Theo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 75 con sông lớn nhỏ có chiều dài từ 10km trở lên, thuộc 2 hệ thống sông chính là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống sông Mê Kông.
Trong đó, thuộc hệ thống sông Đồng Nai có các lưu vực sông: Da Mlo, Da R’Lou, Da Ko, Sông Bé, Sài Gòn và một phần sông Đồng Nai. Thuộc hệ thống sông Mê Kông có 2 lưu vực sông: Sông Măng (Đắk Jer Man) và Chiu Riu.
Sông Bé có chiều dài 350km với diện tích lưu vực 7.650km2. Sông Bé là sông lớn nhất chảy qua trung tâm của tỉnh Bình Phước.
Con sông Bé đoạn chảy xuyên qua tỉnh Bình Phước có chiều dài trên 200km với diện tích lưu vực khoảng 4.777,67km2.
Phần thượng nguồn (từ Thác Mơ trở lên), dòng sông Bé do nhánh sông chính tạo thành là Đak Glum.
Từ Thác Mơ đến Đak Huýt (nơi Đak Lấp đổ vào Sông Bé), con sông có độ dốc 0,6%, lòng sông có nhiều ghềnh.
Từ Đak Huýt, dòng sông Bé chảy theo hướng Bắc-Nam qua vùng đồi thấp và đồng bằng cao, đến tận Phước Hòa.
Sông Sài Gòn đoạn qua địa phận ấp 9, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, phần chảy qua địa phận tỉnh Bình Phước có chiều dài 253km, diện tích 1.111,88km2.
Sông Sài Gòn chảy qua rìa phía Tây của tỉnh Bình Phước (khu vực huyện Lộc Ninh, huyện Hớn Quản), đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Phước là phần đầu nguồn có lưu vực nhỏ chiếm khoảng một nửa diện tích lưu vực sông Sài Gòn tại tuyến đập Dầu Tiếng.
Sông Sài Gòn chảy qua Bình Phước bao gồm các phụ lưu như: sông Tôn Lê Chàm, sông Prêk Kéa, rạch Trou, suối Nron, sông Chà Là, suối Xa Cát.
Dòng sông Măng có lưu lượng trung bình năm khoảng 10,58m3/s, tương đương với tổng lượng khoảng 330,75 triệu m3. Phần thuộc địa phận tỉnh Bình Phước có chiều dài 64km và diện tích 169km2.
Sông Đồng Nai chảy qua rìa phía Đông của tỉnh Bình Phước. Đoạn chảy qua tỉnh Bình Phước có chiều dài khoảng 45km, bao gồm các phụ lưu sông: Da Mlo, Da Dang, Da R’Lou, Da Ko và suối Da Sét.
Theo Dân việt