Không phải ngẫu nhiên, thời gian gần đây, có không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ về Bình Phước đầu tư. Bộ mặt của vùng đất đỏ nghèo khó thuở nào đang “lột xác” từng ngày. Sự “lột xác” ấy không chỉ thể hiện trên những cung đường, rừng cao su, thị trấn.v.v… Hơn thế, nó còn bộc lộ trên từng con người, cán bộ, công chức của bộ máy hành chính.
Kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Nhận biết là địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi lắm so với các tỉnh – thành khác của miền Đông Nam bộ, từ nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã xác định phải “kiến tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, mới tạo được lợi thế so sánh, nhằm thu hút đầu tư”. Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước nói: “ Bình Phước cách xa TP HCM. Tỉnh không có cảng hàng không, chẳng cảng đường thuỷ mà đường sắt cũng… không nốt. Vận tải, đi lại chỉ duy nhất bằng đường bộ. Vì vậy, chúng tôi đã nỗ lực, chắt chiu sử dụng thật hiệu quả từng đồng vốn ngân sách, vốn ODA để xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện rút ngắn thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp”.
Hiện nay, các tuyến đường huyết mạch của tỉnh Bình Phước nối với tỉnh Bình Dương, đi thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện tại, tỉnh Bình Phước có 08 Khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.194 ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70 % diện tích đất; đặc biệt, trong đó có Khu công nghiệp Minh Hưng Hàn Quốc do nhà đầu tư Hàn Quốc (Công ty TNHH C&N Vina) làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng với diện tích 193 ha, đây được xem là khu công nghiệp thành công nhất của tỉnh với tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, nhà đầu tư thứ cấp chủ yếu đến từ Hàn Quốc.
Theo quy hoạch đến năm 2020 tỉnh sẽ có 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và có một Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối với Lào và Thái lan) với tổng diện tích 28.364 ha (trong đó 3.580 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động). Đây chủ yếu là quỹ đất sạch sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, để thu hút các nhà đầu tư, hiện nay tỉnh đang giao cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và dân cư Becamex Bình Phước tại huyện Chơn Thành với tổng diện tích 4.633 ha, quy mô vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 21.000 tỷ đồng; Khu công nghiệp Sikico tại địa bàn huyện Hớn Quản với diện tích 655 ha, vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng. Đây là 2 khu công nghiệp được xây dựng quy mô lớn và hiện đại, điều kiện hạ tầng rất thuận lợi để thu hút đầu tư.
Cải cách thủ tục để “lột xác” bộ máy hành chính
Với quyết tâm tạo ra sự khác biệt trong thu hút đầu tư; thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Bình Phước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng doanh nghiệp. Đầu năm 2018, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án và quyết định thành lập Quỹ Khởi nghiệp để hỗ trợ nguồn vốn ban đầu từ các cá nhân, doanh nghiệp mới thành lập có ý tưởng sáng tạo trong đầu tư, kinh doanh có điều kiện đưa ý tưởng trên áp dụng trong thực tế. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xác định công tác cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, là điều kiện tiên quyết nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước – cho biết: “Tại Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 19.7.2017 của HĐND tỉnh, đã cam kết rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư ở tất cả các khâu xuống còn bằng 1/3 thời gian so với quy định của Trung ương. Tỉnh cũng đã thành lập và đưa Trung tâm Hành chính đi vào hoạt động từ ngày 30.4.2017; Trung tâm Hành chính công của tỉnh là nơi duy nhất thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục”.
Đây được xem là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của chính quyền tỉnh Bình Phước. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Trung tâm Hành chính công, tăng cường năng lực, trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức làm việc tại đây để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
Ngoài ra, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngày 02.3.2018, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị số 37/CT-UBND, về việc cắt giảm chi phí của doanh nghiệp. Trong đó, chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thực hiện các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí của các doanh nghiệp trong quá trình đăng ký đầu tư, tiếp cận mặt bằng sản xuất, xây dựng, thuế và đổi mới về khoa học công nghệ…
Bên cạnh việc thu hút đầu tư, thì việc đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tạo sự yên tâm và gắn bó lâu dài của nhà đầu tư với tỉnh là công việc hết sức quan trọng. Tỉnh đã thiết lập và công khai đường dây nóng của Bí Thư Tỉnh ủy; tất cả các nhà đầu tư đều có thể phản ánh trực tiếp mọi khó khăn, vướng mắc thông qua số điện thoại và địa chỉ email của Bí thư Tỉnh ủy để chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã giải quyết. Thời gian qua, tất cả các nội dung phản ánh của nhà đầu tư qua đường dây nóng đều được giải quyết kịp thời, đã tạo niềm tin của doanh nghiệp đối với công cuộc cải cách hành chính của tỉnh.
Để đẩy mạnh đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập Tổ thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên, đến hết năm 2017, Bình Phước đã có 5.857 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký khoảng 46.041 tỷ đồng và 165 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 01 tỷ 524 triệu USD.
Riêng trong năm 2017 đã có 982 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với vốn đăng ký 10.465 tỷ đồng và thu hút được 22 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký 105,4 triệu USD; trong đó, có 122 dự án đi vào hoạt động hiệu quả, thu hút khoảng 45.000 lao động; phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ thu hút được 6.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Năm 2018, với sự kiện thị xã Đồng Xoài được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh, Bình Phước sẽ thêm cơ hội, động lực để xứng tầm là địa phương phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn: Báo Lao động