Bộ Nội vụ vừa chính thức có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước.
Theo đó, công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng viên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028) và Thủ tướng Chính phủ (tại công văn số 1480) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đã ký văn bản này và sẽ phát hành tới các địa phương, trong đó có Hà Nội. |
Trước đó, ngày 7/11, tại phần chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đã ký văn bản này và sẽ phát hành tới các địa phương, trong đó có Hà Nội. Ông khẳng định, các giáo viên nằm trong chỉ tiêu biên chế từ 2015, ký hợp đồng trước 31/12/2015 và có đóng bảo hiểm sẽ được tuyển dụng đặc cách.
“Đề nghị Hà Nội cũng phải làm nghiêm túc như thế. Có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng cũng nói rồi, các đồng chí cứ làm. Còn tuyển xong số giáo viên này mà vẫn thiếu thì thi tuyển theo đúng Nghị định 161”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, hàng trăm giáo viên hợp đồng đã nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động dù chưa thi tuyển hay xét tuyển. Riêng huyện Sóc Sơn, ngày 5/11, các giáo viên dù ký hợp đồng trước 31/12/2015 nhưng không đăng ký dự tuyển, không tham gia dự thi tuyển vòng 1 hoặc không qua được 2 vòng đều được thông báo bị chấm dứt hợp đồng lao động bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Nguồn: vietnamnet