Bom thông minh được trang bị hệ thống điều khiển, có thể tiếp cận chính xác các mục tiêu theo ý muốn của con người.

Hiện quân đội Mỹ có 2 loại bom thông minh chủ yếu: loại được điều khiển bằng laser và loại điều khiển bằng tín hiệu vệ tinh.

Loại thứ nhất hoạt động nhờ năng lượng laser được truyền đi từ thiết bị laser đặt trên máy bay hoặc dưới mặt đất. Đại diện cho loại bom này là các bom GBU-28, GBU-37 và GBU-10 dùng để tiêu diệt các mục tiêu cố định như hầm, boong-ke được xây dựng bằng bê tông kiên cố nằm sâu trong lòng đất.

Phương pháp phá huỷ mục tiêu của loại bom này như sau: phi công dùng thiết bị điều khiển laser di chuyển điểm sáng tín hiệu của bom trên màn hình vô tuyến trong khoang lái trùng vào điểm mục tiêu, giữ nó cho đến khi bom nổ.

Hạn chế lớn nhất của phương pháp điều khiển này là do dẫn đường bằng laser, nên chùm tia sẽ mất tác dụng khi đi vào môi trường sương mù, mây, mưa hay bụi bẩn. Độ chính xác trong một số trường hợp sẽ không đảm bảo, thậm chí bom còn có thể mất khả năng hoạt động. Ngoài ra, loại bom này khá kềnh càng để có thể chở bằng đa số máy bay chiến đấu hiện có.

Bom điều khiển bằng tín hiệu vệ tinh (còn gọi là bom JDAM/Joint Direct Attack Munition) được lắp một thiết bị đặc biệt ở đuôi để dẫn đường theo hệ thống định vị vệ tinh (GPS). Điển hình là các loại GBU-29 JDAM, GBU-30 JDAM, GBU-31 JDAM và GBU-32 JDAM.

Bom thông minh của Mỹ lợi hại tới mức nào?
Một loại bom JDAM. 

Bom điều khiển bằng tín hiệu vệ tinh có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, nhờ hệ thống đạo hàng quán tính (INS) luôn cập nhật các dữ liệu truyền từ bộ thu tín hiệu vệ tinh. Bom có độ chính xác cao (dưới 3m), giá thành sản xuất thấp, có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Nhờ điều khiển bằng tín hiệu vệ tinh nên khắc phục được những nhược điểm của loại bom điều khiển bằng laser.

Nhược điểm của loại bom này là chưa đáp ứng được tất cả các yêu cầu trong chiến dịch hiện nay như thời gian xử lý, độ chính xác, việc tiến công nhiều mục tiêu cùng một thời điểm… đặc biệt là không thể dùng chúng để tiến công những mục tiêu bọc thép và đang di chuyển.

Một số đề án nghiên cứu, cải tiến bom JDAM

Để bổ sung khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động và có bọc thép mà với JDAM thế hệ cũ không thực hiện được, các nhà nghiên cứu Mỹ đã chế tạo một loại vũ khí có điều khiển mang ngòi nổ sensor (SFW/Sensor-Fused Weapon).

SFW có trọng lượng khoảng 450kg và chứa 40 đầu đạn chống bọc thép SKEET. Đầu đạn SKEET hình trụ, đường kính 15mm, trong hành trình rơi có chức năng “nghiên cứu” khu vực mục tiêu nhờ một sensor hồng ngoại thụ động. Khi phát hiện ra nguồn nhiệt từ động cơ xe tăng, xe bọc thép… hệ thống tự dẫn sẽ điều khiển để SKEET lao trúng tiêu diệt mục tiêu.

Sensor laser chủ động sẽ phát chùm tia laser xuống mặt đất và tiến hành đánh giá mục tiêu để củng cố thêm độ tin cậy từ những dữ liệu mục tiêu đã thu được từ sensor hồng ngoại thụ động, khi đó hiệu suất tiêu diệt mục tiêu được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, trong đầu đạn SKEET còn được bổ sung 16 đạn con nhằm mở rộng phạm vi phá huỷ mục tiêu.

SFW có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và được ném thả tốt nhất khi máy bay bay ngang hoặc bổ nhào.

Hãng Nothrop Grumman cũng đang nghiên cứu, sản xuất bom thông minh chống bọc thép BAT được phóng từ tên lửa hoặc máy bay không người lái, có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm, tự truy tìm xe tăng đang chuyển động nhờ trang bị loại sensor âm học và bộ phận truy tìm hồng ngoại được điều khiển từ máy bay.

Để tránh khả năng trùng lặp khi một thời điểm nhiều BAT cùng tấn công một mục tiêu, các nhà thiết kế lập trình cho BAT thành nhiều tuyến bay. Ngoài ra, do được lắp bộ phận truy tìm hồng ngoại radar hình ảnh nên BAT có thể tấn công nhiều loại mục tiêu như bệ phóng tên lửa, rocket di động, cố định và cả những mục tiêu cố định không phát nhiệt.

Một hướng đi khác là trên cùng dây chuyền sản xuất, lắp thêm cho bom JDAM thông thường hệ thống dẫn đường, cánh điều chỉnh hướng và đuôi bom, kèm theo một thiết bị lập trình sẵn cho phép phát hoả đầu đạn ở chế độ phân mảnh sát thương hoặc phá huỷ mục tiêu công sự, lô cốt hoặc ở chế độ khoan… để tiêu diệt chính xác mục tiêu cố định.

Để có thể tiến công các mục tiêu di động như xe bọc thép, xe tăng, bom còn được gắn thêm thiết bị nâng cao độ chính xác-hiện đang được sử dụng trong một số loại tên lửa chống mục tiêu di động.

Thiết bị này có khả năng hoạt động theo ba trạng thái: bán tích cực, sử dụng laser để tạo độ chính xác trong tấn công mục tiêu; cảm biến, hoạt động ở chế độ tĩnh “bắn và quên” có khả năng chống nhiễu cao; và radar bước sóng ngắn, để dẫn bom trong điều kiện thời tiết xấu hoặc chiến trường có quá nhiều khói.

Bom còn được gắn thêm bộ phận truyền tín hiệu, cho phép trạm mặt đất hoặc phi công có thể điều chỉnh tín hiệu đường bay theo sự di chuyển của mục tiêu.

Ngoài việc nâng cấp cải tiến hệ thống vũ khí JDAM, vấn đề đồng bộ với các phương tiện mang cũng được đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Mỹ đang tiến hành trang bị thêm cho máy bay chiến đấu các hệ thống cảm biến sử dụng trong việc tìm, phân loại, nhận dạng mục tiêu từ xa, để từ đó nạp thông tin vào bom JDAM trước khi tiến công mục tiêu nhằm nâng cao tính chính xác và hiệu quả; đồng thời, cải tiến các hệ thống radar trên máy bay để tích hợp với hệ thống định vị mục tiêu GPS theo thời gian thực, cho phép máy bay có thể tiến công nhiều mục tiêu cùng một thời điểm.

nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Bom Thông MinhMỹThiết Bị Quân Sựvũ khí

Các tin liên quan đến bài viết