Bluezone giúp cách ly đúng người, khoanh vùng đúng khu vực, và vì thế những người không tiếp xúc gần sẽ không bị cách li, phong toả “oan”, và xã hội vẫn có thể hoạt động bình thường.
Cách li, khi không còn cách nào khác
Thông thường, khi phát hiện một người nhiễm Covid-19 (F0), cơ quan phòng dịch sẽ căn cứ vào lịch trình di chuyển của nạn nhân để khoanh vùng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Với cách làm này là cơ quan phòng dịch đang phải đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ. Như trường hợp của BN1581 tại Hà Nội, ngay khi phát hiện, cơ quan chức năng đã lập tức phong tỏa tòa nhà T6 Times City (nơi ở của bệnh nhân).
Kết quả là hàng nghìn cư dân T6 Times City thuộc 26 tầng nhà phải cách ly dù chưa chắc đã có tiếp xúc với BN 1581.
Tiếp tế lương thực vào tòa T6 Times City, nơi có ca bệnh 1581. |
Với trường hợp của BN 1956, toàn bộ chung cư Sky City 88 Láng Hạ (Hà Nội) đã phải phong tỏa khẩn cấp. 934 người dân tại đây được yêu cầu khai báo y tế và ở yên trong nhà. Sau đó, tất cả những người này đều cho ra kết quả âm tính.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện các địa phương trên cả nước vẫn đang còn phải cách ly, theo dõi sức khoẻ hơn 88.000 người. Trong đó, cách ly tại bệnh viện 592 trường hợp, cách ly tập trung 12.000 người, cách ly tại nhà gần 76.000 người.
Ở thời kỳ cao điểm, mỗi ngày Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 phải giải quyết khoảng 150.000 – 180.000 trường hợp người cách ly. Ngoài việc phải chuẩn bị tốt về điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, cơ quan chức năng cũng phải huy động một lực lượng lớn tham gia vào công tác phòng dịch.
Rất dễ để nhận thấy, việc chống dịch theo phương pháp thông thường tác động không nhỏ tới cuộc sống, sinh hoạt, làm việc của rất nhiều người.
Thực tế này đòi hỏi sự ra đời của một giải pháp xác định tiếp xúc có độ hiệu quả và chính xác cao hơn. Ứng dụng Bluezone và công nghệ xác định tiếp xúc bằng sóng Bluetooth chính là câu trả lời cho bài toán đó.
Một nhà cách ly, cả xã vẫn hoạt động bình thường
Từ thực tế chống dịch, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đánh giá, Bluezone là một trong những công cụ hỗ trợ hiệu quả phòng chống dịch.
Bán kính hoạt động khoảng 2m của sóng Bluetooth rất thuận tiện cho việc xác định các tiếp xúc gần. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã đã áp dụng việc cài đặt Bluezone và đều cho thấy những kết quả nhất định.
“Trên một địa bàn hẹp, cài Bluezone có thể quản lý được các công nhân xem họ tiếp cận với ai, khi nào. Tuy nhiên, đối với phạm vi rộng như cả nước, cần phải cài đặt Bluezone đủ lớn mới có hiệu quả rõ rệt”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.
Vừa qua, nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp cũng đã làm rất tốt khi bắt buộc công nhân trong các công xưởng sử dụng Bluezone. Các nhà máy của Nhật Bản, trong đó có Hitachi tại Hải Dương đã yêu cầu tất cả các công nhân cài đặt ứng dụng này.
Ứng dụng Bluezone giúp lưu lại các tiếp xúc gần trong phạm vi bán kính 2m xung quanh người bệnh. Độ chính xác của công nghệ xác định tiếp xúc dựa trên sóng Bluetooth của Bluezone tốt hơn các công nghệ khác gấp khoảng 100 lần.
Trong trường hợp 1 người dương tính với Covid-19, chỉ những người tiếp xúc khoảng cách gần người đó mới phải cách ly. Với cách làm này, chỉ tính riêng về diện tích khoanh vùng, sàng lọc, khối lượng công việc của đội ngũ sàng lọc đã giảm cả nghìn lần. Hàng trăm, hàng ngàn người cũng sẽ không phải cách ly nhờ được loại khỏi vòng nghi nhiễm.
60% người dân sử dụng Bluezone, Việt Nam sẽ “miễn dịch điện tử”
Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, ứng dụng Bluezone rất có giá trị trong trường hợp hai người có tiếp xúc nhưng không quen biết nhau (ví dụ: đi vào quán ăn, đi siêu thị mua sắm…).
Nếu người nhiễm Covid-19 đã cài Bluezone từ trước, việc xác định và khoanh vùng người tiếp xúc gần sẽ được thực hiện rất nhanh. Thông qua ứng dụng Bluezone, cơ quan y tế sẽ thông báo nếu bạn từng tiếp xúc với ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19.
Bluezone chỉ ghi nhận lượt tiếp xúc giữa các thiết bị chứ không cho biết họ tiếp xúc với ai và ở đâu. Mã Bluezone trên thiết bị sẽ được thay đổi 15 phút/lần. Người dùng vì thế có thể hoàn toàn yên tâm về vấn đề quyền riêng tư và bảo mật.
Quan trọng hơn cả, Bluezone giúp cách ly đúng người, khoanh vùng đúng khu vực, và vì thế những người không tiếp xúc gần sẽ không bị cách li, phong toả “oan”, và xã hội vẫn có thể hoạt động bình thường.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 29,2 triệu máy đã cài đặt ứng dụng. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, chỉ cần 60% dân số Việt Nam trong độ tuổi trưởng thành sử dụng Bluezone, cuộc sống sẽ lại có thể vận hành theo cách bình thường mới bất chấp sự lây lan của dịch bệnh.
Hầu hết các dịch bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc gần, bluezone phát huy hiệu quả trong phòng chống covid 19 cũng có thể giúp phòng chống nhiều dịch bệnh khác trong tương lai, và khi đó chúng ta đã hình thành một “hệ miễn dịch” điện tử cho người dân Việt Nam.
Nguồn: vietnamnet