Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước hết sức quan tâm, xác định là nhiệm vụ hàng đầu nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào nghèo, đời sống khó khăn.

Nhiều chính sách, dự án đến với từng hộ nghèo

Theo ông Võ Văn Mãng GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Phước: Hiện nay, các chính sách, dự án này đã được thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, ban, ngành tỉnh đã tích cực thực hiện lồng ghép nhiều giải pháp với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội tốt hơn.

Năm 2017, có 8.268 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo dưới 3 năm vay vốn với doanh số 220.015 triệu đồng (2.141 lượt hộ nghèo, với doanh số 62.777 triệu đồng; 2.132 lượt hộ cận nghèo, với doanh số 49.799 triệu đồng; 3.995 lượt hộ mới thoát nghèo (dưới 3 năm), với doanh số 107.439 triệu đồng).  Hỗ trợ tiền điện cho 12.772 hộ nghèo với tổng kinh phí 7.509 triệu đồng.

Mua, cấp phát kịp thời thẻ BHYT cho 186.248 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn sử dụng nguồn quỹ kết dư khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 để hỗ trợ cho 12.547 người thuộc diện hộ làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Hỗ trợ 320 căn nhà cho hộ nghèo.

Bên cạnh đó, tỉnh đã khảo sát, triển khai xây dựng 02 mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Quang Minh, huyện Chơn Thành và xã Tân Phước, huyện Phú Riềng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng/01 mô hình. Phân bổ kinh phí 170 triệu đồng cho các huyện, thị xã thực hiện tuyên truyền công tác giảm nghèo. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

Năm 2018, giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo

Ông Mãng đánh giá: Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, dự án thuộc khung chương trình giảm nghèo, cùng với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo ở các xã, thị trấn, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là về cơ sở hạ tầng và việc tổ chức phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi căn bản trong tập quán sản xuất, biết tính toán, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp của hộ gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới và tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, khắc phục đáng kể tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, quen dần với sản xuất hàng hoá. Người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…).

Đời sống đồng bào dân tộc thiêu số  tỉnh Bình Phước có những chuyển biến rõ rệt, góp phần hạn chế sự chênh lệch giàu, nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giữa các vùng vì sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ông Võ Văn Mãng cho biết thêm: Năm 2018, tỉnh phấn đấu giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo do Trung ương quy định về giáo dục, tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý… Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ di dân, định canh định cư; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn…..

Tập trung thực hiện giảm nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, các xã, thôn thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn nhằm rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, khu vực trong tỉnh. Tập trung thực hiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số với các giải pháp như: tuyên truyền, vận động nâng cao dân trí, nhận thức, thay đổi các phong tục tập quán lạc hậu; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về đất ở, các điều kiện phát triển sản xuất; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, vùng tập trung các hộ đồng bào dân tộc thiểu số;…

Bình Phước: Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1

Tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo lồng ghép với các chương trình, dự án, mô hình trên địa bàn đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.

Thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS để liên kết, liên doanh đẩy mạnh hoạt động của các mô hình sản xuất tập thể trong vùng DTTS; cung ứng các mặt hàng chính sách, hàng hóa vật tư đầy đủ và kịp thời phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hỗ trợ phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông, lâm thủy sản, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dân tộc thiểu số…

Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thực hiện giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng chính sách, người có công và cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội; đảm bảo thực hiện các quyền của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ xâm hại trẻ em; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai; phòng, chống mại dâm và buôn bán người; thúc đẩy phát triển bình đẳng giới.

theo Báo Điện tử Dân Sinh

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCdân tộcgiảm nghèomô hìnhsản xuất

Các tin liên quan đến bài viết