Trong khi vốn ngân sách còn hạn hẹp, để tăng nguồn lực xây dựng nông thôn mới (NTM) phải dựa vào sức dân. Đây là giải pháp thiết thực, khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định đến thành công là cách thức vận động nhân dân chung tay góp sức cùng Nhà nước, vừa tạo khí thế phấn khởi, vừa nuôi dưỡng sức dân, từ đó tạo nguồn lực đóng góp cho các tiêu chí khác.
>> Nông thôn mới không phải là cuộc chạy đua hình thức – Bài 1
KHI Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN
Thôn 3, xã Long Hưng (Phú Riềng) là một trong những thôn có nhiều kinh nghiệm trong huy động sức dân làm đường nông thôn. Ông Phạm Văn Năm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3 chia sẻ: “Để huy động sức dân, tạo đồng thuận cao trong dân thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người gần dân nhất. Khi đến với dân phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để xây dựng chính sách. Nếu người dân đồng thuận thì không có việc gì không làm được. Tuy nhiên, việc huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của từng hộ dân; phải bàn bạc dân chủ và được sự đồng tình của người dân; tuyệt đối không để tình trạng xây dựng NTM mà tăng gánh nặng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhờ nhất trí cao trong làm đường mà nhân dân thôn 3 đóng góp 1,3 tỷ đồng cùng Nhà nước bê tông hóa các tuyến đường liên thôn”.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và huyện Đồng Phú kiểm tra tiến độ xây dựng Trường mầm non xã Tân Hòa (Đồng Phú)
Khi phong trào xây dựng NTM lan tỏa vào đời sống người dân, không ít nông dân đã hiến đất, góp tiền và công lao động, cùng nhau làm đường, kéo điện thắp sáng đường thôn. Điển hình là lão nông Trương Đường (SN 1958) ở thôn 2, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng). Với suy nghĩ mình phải làm chủ, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, ông Đường thấy tuyến đường đi qua nhà xuống cấp nhiều năm nên tự nguyện bỏ 700 triệu đồng, dùng xe ôtô, máy múc của gia đình dặm vá và san ủi đất, thông tuyến đường dài 4,8km giúp người dân đi lại thuận tiện.
Hành động đẹp của ông Đường đã được người dân thôn 2 ủng hộ nhiệt tình và lấy đó làm gương, người hiến đất, nhà sẵn sàng chặt bỏ những trụ tiêu đang vào vụ thu hoạch để cùng mở đường. Nhiều người khó khăn không có tiền đóng góp thì giúp ngày công lao động. “Việc mở đường đồng nghĩa phải chặt bỏ nhiều loại cây trồng có giá trị trên đất mà người dân đang canh tác, diện tích đất, vườn rẫy cũng bị thu hẹp, tuy nhiên ai nấy đều phấn khởi vì lợi ích chung của cả xã. Từ khi người dân bắt tay vào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đường đi khang trang, đời sống nâng lên rõ rệt” – ông Đường phấn khởi. Ông Đường còn là một trong những cá nhân xuất sắc của tỉnh được đề nghị Trung ương tặng bằng khen về tích cực tuyên truyền, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng NTM là việc làm không dễ, nhất là với xã nghèo còn nhiều khó khăn như Đa Kia (Bù Gia Mập). Tuy nhiên, bằng nhiều phương pháp linh hoạt, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả xã hội hóa xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông nông thôn, nhà văn hóa. Ngoài số tiền 11,953 tỷ đồng được UBND huyện Bù Gia Mập hỗ trợ đầu năm 2018, các hội, đoàn thể và nhân dân trong xã đã chung tay đóng góp hàng tỷ đồng để khởi công Trường mẫu giáo Măng Non và các tuyến đường liên thôn.
Xã Đa Kia có 2 thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó thực hiện tiêu chí giảm hộ nghèo và tiêu chí thu nhập. Bằng việc mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật, các hộ nghèo đã chủ động vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, các chi hội đoàn thể cũng duy trì và thành lập mới 11 nhóm xoay vòng vốn với 562,5 triệu đồng giúp trên 100 lượt hội viên hoàn cảnh khó khăn vay. Các tổ chức đoàn thể xã đứng ra thế chấp, quản lý vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 16,5 tỷ đồng, giải ngân cho hàng trăm lượt hội viên vay với lãi suất ưu đãi… Nhờ vậy, năm 2017, số hộ nghèo của Đa Kia giảm còn 7,8% (theo chuẩn mới), thu nhập bình quân đạt 35,2 triệu đồng/người, góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo và thu nhập vào cuối năm nay. Đa Kia cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành số tiêu chí cần nhiều vốn để đạt mục tiêu được công nhận xã NTM vào cuối năm 2018.
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC NÂNG CHẤT NTM
Nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 với trọng tâm là đưa 9 xã về đích và 2 thị xã Đồng Xoài, Phước Long hoàn thành xây dựng NTM. Mục tiêu trong quý 2/2018, 9 xã phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư ở tất cả hạng mục để tăng tốc xây dựng. Phấn đấu bình quân 9 xã đạt chuẩn NTM năm 2018 phải tăng 1,5 tiêu chí/xã so cuối quý 1.
Triển khai nâng chất tiêu chí NTM sau đạt chuẩn trên địa bàn 24 xã về đích NTM năm 2016 và 2017, đa số các xã đã xây dựng kế hoạch duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; tiếp tục vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM trên tinh thần tự nguyện. Một số công trình xây dựng theo cơ chế đặc thù đã thu được vốn đối ứng của nhân dân; các huyện, thị đang tiếp tục hỗ trợ cát, đá để thực hiện công trình. Hiện đa số các xã đều duy trì đạt các tiêu chí nhưng nhu cầu vốn để củng cố và nâng chất tiêu chí còn hạn chế, cụ thể là tiêu chí giao thông, môi trường, phát triển sản xuất… |
“Tuy nhiên, không vì mục tiêu hoàn thành các tiêu chí mà chạy theo thành tích, lạm thu trong nhân dân. Các xã đã về đích NTM hạn chế để nợ đọng, bố trí nguồn lực hoàn thành các công trình chuyển tiếp, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Vấn đề này, Văn phòng điều phối đã kiến nghị UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tỉnh bố trí thêm 45 tỷ 650 triệu đồng (từ nguồn vượt thu, kết dư, điều hòa) năm 2018 để phân bổ về 9 xã về đích và thanh toán nợ đọng. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giúp nông dân xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp” – ông Lường Đình Hải, Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh chia sẻ.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2018 phân bổ về 9 huyện với kế hoạch vốn giao 54,4 tỷ đồng, đồng thời phân bổ kinh phí vốn sự nghiệp NTM là 21,5 tỷ đồng đảm bảo các tiêu chí khó về đích đúng hẹn, để cộng đồng cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM, phải nâng được mức thu nhập của từng hộ dân. Bởi chỉ khi “vững” về kinh tế mới có thể động viên được người dân đóng góp xây dựng NTM. Từ định hướng đó, 9 xã đang tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
“Để tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” thì cả hệ thống chính trị phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng chất đời sống nhân dân. Ngoài những tiêu chí cần sự đầu tư bền vững và được nâng chất, như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, trường học, điện… có những tiêu chí nếu không có sự nỗ lực của người dân và định hướng phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương thì khó giữ vững” – ông Lường Đình Hải nói.
Theo Báo Bình Phước