi kinh nghiệm sẵn có và nỗ lực giải quyết triệt để các thách thức nói trên trong vài thập niên tới.
Nguồn: vietnamnet