Theo Quyết định số 23/QĐ-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về phê duyệt Đề án “Quy hoạch chuyển đổi cây trồng rừng phục vụ đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp” ban hành ngày 4-1-2017, Bình Phước là một trong 3 địa phương (cùng Đắk Lắk và Cà Mau) có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn trên 5.000 ha và được quy hoạch xây dựng trung tâm giống công nghệ cao có công suất 5 triệu cây mô/năm đối với những loại cây này. Theo đề án, các trung tâm giống công nghệ cao còn được xây dựng mới tại các tỉnh có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn trên 10.000 ha (gồm Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh) với công suất từ 10 triệu cây mô/năm.
Mục tiêu của dự án nhằm định hướng cho các địa phương xác định loài cây chủ lực để trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Bộ NN&PTNT đưa ra các giải pháp thực hiện gồm rà soát quy hoạch lại hệ thống rừng giống, vườn giống; bổ sung thêm 30 nguồn giống tại 8 vùng sinh thái lâm nghiệp với tổng diện tích 2.230 ha cho 23 loài. Bên cạnh đó, đánh giá, lựa chọn, lập danh mục cơ cấu loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng. Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo giống mới, khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao các giống mới vào sản xuất.
Đề án cũng cơ cấu lại các sản phẩm gỗ có lợi thế và mang lại giá trị cao; từng bước giảm dần xuất khẩu dăm, mảnh, đến năm 2020 còn khoảng 3 triệu tấn và giảm dần đến năm 2030; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ; tăng cường quảng bá sản phẩm gỗ nội địa, đồng thời xây dựng và phát triển các kênh phân phối gỗ trên thị trường nội địa.
T.P