Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung quy hoạch 6 dự án đầu tư về năng lượng điện Mặt Trời, với công suất 850MWp, nâng tổng công suất về điện năng lượng Mặt Trời của tỉnh được quy hoạch lên mức lớn nhất cả nước.
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)
Cụ thể, theo kế hoạch phát triển điện Mặt Trời của Bình Phước, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh quy hoạch 4.775MWp; trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 2.791MWp.
Để tạo ra công suất điện như quy hoạch nêu trên, tổng diện tích sử dụng đất lên đến 5.000-6.000ha; tập trung phần lớn tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Nhà máy điện Mặt Trời trên đầm Trà Ổ vẫn chưa thể triển khai
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Hoàng cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa chấp thuận chủ trương cho hai nhà đầu tư về điện Mặt Trời.
Hiện các dự án đang triển khai và dự kiến đến tháng 6/2019, khoảng 600MWp điện Mặt Trời đầu tiên trên địa bàn tỉnh sẽ truyền tải đưa vào vận hành đấu nối vào hệ thống mạng điện lưới quốc gia và bán điện thương mại.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, kinh phí đầu tư nguồn điện Mặt Trời quá tốn kém. Để sản xuất được 1 MWp điện Mặt Trời, cần đầu tư 1 triệu USD.
Cụ thể, Công ty cổ phần thủy điện Thác Mơ (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) là đơn vị được chấp thuận chủ trương đầu tư 50MWp với nguồn vốn 1.300 tỷ đồng.
Các nhà chuyên môn đánh giá Bình Phước là một trong 3 tỉnh có mức độ phức xạ nhiệt cao nhất của cả nước và có tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng điện Mặt Trời, cao điểm là địa bàn huyện biên giới Lộc Ninh./.
Theo vietnamplus.vn