PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, những hạn chế khi thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77 là do cách hiểu chưa đầy đủ và chưa thống nhất.

Trong năm 2022, Bộ GD-ĐT có chủ trương rà soát lại để tiếp tục có hướng dẫn chi tiết, chỉnh sửa bổ sung những quy định cho phù hợp với thực tiễn quá trình triển khai tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Bộ GD-ĐT: Còn cách hiểu chưa đầy đủ về tự chủ đại học
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

“… Không thể hiểu tự chủ là tự quyết cả những vấn đề luật chưa cho phép”

– Sau một thời gian thực hiện tự chủ đại học, Bà đánh giá ra sao?

Chính xác thì trước khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành, chỉ có 2 đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học – công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

Sau khi “tự chủ đại học” được luật hóa và áp dụng chung cho cả hệ thống các cơ sở tại Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học (2012), do điều kiện thực tế của từng cơ sở và năng lực quản trị, điều hành hoạt động của Hội đồng trường, của ban giám hiệu, đặc biệt đối với các trường công lập, Chính phủ đã có Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77) để khuyến khích các cơ sở công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và giảm chi cho Ngân sách nhà nước đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

Trên cơ sở kết quả thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với trách nhiệm giải trình, điều kiện thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và xu thế phát triển GDĐH của thế giới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Do vậy có thể nói cả hệ thống đã thực hiện tự chủ nhưng ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào điều kiện và năng lực thực hiện tự chủ của từng cơ sở.

– Có ý kiến cho rằng nội hàm của các quyết định phê duyệt đề án thí điểm tự chủ đại học vẫn chưa đầy đủ so với thực tiễn. Từ đó có thể dẫn đến chuyện lãnh đạo trường đại học thực hiện đề án thí điểm được phê duyệt mang lại những kết quả nhất định, nhưng lại bị kỷ luật, vướng vào vòng lao lý?

Như trên đã nói, việc thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công còn một số hạn chế, bất cập. Một trong số đó thể hiện ở cách hiểu chưa đầy đủ và thống nhất về tự chủ đại học, về tổ chức thực hiện và điều hành hoạt động của nhà trường khi thực hiện tự chủ. Ngoài việc phải tuân thủ những quy định của Luật Giáo dục đại học, hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học công lập, còn chịu sự chi phối bởi các Luật khác như đối với một đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó bao gồm Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công, Luật Thi đua khen thưởng, Luật Công chức, viên chức…

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học còn phải tuân thủ những quy định liên quan đến hoạt động của các tổ chức Đảng trong các cơ sở theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Nghị quyết 77 đã thể hiện rõ nội dung này tại khoản 5 Điều 2, cụ thể như sau: “Căn cứ Nghị quyết này và các quy định liên quan, (các cơ sở GDĐH công lập) xây dựng Đề án đổi mới cơ chế hoạt động trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Căn cứ quy định này và nguyên tắc xác định thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp dựa trên địa vị pháp lý của cơ quan ban hành và tính chất của văn bản, việc thực hiện các đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học đã được Thủ tướng phê duyệt theo Nghị quyết 77 phải bảo đảm không trái với các luật liên quan. Không nên và không thể hiểu tự chủ là tự quyết cả những vấn đề luật chưa cho phép.

– Thực tế, không ít trường cho biết khá lúng túng khi các quy định của các luật liên quan này chưa có những đặc thù cho giáo dục đại học, thậm chí còn mâu thuẫn với Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) dẫn đến vướng mắc, khó khăn trong các hoạt động tự chủ. Bộ có hướng giải quyết, hướng dẫn ra sao trong thời gian tới, thưa bà?

Thực tế có hiện trạng một số trường lúng túng trong thực hiện tự chủ, tuy nhiên tôi cho rằng những lúng túng này chủ yếu là những vướng mắc về mặt kỹ thuật vì cũng đã có rất nhiều cơ sở triển khai tốt.

Điều quan trọng hơn là phải xác định rõ nội hàm tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các cơ sở như tôi đã đề cập về hạn chế khi thực hiện Nghị quyết 77 là do cách hiểu chưa đầy đủ và thống nhất về tự chủ đại học.

Trong năm 2022, Bộ GD-ĐT có chủ trương rà soát lại những quy định của Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để tiếp tục có hướng dẫn chi tiết, chỉnh sửa bổ sung những quy định cho phù hợp với thực tiễn quá trình triển khai tự chủ.

Trong quá trình này, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cơ quan quản lý trực tiếp của các cơ sở giáo dục đại học để tìm ra các giải pháp khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong toàn hệ thống.

Năm 2022: Trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm

Theo Bà Nguyễn Thu Thủy, trong năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh tự chủ đại học, Chính phủ đã có những đề án quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục đại học. Có thể kể đến là Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025; Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030; Đề án tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 – 2025; Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025…

Bộ GD-ĐT cũng đã hướng dẫn kịp thời để các cơ sở giáo dục đại học chuyển sang đào tạo trực tuyến; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các tập đoàn viễn thông lớn đễ hỗ trợ phần mềm cũng như đường truyền phục vụ cho đào tạo trực tuyến.

Trong năm 2022, toàn hệ thống giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các Đề án đã được phê duyệt, đồng thời hoàn thiện các chính sách theo quy định của Luật Giáo dục đại học để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo điều kiện đẩy mạnh tự chủ và tăng cường trách nhiệm giải trình, nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ sở.

Cùng đó, hoàn thiện và trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm trong giai đoạn mới, đảm bảo sự phát triển hợp lý và bền vững của hệ thống. Xây dựng và tham mưu ban hành khung chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam, tập trung vào việc tối ưu hóa hệ thống. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nhằm tăng hiệu quả đầu tư từ ngân sách, tạo động lực cho phát huy nội lực của các cơ sở và tạo đòn bẩy cho thu hút các nguồn đầu tư khác. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học, từ quản lý nhà nước, giữa các cơ sở và trong từng cơ sở hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục đại học minh bạch, linh hoạt hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ GD-ĐTLuật giáo dục đại họctự chủtự chủ đại học

Các tin liên quan đến bài viết