Thế kỷ thứ XIX, Bình Phước thuộc trấn Biên Hòa. Trong dòng chảy lịch sử gần 200 năm qua, cùng với sự biến động, phát triển của dân tộc, tỉnh Bình Phước đã nhiều lần chia tách, sáp nhập về hành chính. Đặc biệt, từ năm 1997 khi tái lập tỉnh đến nay, cùng cả nước, Bình Phước chuyển mình phát triển toàn diện, mạnh mẽ, với động lực mới và mở ra nhiều cơ hội lớn, chuẩn bị cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14-4-2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Phước sáp nhập với tỉnh Đồng Nai, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hiện nay. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 30 năm sau tái lập tỉnh, cùng điểm lại một Bình Phước năng động, tự tin, bản lĩnh trên hành trình hội nhập, vì sự phát triển của quê hương chung Đồng Nai, của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

BÌNH PHƯỚC CÓ VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC, THUẬN LỢI CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bình Phước thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữ vai trò chiến lược, quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Tây; là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, đặc biệt là với Campuchia, Lào, Thái Lan.

Bình Phước cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 110km, cách thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hơn 85km. Bình Phước đang đón đầu xu hướng chuyển dịch công nghiệp từ các trung tâm công nghiệp lớn của vùng, là cửa ngõ Đông Nam Bộ kết nối với Tây Nguyên.

Bình Phước có hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh và trong khu vực ngày càng khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Hệ thống đường giao thông nhìn từ thị xã Chơn Thành, khu vực giáp tỉnh Bình Dương

Bình Phước có hệ thống giao thông liên hoàn, được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại. Hiện Bình Phước có các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, quốc lộ 14, ĐT741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, đi các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Vương quốc Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ngày 19-4, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần 3 và 5; ngày 29-4 động thổ dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Dự kiến cuối năm 2026 sẽ hoàn thành cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Các tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước tới TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 70km và rút ngắn thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không trong khu vực, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tương lai có đường sắt xuyên Á đi qua, hứa hẹn tạo cú hích cho phát triển kinh tế – xã hội.

Năm 2024, Bình Phước đã tổ chức lễ động thổ công trình xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh và khởi công giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex Bình Phước 

UBND tỉnh Bình Phước vừa tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần 3 và 5 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) – Ảnh: Như Nam

Dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” với nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới. Đây cũng là vùng đất đa sắc về văn hóa, giàu truyền thống cách mạng. Chính từ truyền thống lịch sử văn hóa rất đáng tự hào, cùng tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm với khát vọng phát triển, tỉnh Bình Phước đã biến tiềm năng thành động lực phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

BÌNH PHƯỚC ĐANG TRÊN ĐÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, NHANH VÀ BỀN VỮNG

Bình Phước bước qua tỉnh nghèo và đang trên đà phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bình Phước đứng thứ nhất vùng Đông Nam Bộ và xếp thứ 11 cả nước (đạt 9,32%). Quy mô nền kinh tế đạt 115.357 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với năm tái lập tỉnh. GRDP giai đoạn 2019-2024 đạt 8,74%. Bình Phước đặt mục tiêu GRDP đạt 2 con số từ năm 2026.

Hạ tầng Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (huyện Hớn Quản) đã được đầu tư đồng bộ, đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế

Từ năm 2010, Bình Phước không còn hộ đói và phấn đấu năm 2025 không còn hộ nghèo. GRDP bình quân đầu người hằng năm đạt 108,4 triệu đồng, tăng hơn 49 lần so với khi tái lập tỉnh (năm 1997).

Trên nền tảng hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt, Bình Phước đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Bình Phước đã thu hút được hơn 400 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Năm 2023, Bình Phước trong top 10 tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước, với tổng số vốn đăng ký hơn 739 triệu USD, đạt 277% kế hoạch/năm.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đại diện chính quyền tỉnh Bình Phước nhận giải thưởng chính quyền số ASOCIO 2024

Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc… Cải cách hành chính, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Năm 2021, Bình Phước trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. 2024 là năm thứ 3 liên tiếp Bình Phước đoạt giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam và khu vực.

Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai chắc chắn trong sơ đồ lợi ích chung của cả nước là tạo ra lợi thế quy mô của từng vùng, từng địa phương và sự quản lý, điều hành của Trung ương cũng sẽ có những lợi ích, cũng như cho cả vùng. Việc hợp nhất 2 tỉnh, mỗi bên đều có lợi thế rất lớn. Đặc biệt, Bình Phước đang trên đà phát triển, từ vùng dự trữ phát triển đang trở thành động lực phát triển của cả vùng. Điều này kết hợp với Đồng Nai sẽ tạo đà cho tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất bứt phá mạnh mẽ hơn.

PGS. TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023, và được điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024, chỉ rõ: Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để Bình Phước hoạch định chính sách, triển khai bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp

BÌNH PHƯỚC – VÙNG ĐẤT  TRÙ PHÚ, GIÀU TIỀM NĂNG VÀ DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN

Bình Phước hiện có diện tích lớn nhất khu vực miền Nam, với 6.873,6km2. Đất đai màu mỡ, ít chịu ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ của cây cao su và cây điều, với diện tích khoảng 243.000 ha cây cao su và 150.000 ha cây điều. Đây là vùng nguyên liệu rộng lớn, chất lượng cho công nghiệp chế biến nông sản, chế biến sâu.

Bình Phước có quỹ đất sạch dồi dào để phát triển các khu công nghiệp (KCN), thương mại, dịch vụ, đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bình Phước là hướng mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng, phát triển kinh tế cửa khẩu, logistics; có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.

Bình Phước được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ với diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng hơn 171.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 23%. Rừng rất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như Vườn quốc gia Bù Gia Mập hay rừng phòng hộ Đắk Mai, Bù Đốp… Bình Phước cũng có tiềm năng phát triển điện năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối từ nông sản, phù hợp xu hướng năng lượng sạch.

Bình Phước có quỹ đất sạch dồi dào để phát triển các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị – Trong ảnh: Một góc đô thị Đồng Xoài

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam Nguyễn Quốc Khang cho rằng: Bình Phước ở vị trí địa lý rất thuận lợi, cách cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 180km, cách TP. Hồ Chí Minh không xa, khoảng 110km và cách sân bay Long Thành cũng không nhiều. Đặc biệt, Bình Phước có nhiều tiềm năng rộng lớn về đất đai, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bền vững và chế biến sâu…

Bình Phước hiện có 13 KCN với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 69%, trong đó KCN Becamex Bình Phước diện tích 2.450 ha và KCN Minh Hưng – Sikico diện tích 655 ha. Dự kiến sẽ mở rộng thêm 3 KCN với tổng diện tích 1.375 ha, trong đó KCN Bắc Đồng Phú 317 ha, KCN Nam Đồng Phú 480 ha, KCN Minh Hưng III giai đoạn 2 là 577 ha, đưa tổng diện tích các KCN của tỉnh lên 6.061 ha.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, Bình Phước tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng các KCN, mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối sang Lào và Thái Lan với tổng diện tích 28.300 ha, trong đó 3.500 ha khu trung tâm đang hoạt động. UBND tỉnh Bình Phước cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Một góc Khu công nghiệp Minh Hưng – Sikico, huyện Hớn Quản

Theo quy hoạch tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh đạt 18.105 ha, trong đó quy hoạch mới 8 KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, có vị trí gần tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, do đó rất thuận lợi và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Bình Phước đã lập quy hoạch các khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí, sân golf gắn với thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, các chuyên gia và người có thu nhập cao.

Bình Phước khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh từ năm 2020 với hệ thống trang thiết bị và đôi ngũ nhân lực đạt chuẩn về trình độ – Ảnh: Ngân Hà

Bình Phước có nguồn nhân lực dồi dào, với dân số 1.062.307 người (năm 2024), trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 605.351 người (năm 2004), chiếm gần 61% dân số. Đây là thời kỳ dân số vàng, là nguồn lực quan trọng, chất lượng để Bình Phước phát triển mạnh mẽ.

Là tỉnh có đường biên giới trên đất liền giáp với Vương quốc Campuchia dài nhất Việt Nam (258,939km), Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, các cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh; Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Năm 2018, Bình Phước hoàn thành công tác cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đoạn qua tỉnh và là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành công tác này.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng cho rằng: Bình Phước có vị trí quan trọng, chiến lược về quốc phòng. Trong thời gian qua, Bình Phước đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về khu vực phòng thủ, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới… Bình Phước có đường biên giới dài tiếp giáp nước bạn Campuchia. Đây là điều kiện tiên quyết hỗ trợ kinh tế mậu biên phát triển.

Bình Phước có những ưu thế riêng của mình, với 258,939km đường biên giới, đó là một chân trời mở ra trong việc giao lưu quốc tế trên nhiều phương diện, trong đó có giao lưu kinh tế. Bình Phước hợp nhất với Đồng Nai thì tất cả thế mạnh về kinh tế, chính trị sẽ được phát huy mạnh mẽ. Thời cơ lớn, vận hội lớn, với không gian mới, đặc biệt với sự cộng hưởng lớn, Bình Phước và Đồng Nai hợp lực đều khắc chế những khó khăn chung và của mình, tạo ra một xung lực mới, không phải là tổng lực đơn thuần theo cấp số cộng, mà đó là sự tổng hòa của hệ động lực phát triển thống nhất, đồng bộ 2 vùng đất, mà mỗi bên đều mang ưu thế riêng của mình, tạo nên ưu thế và sức mạnh phát triển được nhân lên theo cấp số nhân.

Tiến sĩ NHỊ LÊ, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

BÌNH PHƯỚC PHÁT TRIỂN TRÊN NỀN TẢNG TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG ANH HÙNG

Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước luôn kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Bình Phước là nơi thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ – chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ vào ngày 28-10-1929, lãnh đạo công nhân cao su làm nên sự kiện Phú Riềng Đỏ anh hùng vào đầu năm 1930.

Bình Phước có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, là điểm cuối cùng của hệ thống đường vận tải chiến lược Bắc – Nam trên bộ; là căn cứ địa chiến lược, hậu phương tại chỗ, nơi tiếp nhận sức người, sức của trực tiếp từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Nói đến Bình Phước, người dân cả nước nghĩ đến vùng đất anh hùng của Chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài năm 1965 thắng lợi, sự kiện “Đồng Xoài rực lửa chiến công” đã đi vào lịch sử, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, buộc đế quốc Mỹ phải bị động chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Chiến dịch Nguyễn Huệ làm nên “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, giải phóng hoàn toàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và từng mảng ấp chiến lược, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia thành hậu phương trực tiếp của chiến trường B2, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân viễn chinh và chư hầu về nước. Lộc Ninh là huyện đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sân bay quân sự Lộc Ninh cũng chính là nơi vinh dự được đón hàng trăm người con ưu tú, trung kiên của cả nước từ các nhà tù của Mỹ – ngụy trở về.

Bảo tàng chiến dịch Đường 14 – Phước Long, nơi lưu dấu nhiều kỷ vật, chứng tích chiến tranh về vùng đất Phước Long – tỉnh đầu tiên của miền Nam giải phóng 

Nhắc đến Bình Phước là nhớ đến Chiến dịch Đường 14 – Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975 giải phóng Bù Đăng, Đồng Xoài và toàn tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975. Đặc biệt, căn cứ của Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam (còn gọi là Căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh) là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Tại đây, 19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Phước yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Với khí chất của người dân miền Đông “gian lao mà anh dũng”, quân và dân Bình Phước luôn tỏ rõ chí khí kiên trung, sẵn sàng hy sinh của cải và tính mạng cho sự nghiệp cách mạng, cùng quân – dân miền Đông và cả nước làm nên nhiều chiến công vang dội. Cho nên, mỗi người dân Bình Phước càng thêm trân trọng, càng thấm thía sâu sắc giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình và phát triển.

Một trong những công trình lưu dấu về hành trình sang Việt Nam tìm đường cứu nước của Thủ tướng Campuchia Hunsen tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Sau khi thống nhất đất nước, là tỉnh tiếp giáp với nước bạn Campuchia, những năm 1977-1979 Bình Phước đã bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và cùng cả nước hoàn thành nghĩa vụ quốc tế…

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình kháng chiến, kiến thiết và dựng xây quê hương, đất nước, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2003; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2006; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2011; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2025.

“Bình Phước là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Người dân Bình Phước luôn đoàn kết vươn lên, có ý chí cầu tiến. Đặc biệt, đảng bộ các cấp ở Bình Phước đã có nhiều đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các chủ trương, chính sách ngày càng hiệu quả hơn. Bình Phước là tỉnh có diện tích, tiềm năng đất đai rộng lớn, vị trí địa lý đặc biệt nên những năm gần đây Trung ương và tỉnh đã có sự quan tâm đầu tư đường giao thông kết nối cho Bình Phước, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành và đường từ Đồng Nai qua, là những tiềm năng rất lớn, thuận lợi cho phát triển trong thời gian tới”.

Đại biểu PHAN VIẾT LƯỢNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội

BÌNH PHƯỚC PHÁT TRIỂN TRÊN NỀN TẢNG VĂN HÓA THỐNG NHẤT VÀ ĐA DẠNG, GIÀU BẢN SẮC

Bình Phước từng là vùng đất sinh sống của người tiền sử, dấu tích còn để lại được tìm thấy tại các di tích khảo cổ thành đất hình tròn. Đặc biệt, Bình Phước tự hào sở hữu Bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa, đàn đá Thọ Sơn, trống đồng Long Hưng, trống đồng Thọ Sơn… và 38 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của địa phương và đất nước.

Đây cũng là vùng đất hợp cư, đồng bào tới từ khắp nơi trên cả nước, trong đó đồng bào các dân tộc Kinh, S’tiêng, Khmer, M’nông… có lịch sử cư trú lâu đời. Người dân Bình Phước yêu lao động, chan hòa, gần gũi, thích ứng linh hoạt.

Bình Phước với 41 thành phần dân tộc, tạo nên nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc

Trong quá trình quần cư và phát triển, 41 dân tộc ở Bình Phước không ngừng phát triển văn hóa hết sức đa dạng, phong phú, thấm đẫm bản sắc, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định mang tầm quốc gia như: Lễ hội Cầu bông của người Kinh; Lễ hội Miếu Bà Rá ở Phước Long; Lễ hội Phá bàu của người Khmer; Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng; Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông; Nghề đan gùi của người S’tiêng; Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Bình Phước càng tự hào là một trong 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được duy trì, phát triển trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Về Bình Phước gần như thấy hết tất cả nét đặc trưng văn hóa đồng bào các dân tộc trong cả nước.

Nghệ nhân biểu diễn đàn đá tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa  TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai đánh giá: Bình Phước có nguồn lực phát triển văn hóa dồi dào, hội đủ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”, giàu giá trị và tiềm năng, có nhiều di sản và lợi thế; giàu bản sắc vốn được hình thành từ sự hội nhập, chan hòa, kết tinh, chuyển hóa từ nhiều nhân tố, nhiều dòng mạch trong quá trình giao lưu văn hóa và vận động phát triển. Đặc biệt, sự hợp cư với tình đồng bào hòa mục đã tạo nên tư chất người Bình Phước: vừa dũng cảm, kiên cường vừa cởi mở, hòa hợp, nghĩa tình, không cục bộ, phóng khoáng, khoan dung vừa tự cường, kỷ cương, sáng tạo và cầu thị trong cuộc sống…

………………………………………..

Nhìn lại gần 30 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đang tiếp tục tháo gỡ những “điểm nghẽn” về tầm nhìn và nhận rõ thời cơ cùng thách thức đối với phát triển; về thể chế và cơ chế vận hành kinh tế – xã hội; về bộ máy và tổ chức của hệ thống chính trị; về lộ trình tổng thể và bước đi…; và, dù thành tựu phát triển đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng nhưng đó là bước tiến dài của 41 dân tộc anh em đoàn kết thống nhất, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, trên con đường xây dựng Bình Phước phát triển ngày càng toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, vươn tới giàu mạnh.

Trên nền tảng đó, với khát vọng vươn lên mãnh liệt, thật sự xứng đáng là nơi hội tụ và phát triển các nguồn lực, Bình Phước chủ động nắm lấy thời cơ, phát huy lợi thế so sánh, linh hoạt thích ứng, chuẩn bị toàn diện các điều kiện cho cuộc cách mạng sáp nhập, hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai mới mang tầm chiến lược trăm năm, góp phần phát triển nhanh, mạnh, bền vững và nhân văn của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cùng cả nước, vì cả nước, trên mảnh đất của mình, Bình Phước cháy lên khát vọng phát triển phồn vinh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : BÌNH PHƯỚChội nhập

Các tin liên quan đến bài viết