Ngày 28/7, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông cho hơn 200 đại biểu thuộc 36 tỉnh thành từ Nghệ An trở vào phía Nam.
Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường trong trường phổ thông là vô cùng quan trọng, góp phần giúp học sinh không chỉ khỏe về thể chất mà từng bước hoàn thành về nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, có kỹ năng sống tốt, tăng đề kháng trước các tệ nạn xã hội, ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội… Từ đó, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) phát biểu khai mạc buổi tập huấn. |
Theo ông Linh, trên thực tế, vẫn còn những hiện tượng ở một vài địa phương bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần lâu dài đối với học sinh… Ngoài ra, một số học sinh phải đối mặt với hiện tượng trầm cảm, có các hành vi tiêu cực trong cuộc sống, có thể bị sang chấn tâm lý…
Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có những giải pháp quan trọng, các thầy cô, nhà trường cần có cơ chế quản lý, nắm bắt, lắng nghe các tâm tư, tình cảm, khó khăn của học sinh và tư vấn cách giải quyết kịp thời.
Để làm điều đó, việc bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông hết sức quan trọng.
Nội dung của buổi tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho cho đội ngũ lãnh đạo quản lý để chỉ đạo công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông (theo nội dung của Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông).
Bên cạnh đó, trang bị cho đội ngũ các nhà lãnh đạo quản lý, các cán bộ, giáo viên cốt cán các trường phổ thông những kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản. Từ đó đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với người học.
Tại đây, các đại biểu tiến hành chia sẻ về thực hành tâm lý học đường cho học sinh, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.
Các đại biểu dự tập huấn tại TP Hồ Chí Minh |
Trong sáng 28/7, các đại biểu đã được lắng nghe những chia sẻ của chuyên gia của Cơ quan liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực học đường, Tổ chức Room To Read chia sẻ về chương trình giáo dục kỹ năng sống cho nữ sinh các trường phổ thông…
Đồng thời được lắng nghe các chuyên đề về tư vấn tấm lý học đường và tham gia thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm cũng như chia sẻ những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại địa phương.
Trước đó, ngày 19/7, Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức tập huấn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông cho 27 Sở GD-ĐT khu vực phía Bắc.
Ông Bùi Văn Linh cũng đã quán triệt một số nội dung để hướng dẫn các Sở GD-ĐT tổ chức xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai trong các trường phổ thông trên địa bàn, phối hợp các cơ sở đào tạo sư phạm (đã được Bộ cấp chứng nhận) tổ chức các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho giáo viên tư vấn tâm lý để kịp thời triển khai thành công các nội dung công tác tư vấn cho học sinh ngay trong thời gian tới. Cùng đó, tham mưu các cấp chính quyền địa phương có thêm chính sách hỗ trợ, kinh phí bồi dưỡng giáo viên theo chương trình qui định của Bộ GD-ĐT; tổ chức thanh, kiểm tra quá trình triển khai tại các trường học…
Nguồn: vietnamnet