Bộ GD-ĐT dự kiến trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 86 quy định về học phí theo hướng có khung, trần để có thể thu đủ, tính đúng, tính đủ chi phí…
Bộ GD-ĐT vừa tổ chức hội thảo “Đề xuất giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ (về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế)”.
Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện xã hội hóa buổi học thứ 2 trong ngày đối với cấp học mầm non, tiểu học cho thấy ở cấp mầm non vẫn còn thiếu giáo viên.
Năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên, bình quân số giáo viên/lớp đạt 1,82 giáo viên/lớp. Trong đó, thấp nhất là tỷ lệ giáo viên/lớp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 1,73 giáo viên/lớp. Tiếp đó là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung với tỷ lệ 1,76 giáo viên/lớp, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với 1,79 giáo viên/lớp; vùng Đồng bằng sông Hồng là 1,97 giáo viên/lớp và vùng Đông Nam Bộ là 1,8 giáo viên/lớp;
Tính theo số địa phương, có 32/63 địa phương có tỷ lệ dưới 1,8 giáo viên/lớp.
Một số địa phương không thể kí hợp đồng với giáo viên nên việc bố trí đủ giáo viên/nhóm, lớp theo quy định còn gặp khó khăn, một số nơi chỉ có 1 giáo viên/lớp.
Những nguyên nhân khiến thiếu giáo viên mầm non là do giáo viên bậc học này phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc; đa số là nữ, nghỉ thai sản nhiều, không có người dạy thay; chế độ chính sách chưa phù hợp; quá tải sĩ số trẻ trên lớp.
Còn ở cấp Tiểu học, theo số liệu của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), năm học 2019-2020, cả nước có 403.371 giáo viên, thiếu khoảng 19.474 giáo viên. Bình quân biên chế giáo viên/lớp của cả nước đạt 1,38 giáo viên/lớp. Hầu hết các tỉnh đạt tỷ lệ 1,3-1,4 giáo viên/lớp, chỉ một số ít tỉnh đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Với tỷ lệ này các tỉnh cơ bản thực hiện được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với phương án 32 tiết/tuần. Tuy nhiên, một số tỉnh có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp sẽ gặp khó khăn.
|
Ảnh |
Trong những năm qua, để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc-giáo dục trẻ theo chương trình quy định, hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tổ chức học 2 buổi/ngày, thực hiện thu thỏa thuận với cha mẹ trẻ để chi trả tiền ăn bán trú; thu phục vụ ăn sáng, cơ sở vật chất phục vụ bán trú, giữ trẻ ngày thứ 7, học ngoài giờ chính khóa…
Một số địa phương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại địa phương, quy định về các khoản thu và việc sử dụng các khoản thu theo thỏa thuận trong các cơ sở giáo dục. Qua đó, tạo cơ chế cho việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, với cấp Tiểu học, từ nay đến năm 2025, sẽ dạy song song hai chương trình (2018 và 2006).
Với chương trình 2006, thiết kế học 1 buổi/ngày nhưng hiện nay các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (trên 86%). Do đó, trường nào chưa đủ 1,5 giáo viên/lớp sẽ xem xét xã hội hóa để ký hợp đồng giáo viên theo chính sách của từng địa phương.
Còn nếu đủ 1,5 giáo viên/lớp thì sẽ chỉ xã hội hóa các nội dung theo nhu cầu của phụ huynh như bán trú, các câu lạc bộ…
Với Chương trình 2018 thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 đến 5, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định đủ biên chế dạy học 2 buổi/ngày theo Thông tư 32/2018 (đủ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định), thực hiện xã hội hóa các nội dung như bán trú, câu lạc bộ và các hoạt động trải nghiệm theo nhu cầu.
Ảnh |
Đối với giáo dục mầm non, việc xã hội hóa hoạt động bán trú và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã được quy định tại Nghị định 105/2020/NĐ-CP. Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch hướng dẫn các trường thực hiện.
Trách nhiệm của nhà trường và gia đình trong thực hiện chế độ sinh hoạt cần được quy định rõ trong chương trình giáo dục mầm non (đã có dự thảo sửa đổi); việc sử dụng kinh phí xã hội hóa giáo dục để hợp đồng lao động giáo viên mầm non đảm bảo đủ định mức theo quy định cần đưa vào nghị định thay thế Nghị định 16 đang được Bộ Tài chính chủ trì trình Chính phủ ban hành.
Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 86 quy định về học phí theo hướng có khung, trần để có thể thu đủ, tính đúng, tính đủ chi phí; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của các dịch vụ giáo dục để các địa phương có căn cứ thực hiện.
Nguồn: vietnamnet