‘Bà ngoại’ ngày nay nhuộm tóc nâu tóc đỏ, chạy xe vù vù, lướt Facebook và hát ‘Gangnam Style’… nhưng bộ giáo dục không chấp nhận ‘bà ngoại’ này trong các bài văn của học sinh.
Thử hỏi 100 phụ huynh có con học trường công lập có muốn con mình đi du học không, tôi nghĩ 70-80 người trả lời là “muốn và rất muốn”. Một nền giáo dục thành công thì phụ huynh không ai chán nản đến mức lúc nào cũng nghĩ đến việc cho con ra nước ngoài học như vậy.
Là một phụ huynh có con học lớp 6 và 8 trường công lập, tôi rất bức xúc với nền giáo dục chỉ chăm chăm chạy theo thành tích hiện tại. 14 lần đi họp phụ huynh đầu năm, trừ một số rất ít giáo viên, còn lại tôi luôn nghe những con số chỉ tiêu, tỉ lệ % phải đạt được.
Có lẽ giáo viên cũng không vui vẻ gì khi phải cắm đầu chạy theo những con số này, nhưng họ bị buộc phải đạt được. Hậu quả là…
Học sinh bị bỏ rơi “phần hồn”
Thật là lạ lùng cho nền giáo dục coi việc đào tạo con người như sản xuất hàng hóa, tất cả quy về những con số % một cách máy móc, lạnh lùng, vô hồn.
Song Nghi
Ngày con tôi lên lớp 6, hôm họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm chỉ liệt kê các con số tỉ lệ phần trăm phải đạt được.
Không một lời nào nhắc phụ huynh cần lưu ý theo sát diễn biến tâm lý khi học sinh bắt đầu vào tuổi dậy thì và cú sốc thay đổi môi trường học từ kiểu nhẹ nhàng của lớp 5 sang học dồn dập của lớp 6.
Nhiều vụ việc đau lòng gần đây xảy ra với các học sinh cũng có nguyên nhân là các cháu không tìm thấy chỗ dựa tinh thần nơi cha mẹ, thầy cô dẫn đến những hành động nông nổi đáng tiếc. Giá mà trong lúc các em chơi vơi, hụt hẫng có một bàn tay ấm áp chìa ra kéo các em lên, dìu các em đi.
Một hôm giáo viên chủ nhiệm gởi thư với lời lẽ hết sức nghiêm trọng mời tôi vào gặp cô ấy sau giờ học. Con tôi cầm thư vừa đưa cho tôi vừa khóc vì sợ hãi rất tội nghiệp (bức thư để rời không bao thư, cháu đọc được và hết sức hốt hoảng).
Khi tôi vào, cô giáo chủ nhiệm lớp 6 lặp lại những lời lẽ trong thư. Con tôi bị điểm dưới trung bình vài môn.
Tuy nhiên cô giáo không phân tích để tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết mà chỉ nhắc đi nhắc lại việc các cháu dưới trung bình là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích chung của lớp.
Tôi ra về mà lòng nặng trĩu, không phải vì con học kém mà vì sự hốt hoảng của cô giáo trước nguy cơ lớp bị mất thứ hạng thi đua. Sau đó tôi tìm hiểu thêm thì con tôi không quen với cách giảng bài nhanh của vài giáo viên nên không hiểu bài.
Khi hướng dẫn lại cho cháu những phần chưa hiểu ở nhà thì cháu hiểu và làm bài được. Có thể tôi là người khó tính nhưng việc “bỏ rơi” học sinh với những cú sốc tâm lý như vậy là điều khó chấp nhận được. Một nền giáo dục nhân văn sẽ không bỏ mặc học sinh như vậy.
Học để làm bài, không cần hiểu
Ngày con tôi vào lớp 1, trong một lần hàn huyên bên ly cà phê, ông bạn hàng xóm sát vách nhà tôi, một cán bộ Sở GD-ĐT dặn tôi “ông phải kiểm tra coi nó thật sự có gì trong đầu không. Đừng tin điểm 9,10 của mấy cô cho”.
Tôi ngớ người không hiểu sao anh ấy lại nói như vậy. Sau một học kỳ, tôi hiểu ra giáo viên đang có xu hướng dạy cho học sinh có thể làm bài kiểm tra tốt nhưng… chưa chắc học sinh đã hiểu. Cũng có trường hợp học sinh hiểu nhưng nhanh chóng quên đi sau khi làm bài.
Để đối phó với việc áp đặt “số đẹp”, giáo viên sẽ rèn cho học sinh cách làm bài theo kiểu mà hiện nay người ta đang “bao đậu lý thuyết” khi thi bằng lái xe. Các dạng bài sẽ ra được thầy cô cho làm đi làm lại đến mức học sinh “nhắm mắt cũng làm đúng”.
Kết quả kiểu dạy và học đối phó này sẽ là những con số đẹp cho các quan chức ngành giáo dục hài lòng.
Nhưng có bao nhiêu % kiến thức thực tế còn lại trong đầu học sinh với kiểu học này? Học sinh chỉ cần biết làm bài đúng, còn tại sao đúng, tại sao phải làm như vậy thì giáo viên không đủ thời gian giải thích.
Khi một trung tâm dạy khoa học vào trường tiểu học của con tôi dạy, các cháu rất hào hứng học vì được dạy theo kiểu học-hiểu-ứng dụng. Tiếc là những chương trình như vậy rất ít và không được tính vào điểm chung của học sinh.
Đổ khuôn giết chết óc sáng tạo
Chuyện này thì đã có nhiều người nói đến, xin không nhắc nhiều. Đây cũng là hệ lụy từ việc dạy học chỉ để làm bài thi.
Tôi chỉ nói thêm một câu thôi: bà ngoại ngày nay nhuộm tóc nâu tóc đỏ, lái xe hơi, xe máy chạy vù vù, hát “Gangnam Style” và bấm điện thoại thông minh nhoay nhoáy, post Facebook ào ào. Thế nhưng, ngành giáo dục không chấp nhận bà ngoại này.
“Bà ngoại mẫu” mà ngành giáo dục nhét vô bài văn học sinh phản ánh đúng hình ảnh của họ trong thực tế: lưng còng, tóc bạc, đi đứng chậm chạp phải chống gậy và hát những bài hát ru à ê của cả trăm năm trước.
Khi nào Bộ GD-ĐT chịu… “đổi bà ngoại” cho đúng thực tế thì may ra con cháu chúng ta mới không tìm cách “tháo chạy” khỏi giáo dục trong nước.
Nói thẳng ra, tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT đang áp dụng trong 30 năm qua là phi nhân văn và phản khoa học. Đây là nguyên nhân chính khiến càng cải cách giáo dục càng thất bại. Bằng chứng là rất nhiều quan chức ngành giáo dục không cho con cái học trong hệ thống giáo dục công lập mà họ quản lý, và rất nhiều phụ huynh không muốn cho con học trường công lập.
Song Nghi
Nguồn: tuoitre.vn