Mảnh đất anh hùng trong tình yêu thương của Tổ quốc

Đã từ lâu, Bình Phước đi vào trái tim và khối óc tôi. Dưới thời chống Mỹ, có nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam không hướng về mảnh đất anh hùng này với tấm lòng yêu thương và ngưỡng mộ? Phải chăng trời đất đã tập trung lại nơi đây, đủ những kỳ thú của thiên nhiên Việt Nam, từ non cao, rừng rậm đến những ruộng rộng, sông dài. Mảnh đất linh thiêng lại được đặt ở vùng Đông Nam bộ nối liền rừng núi Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh, trải dài trên biên giới 240 cây số với đất nước Campuchia anh em.

Trên mảnh đất này hội tụ những con người ưu tú của hai dân tộc Kinh và S’tiêng đã cùng chung sống đoàn kết, yêu thương với 40 dân tộc anh em khác nữa, cùng bảo vệ quê hương, cùng liên tục chiến đấu ngoan cường, cùng cả đất nước quét sạch quân xâm lược, giành lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc… Với những con người hào kiệt và mảnh đất thiêng liêng này, Bình Phước đã trở thành một trung tâm anh hùng với những sự kiện lớn lao và những tên tuổi bất diệt của con người và mảnh đất. Tôi nhớ lại những cuộc bãi công, biểu tình tiêu biểu của công nhân Phú Riềng, công nhân An Tiên và công nhân Dầu Tiếng. Bình Phước là nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng Đông Nam bộ, đồng thời cũng là nơi nổ ra cuộc nổi dậy chống Pháp (1933) của hai anh em Điểu Mol và Điểu Mốt người S’tiêng.

Tà Thiết, huyện Lộc Ninh cơ quan đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nơi thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khu căn cứ Tà Thiết, địa điểm đặt Ban chỉ huy quân sự Miền, nơi tập kết bộ đội và cũng là trạm cuối cùng tiếp nhận hậu cần từ miền Bắc chuyển vào chiến trường Nam bộ… Và, mỗi khi nhắc đến mảnh đất anh hùng này, tôi vẫn nhớ như in trận Đồng Xoài – trận đánh của lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam – một trận đánh đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, mở đường cho một loạt chiến thắng về sau, dẫn tới giải phóng hoàn toàn cho Tổ quốc.

Đẹp đẽ thay những cảnh quan thiên nhiên, từ sông Sài Gòn, sông Bé đến các khu rừng bạt ngàn; những Thác Mơ, Hồ Sóc Xiêm, Núi Bà Rá… Danh lam thắng cảnh gắn liền với những di tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ đã khiến Bình Phước trở thành mảnh đất lừng lẫy khí phách anh hùng, mảnh đất yêu thương của Tổ quốc.

Vẻ đẹp của thủy điện Thác Mơ

Bình Phước đi lên cùng thời đại

Qua bao năm chiến đấu gian nan, Tổ quốc Việt Nam từ bị xâm lược và chia cắt trở thành nước độc lập và thống nhất. Chiến tranh chấm dứt và hòa bình được lập lại. Những đầu óc thông minh, những trái tim nồng nhiệt và hành động dũng cảm của con người Bình Phước lại cùng cả nước chuyển từ trận địa chiến đấu giết giặc bước vào một trận địa chiến đấu mới – trận địa chống lại sự nghèo nàn lạc hậu, đem lại phú cường cho Tổ quốc và đời sống hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Trong toàn quốc, những người quan tâm tới Bình Phước hẳn đã vô cùng ngạc nhiên thấy Bình Phước không dừng lại để chiêm ngưỡng những thành tựu trong quá khứ mà đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng của thời đại, hiểu được bước đi của dân tộc, để lập tức vươn lên trước nhiệm vụ mới của thời đại mới.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển kỳ diệu của trí tuệ con người, của những sáng tạo chưa từng thấy diễn ra trên mọi lĩnh vực của khoa học và công nghệ, khiến cho tri thức của con người đã trở thành một bộ phận quan trọng bậc nhất của lực lượng sản xuất và từ đó tạo ra trên thế giới một nền kinh tế mới – kinh tế tri thức. Trong thời đại ngày nay, thành công hay thất bại của một dân tộc phụ thuộc vào trình độ tri thức và vốn tri thức của dân tộc. Nhìn vào các bước đi của Bình Phước, chúng ta đều thấy Đảng bộ và chính quyền đã cùng nhân dân nắm vững được những tri thức cần thiết, đặc điểm quan trọng nhất ở thời đại ngày nay, khiến cho Bình Phước đang đi cùng với thời đại.

Vươn tới đỉnh cao của khoa học

Tôi hoan nghênh sự ra đời của Tạp chí Khoa học thời đại. Người ta có thể nghĩ rằng, một tờ báo địa phương đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ quá lớn, nhiệm vụ của cả nhân loại và của toàn quốc. Nhưng tôi lại nghĩ với Bình Phước, Khoa học thời đại là một tạp chí – một cơ quan báo chí rất phù hợp với quá khứ anh hùng và hoài bão lớn lao của những con người ở nơi đây.

Khoa học và thời đại đã từng là những nhân tố quyết định thắng lợi của Tổ quốc ta trong đó nổi lên là mảnh đất và con người của Bình Phước. Tuy nhiên Khoa học và thời đại ngày nay không còn là khoa học và thời đại của thời kháng chiến chống Mỹ. Sau gần nửa thế kỷ, nó đã tiến xa lắm và trở thành một điều kiện quan trọng bậc nhất trước các dân tộc trên thế giới. Ngày nay, đổi mới đi lên, hội nhập toàn cầu, gia nhập WTO đã khẳng định đường lối sáng suốt của Đảng xuất phát từ đỉnh cao của khoa học và của thời đại. Toàn cầu hóa là một trào lưu tất yếu đang lôi cuốn các dân tộc trên thế giới vào một cuộc đua tranh không cân sức giữa mạnh và yếu, giàu và nghèo, tiến bộ và lạc hậu. Trong cuộc tranh đua lớn đang diễn ra trong thời đại ngày nay, với luật chơi nghiêm khắc là mạnh được yếu thua, Đảng ta và nhân dân ta biết rõ điều này nên vừa chấp nhận cuộc đua, vừa phải vô cùng sáng suốt, phải nhạy bén và dũng cảm để khai thác thời cơ, phải phát huy chỗ mạnh của mình để vượt mọi khó khăn và giành thắng lợi.

Lịch sử chiến đấu chống thiên tai và địch họa kéo dài suốt mấy ngàn năm không những đã rèn luyện cho dân tộc ta lòng yêu nước mãnh liệt, sức chiến đấu kiên cường, dũng cảm mà còn đem lại cho nhân dân ta một truyền thống hiếu học, một đầu óc luôn luôn nhạy bén và sáng suốt. Chính truyền thống lớn lao này đã tạo cho chúng ta một thuận lợi để phát huy tinh thần học tập và đầu óc thông minh, để nhanh chóng vươn lên đỉnh cao của trình độ khoa học nhân loại. Điều này đang chứng minh một ưu thế của dân tộc, đang là một sức mạnh vô tận để ngành giáo dục khai thác và phát huy, để mỗi gia đình có trách nhiệm quan tâm, để mỗi con người vươn lên, để sao cho dân tộc ta nhanh chóng nắm được vũ khí thành công của thời đại: đó là khoa học.

Thực ra nói khoa học vẫn là chưa đủ mà phải nói là toàn bộ nhân tố của nền văn hiến lâu đời, trong đó có khoa học. Tổ tiên ta, xưa đã để lại những di sản tinh thần ấy trong cuộc sống của nhân dân và trong đầu óc của mỗi con người. Vì lẽ trên, đọc tờ Khoa học thời đại của Bình Phước, tôi hoan nghênh tinh thần hợp tác giữa giới khoa học công nghệ và giới văn học nghệ thuật để tạo nên một sự hài hòa trong nền văn hóa của một xã hội và trong sự cân bằng ở đời sống của mỗi cá nhân. Tôi xin phép được nói thêm rằng: việc giáo dục con người cũng như việc xây dựng nền văn hóa trong cộng đồng, đòi hỏi phải được phát triển toàn diện ở cả trái tim, khối óc và bàn tay. Điều này có nghĩa là: trước hết, phải có lòng yêu thương mãnh liệt từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Tình yêu thương ấy bao trùm lên Tổ quốc và đồng bào, trở thành đạo đức cao đẹp nhất của thời đại, mở rộng thành những tình cảm sâu sắc và hành vi cao đẹp đối với cả nhân loại và mỗi con người. Hai là phải có một trí tuệ rộng lớn từ truyền thống đến hiện đại bao gồm những tinh hoa của dân tộc và thành tựu của thế giới, từ những kiến thức rộng lớn của con người hiện đại đến những cử chỉ và hành vi mang tính khoa học và hợp lý trước mọi diễn biến hàng ngày. Ba là, có một ý chí vững vàng, một niềm tin sắt đá, không khuất phục trước mọi thử thách và khó khăn, quyết tâm đạt kỳ được những mục đích mà xã hội cũng như bản thân đã đặt ra đối với mỗi con người.

Ba điều trên chính là Nhân, Trí, Dũng, ba phẩm chất đẹp nhất trong đạo đức Bác Hồ mà chúng ta đang học tập.

Với những cảm nghĩ chân thành nói trên, tôi tin tưởng ở những thành công lớn lao của Bình Phước trong tương lai cũng như đã chứng kiến những thành tích vô cùng vẻ vang của Bình Phước trong quá khứ. Cũng với niềm tin ấy, tôi chúc Tạp chí Khoa học thời đại của Bình Phước sẽ làm tròn sứ mệnh và đáp ứng được những đòi hỏi ngày một cao của độc giả.

GS. Vũ Khiêu

Từ khóa : Bình Dươngdak lakHồ Sóc Xiêmlâm đồngNúi Bà Rátây ninhthác mơ

Các tin liên quan đến bài viết