Sáng 16-3, bộ trưởng Bộ Công thương đăng đàn trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua và nhiều nội dung khác.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, có 39 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến tăng giá xăng dầu, giá cả hàng hóa tăng được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi về việc giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, đặc biệt hàng nông sản.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng tác động cuộc chiến Nga – Ukraine khiến giá xăng dầu tăng 40 – 60%, trong khi sản xuất xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm đột ngột.
Trước tình hình đó, bộ đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, nên giữa tháng 2 có thể khẳng định nguồn cung đủ từ tháng 2 và tháng 3. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu với sản lượng vượt so với bình thường, gấp hai lần trở lên, nên có thể khẳng định nguồn cung không thiếu.
Về giá xăng dầu, hai bộ Tài chính – Công thương đã điều hành theo chu kỳ 10 ngày/lần, bám sát giá thế giới. Biên độ giá tăng của thế giới từ 40 – 60% nhưng biên độ giá trong nước chỉ tăng ở mức 29 – 40%, điều hành linh hoạt giá xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn và kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ để giảm thuế bảo vệ môi trường.
Gắn với đó là công tác thanh kiểm tra, ông Diên cho biết có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì đã kiểm tra 16.800 cửa hàng, số cửa hàng phát hiện vi phạm rất ít, với nhiều lý do sửa chữa.
Số cây xăng đóng cửa vì thiếu xăng theo ông Diên là có thực vì các cửa hàng này nhận nguồn từ Nghi Sơn nhưng do giảm đột ngột nên không thể tránh khỏi tình trạng đóng cửa.
Vai trò nhà máy lọc dầu có tác dụng bình ổn thế nào?
Nêu báo cáo của Bộ Công thương về giá bình quân thế giới tính giá cơ sở biến động 44 – 62% nhưng giá trong nước biến động 29 – 39%, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đặt câu hỏi quá trình điều hành có gì bất thường, thiệt hại do ai gánh chịu?
Giải trình về biên độ tăng thấp hơn của giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới, ông Diên cho hay, do sự điều hành linh hoạt của liên bộ. Bởi qua điều hành, nhờ vào quỹ bình ổn đã được trích từ 100 – 1.500 đồng/lít xăng dầu, nên giúp giữ được giá thấp hơn.
Tuy nhiên, ông nói quỹ bình ổn có hạn, hiện ở mức 600 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp đã âm quỹ lớn nên hai bộ đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, giá thế giới tiếp tục tăng cao thì phải tiếp tục tính toán các loại thuế, phí khác, để giữ giá không tăng cao, không để các đối tượng chịu tổn thương thêm thì cần phải có thêm các hỗ trợ.
Nhắc lại khẳng định nguồn cung của Việt Nam không thiếu, sẽ tăng cường nhập khẩu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tranh luận về vai trò nhà máy lọc dầu có tác dụng bình ổn thế nào để giúp ổn định nguồn cung, bình ổn giá xăng dầu. Giải pháp căn cơ, ổn định hơn để quản lý tốt hơn số lượng và giá xăng dầu đưa ra thị trường.
Đăng ký tranh luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề tình hình hiện nay không chỉ các đại lý bán lẻ xăng dầu găm hàng, mà qua tìm hiểu cho thấy nhiều đại lý, cửa hàng nói nguồn cung không có xăng dầu thì lấy gì để bán. Cho rằng không chỉ thiếu nguồn từ nhỏ lẻ, mà do nguồn cung từ nhà điều hành, từ tuyến vĩ mô, đại biểu Hòa đặt vấn đề có hay không tình trạng găm hàng từ cấp trên, dẫn tới không có xăng dầu để bán.
Chỉ ra tình trạng khan hiếm giá cả xăng dầu, những khó khăn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phải cắt giảm, ngưng sản xuất do vấn đề kỹ thuật, tài chính và các vấn đề nội tại, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cũng yêu cầu bộ trưởng nêu rõ hơn các vấn đề nội tại và giải pháp khắc phục.
Trả lời phần tranh luận về vai trò của các nhà máy lọc hóa dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng đây là ẩn số trong quá trình đáp ứng nhu cầu nguồn cung xăng dầu. Với Nhà máy Bình Sơn hoạt động tương đối ổn định, cung cấp được 30 – 35% nguồn cung, còn Nhà máy Nghi Sơn là nhà máy liên doanh nhưng hoạt động không có hiệu quả.
Khó khăn nội tại, theo ông Diên, chủ yếu là vấn đề tài chính, hiện PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang phối hợp các cơ quan chức năng có đấu tranh, yêu cầu các liên doanh thực hiện đúng cam kết cung ứng xăng dầu trong nước.
Hiện nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ Kuwait nên biến động giá, khan hiếm nguồn cung, nên chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Người đứng đầu ngành công thương cam kết khi Ủy ban Quản lý vốn và PVN cam kết sản lượng lấy từ Nghi Sơn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, lúc đó mới dừng kế hoạch nhập khẩu, còn không cho nhập sẽ rất khó.
Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét triệt để vấn đề này và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu giám sát nên chờ kết quả giám sát.
Trả lời thêm sau đó, ông Diên nêu rõ sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, để đảm bảo nguồn cung ra thị trường ổn định 35 – 40%.
Đồng thời, tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu, hiện với cơ chế thực hiện là trích lập, nhưng trong tương lai có thể nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô Quỹ bình ổn, tạo nguồn quỹ từ ngân sách hay từ trích lập cho phù hợp để có Quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường, tổ chức lại quỹ sao cho hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định sẽ tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để nâng dự trữ quốc gia vì hiện nay khả năng dự trữ chỉ đáp ứng 5 – 7 ngày, nên cần nâng cao hơn nữa với quy mô hàng chục lần.
Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu mức chiết khấu 0 đồng nên thị trường không thể duy trì, ông Diên đồng tình khi cho rằng đây là vấn đề bất hợp lý nên sẽ xem xét nâng chi phí định mức cho doanh nghiệp.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, phân phối thực hiện nghiêm về chiết khấu, đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đối với việc áp dụng công nghệ trong quản lý xăng dầu, ông Diên khẳng định bộ đã nghiêm túc xem xét.
Ngay cả việc giao chỉ tiêu nhập khẩu đều yêu cầu công khai thông tin, giám sát chặt chẽ vấn đề này, áp dụng công nghệ để doanh nghiệp không cần kê khai mà khi nhập/xuất hàng có thể cập nhật dữ liệu. Đồng thời nghiên cứu đề án quản lý bán lẻ tốt hơn.
Về hiện tượng thiếu xăng ở “tầm vĩ mô”, bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định qua thanh tra 16.800 cửa hàng, có 281 cửa hàng đóng cửa phần lớn do sự cố kỹ thuật, còn một số đóng cửa do nhận hàng từ Nghi Sơn, nên không dễ dàng gì có hàng ngay.
Hiện bộ đang tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đã có kết quả bước đầu nhưng hiện chưa đủ dữ liệu, thông tin để công bố.
“Tinh thần nếu phát hiện vi phạm thì hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép”, ông Diên nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp, kết nối trực tuyến với 62 tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc đặt các câu hỏi cần có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn. Ông Huệ cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ được mời dự họp cần bố trí thời gian, sắp xếp công việc, đảm bảo tham dự đầy đủ phiên chất vấn, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Đồng thời, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh hay vòng vo, làm rõ thực chất, thực trạng của tình hình, có câu trả lời, đáp án rõ ràng cả về trước mắt lẫn căn cơ lâu dài những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Báo cáo mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay trong năm qua ngành công thương phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn, nhất là mặt hàng nông sản.
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột giữa các nước gây khó cho nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Trong đó căng thẳng chính trị Nga – Ukraine tác động, đe dọa thiếu hụt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt xăng dầu bị ảnh hưởng, cộng thêm việc gián đoạn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đến nay cung ứng điện, hàng hóa nguyên vật liệu khá ổn định, xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực… Tuy nhiên những vấn đề đặt ra như giá xăng dầu liên tục tăng cao, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp, tình trạng ùn tắc hàng hóa ở biên giới phía Bắc gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Người đứng đầu ngành công thương khẳng định từ tháng 1 đã chỉ đạo đáp ứng nguồn cung bù đắp lượng thiếu hụt từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, chủ động nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến quốc tế, thực hiện thanh kiểm tra… Nhờ vậy cung ứng thị trường xăng dầu được ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Nguồn: vietnamnet