Dịp gần tết, nhiều cơ quan, gia đình tổ chức tiệc tất niên, kéo theo những phiền toái cho người xung quanh bởi đủ loại âm thanh liên quan tới ăn nhậu.
Bỏ nhà đi sơ tán vì... tiệc tất niên

Tết năm nay, không khí ăn nhậu có vẻ xôm tụ hơn. Ngoài bia bọt, các gia đình còn có thêm những loa thùng công suất lớn có kết nối thông qua WiFi, bluetooth. Đây cũng là những dụng cụ để “tra tấn” những gia đình kế bên.

Đau đầu vì âm thanh
Chị P. (ngụ P.9, Q.5, TP.HCM) than thở cứ đến cuối năm là “chịu trận” vì tiệc tất niên, liên hoan, nhậu nhẹt, hát hò ầm ĩ. Chị kể tối 12-1, người ta tổ chức tất niên ngay dưới chân chung cư, nhà chị ở lầu 2, đóng cửa kính kín hết mà vẫn rất ồn. Nhạc xập xình, loa oang oang khiến cả nhà đau tai nhức óc. “Họ tổ chức ở lề đường, kéo bốn cái loa bự về rồi hát hò, chơi nhạc. Từ khoảng 5h chiều đã thấy loa nhạc ầm ĩ. Đến lúc không chịu được nữa, chúng tôi gọi điện báo công an khu vực thì họ có xuống làm việc, nhưng khi công an quay lưng đi thì âm thanh được mở lớn. Gọi lên công an phường thì lại được nghe bảo một năm mới có một lần, để cho thoải mái. Liên hoan tất niên thì không phải cấm, nhưng thoải mái cũng phải có chừng mực, ảnh hưởng đến người khác sao 
được” – chị P. bức xúc. Chị P. cho biết ở chung cư có nhiều người già, người bệnh, trẻ em. Hộ gia đình ở tận lầu 4 có mẹ già, ồn quá chịu không được xuống nói với chị tổ trưởng, nhưng tổ trưởng cũng chỉ lắc đầu bất lực. Nhà chị tổ trưởng cũng có người bệnh mà nói cũng không giải quyết được gì. Năm nào cũng vậy, chị P. phải gọi điện nhờ công an giải quyết, nhưng cứ công 
an đi thì đâu lại vào đấy.Còn chị Loan (P.1, Q.10) cũng kêu trời vì khu vực nhà chị ở gần chợ hoa Hồ Thị Kỷ, mỗi năm hai lần lại thấy có tổ chức ăn uống, hát hò. Chị Loan cho biết tối 
13-1, một số tiểu thương buôn bán khu vực chợ hoa tổ chức liên hoan. “Chừng khoảng 10 bàn bày ra ngay ngoài đường. Họ kéo loa về, hai dàn loa lớn chĩa ra đường, cách nhà tôi chưa đầy 20m. Lúc tôi phản ảnh thì họ có mở loa nhỏ nhưng được một hồi, khi đông người thì lại ầm ĩ. Như tôi là người trẻ còn chịu được, chứ người già, người bệnh chịu sao nổi. Giờ mà được chắc dọn nhà đi quá” – chị Loan ngán ngẩm nói. Thấy ồn ào quá, chịu không nổi nên chị phải chở con đi nơi khác. Mẹ chị cũng phải tạm thời “di tản” vì tiếng ồn. Chị nói nhiều nhà đều đi “lánh nạn” như chị, ai không đi được đành ở nhà rồi bịt tai lại.
Không dám nhắc khi “rượu vào”
Ông T.K.H. (62 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cho biết nhà ông ở hẻm cụt rất an toàn nhưng dịp lễ, tết thì khổ sở vô cùng. Mới đây, nhà đối diện mang hai loa thùng, âm thanh lớn để tiệc tùng ca hát từ 11h trưa. Vợ chồng ông lớn tuổi, dù đóng kín hết các cửa nhà nhưng vẫn cảm thấy khó thở, đau đầu với âm thanh dội sang. Đó là chưa kể mẹ già của ông hiện gần 90 tuổi. “Vậy mà đến 22h, tôi sang nhà họ đề nghị giảm âm thanh để hàng xóm nghỉ ngơi thì bị đám thanh niên mắt đỏ ngầu cự lại và còn dọa dẫm đòi 
đánh” – ông H. nói. Còn bà N.V.M. (ngụ Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) kể nhà hàng xóm làm tất niên từ trưa, có bốn chiếc loa thùng bắc ra trước nhà. Chịu không nổi, bà M. phải gọi taxi chở hai mẹ con sang chơi nhà người bạn. Vài gia đình trong hẻm cũng phải sơ tán tạm thời giống bà M.. Đến gần 19h về lại nhà thì tiệc tùng vẫn chưa vãn. “Sang nhà hàng xóm nhờ họ vặn nhỏ loa lại, vậy mà mấy thanh niên nhà đó nồng nặc mùi men mắng tôi không biết điều, đòi bứng nhà tôi đi. Quá sợ, tôi đành vào nhà khóa cửa chịu trận…” – bà M. nói.

Địa phương 
cần tăng cường nhắc nhở, xử phạt: Luật sư Nguyễn Đức Lâm, giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Q.Phú Nhuận, cho biết tình trạng hát hò, ăn nhậu ồn ào khá phổ biến ở xã hội hiện nay. Không chỉ gây ồn mà nhiều gia đình còn dựng rạp, mời ban nhạc, bày nhiều bàn ghế lấn chiếm ra nửa lòng đường để ăn nhậu, hát hò. Luật sư Lâm cho rằng “văn hóa” ăn nhậu kèm hát hò gây phiền hà là thói quen rất xấu, cần phải chấn chỉnh. Về phía chính quyền, vào những dịp gần tết nhất thiết phải có cuộc họp tổ dân phố, khu phố để nhắc nhở việc tiệc tùng, ồn ào. Cảnh sát khu vực cũng cần phải quyết liệt kiểm tra để xử phạt đối với những hành vi bày bừa nhậu nhẹt lấn chiếm lòng đường gây ách 
tắc giao thông, ồn ào.
Tiệc tùng tất niên khá xô bồ: Theo ông Trương Ngọc Tường – nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nam bộ, nhiều người vẫn cho rằng tiệc tất niên cuối năm tổ chức theo cách mà nhiều gia đình, nhiều nơi đang làm là không phù hợp với truyền thống. Trước hết, “bày ra ăn nhậu, hát hò thâu đêm làm ảnh hưởng đến người xung quanh đâu phải văn hóa truyền thống”. Ông cho biết tiệc tất niên thường được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm với mục đích chứng tỏ đã hoàn tất công việc trong năm, “nhàn” rồi. Còn như tiệc tất niên hiện nay khá xô bồ, đa số chỉ như trào lưu ăn nhậu, tiệc tùng. Các công ty có nhân viên, công nhân không về quê đón tết thì tổ chức tất niên cho công nhân là nên làm, nhưng nên tổ chức gọn gàng, văn minh. Nhiều nơi làm quá, dựng rạp ngoài vỉa hè trước công ty, thuê dàn nhạc hay hát karaoke ngay trên lòng đường… gây ồn ào, mất an ninh trật tự. Nhất là tổ chức sớm vào những ngày này khi mọi người vẫn đang làm việc, học hành sẽ làm ảnh hưởng đến họ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : "di tản"công antiệc tất niênvăn hóa

Các tin liên quan đến bài viết