Tận mắt chứng kiến cảnh tàn phá rừng, chúng tôi không khỏi xót xa, bàng hoàng… Không chỉ những cây rừng to cỡ một vòng ôm; hơn thế, một số gốc cây cày cổ thụ, chu vi từ 2 – 8m, cũng bị cưa hạ một cách tàn nhẫn.
Vỏ gốc cây vẫn còn tươi nguyên, thể hiện lâm tặc mới chặt hạ cây gần đây.
Bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng, những kẻ giấu mặt vẫn ngang nhiên huỷ hoại những cánh rừng còn sót lại ở tỉnh Bình Phước…
Vườn cao su, điều… triệt tiêu rừng tự nhiên
Có mặt tại khoảnh 7, tiểu khu 363, thuộc khu vực Nông – lâm trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV caosu Bình Phước), chúng tôi nhận thấy những rừng caosu, vườn điều thay dần những cánh rừng tự nhiên của địa danh Suối Nhung, Mã Đà… năm xưa.
Đến ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú), qua ít nhất 3 con suối, nhiều dốc, đèo trơn trợt, mới tiếp cận được cửa rừng ở khoảnh 7. Rất dễ dàng nhận ra vườn điều người ta mới trồng giáp ranh khu rừng, là trên vùng đất mới khai hoang, cày ủi…
Anh L.V.B – người dân ấp Thạch Màng – dẫn chúng tôi đến khu vực vườn điều giáp mé rừng.
Anh B cho biết: “Cách đây vài tháng thôi, ở đây dày đặc cây rừng. Nhưng họ đã đưa người vô dựng chòi, mang 2 – 3 xe ủi, xe cuốc vô… Chỉ thời gian ngắn, cả khoảnh rừng tự nhiên rậm rạp, liền kề khu rừng caosu đã bị xóa sạch. Sau đó, họ trồng điều thay thế cây rừng như thế này đây”.
Đưa chúng tôi đến một gốc cây cày to đùng, anh B cho biết: “Khoảng một năm trước, cây cày này rất to, cao khoảng 20 mét. Thế nhưng, từ khi máy cuốc, máy đào vô nằm trong đây, thêm những người lạ mặt vô dựng chòi, thì cây cày cổ thụ này, bây giờ chỉ còn trơ lại cái gốc khổng lồ này. Họ chặt hạ cả những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, ghê quá!”.
Những điều bất thường xung quanh vụ phá rừng
Tìm hiểu vụ phá rừng, chúng tôi được biết vào ngày 19.7.2018, tổ công tác phối hợp gồm: Kiểm lâm địa bàn, công an xã, quân sự xã và Nông – lâm trường Tân Lập tuần tra bảo vệ rừng.
Cùng ngày, tổ công tác đã phát hiện ra vụ phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 363. Ông Bùi Xuân Ngọc – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú (Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Phước), tại Thông báo số 12/TB-KL, ngày 31.7.2018, đã khẳng định Hạt kiểm lâm Đồng Phú đang “tạm giữ tang vật khai thác trái phép tại khoảnh 7, tiểu khu 363 (Nông – lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty TNHH MTV caosu Bình Phước”.
Ông Ngọc thừa nhận: “Tổ công tác phát hiện có 24 cây rừng đã bị khai thác rừng trái phép. Tại địa điểm khai thác rừng trái phép, đối tượng vi phạm đã lấy khỏi hiện trường 13 cây gỗ, chỉ còn lại 22 lóng (khúc) gỗ tròn; khối lượng 3,2m3”. Những cây gỗ bị cưa hạ thuộc các loại gỗ: Lòng mang, trâm, dẻ, dái ngựa, chò chai và xoài, từ nhóm III-nhóm VIII. Hạt kiểm lâm Đồng Phú đã chở toàn bộ 22 lóng gỗ còn lại về tạm giữ ở chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hoà – Tân Lợi để chờ xử lý.
Điều lạ lùng, Hạt kiểm lâm Đồng Phú biết rất rõ khu rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 363 là thuộc sự quản lý của Nông – lâm trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV caosu Bình Phước), nhưng không hiểu tại sao, Hạt kiểm lâm Đồng Phú vẫn không tiến hành mời chủ rừng lên làm việc, về vụ phá rừng trái phép trên.
Trái lại, Hạt kiểm lâm Đồng Phú vẫn một mực cho rằng: “không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp” số gỗ nêu trên (?!). Sau khi tạm giữ 22 lóng gỗ về chốt bảo vệ rừng, theo Hạt kiểm lâm Đồng Phú, để “chờ xác minh truy tìm chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp”…
Nực cười hơn, Hạt kiểm lâm Đồng Phú còn gửi thông báo trên Trạm truyền thanh xã Tân Lợi, niêm yết thông báo tại trụ sở Hạt kiểm lâm Đồng Phú, UBND xã Tân Lợi, chốt kiểm lâm liên xã…; để thông báo “ai là chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp số gỗ nêu trên đến Hạt kiểm lâm huyện Đồng Phú để làm việc”. Song, từ ngày 31.7 đến nay (6.10), vẫn không một “chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp” nào xuất hiện.
Trong khi đó, câu hỏi đặt ra: “Tại sao khi phát hiện vụ phá rừng, tổ công tác chỉ đánh dấu mã số trên số gốc cây có đường kính từ 25 – 75cm trong rừng, còn một số gốc cây “khủng” cổ thụ gần đó, có chu vi từ 2 – 8,6m, cũng bị lâm tặc cưa hạ, vỏ còn tươi nguyên, hoàn toàn không được đánh dấu, ghi mã số?”.
Lãnh đạo Hạt kiểm lâm Đồng Phú không trả lời rõ ràng câu hỏi này từ các cơ quan báo chí… Ngày 4.10, ngay tại buổi giao ban và cung cấp thông tin cho báo chí, PV Báo Lao Động đã đặt câu hỏi về vụ phá rừng trên với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước tại buổi giao ban. Tuy nhiên, đại diện Sở NNPTNT tỉnh viện lý do chỉ chuyên môn về “thuỷ lợi”, nên không thể cung cấp thông tin về lĩnh vực… “rừng” (?).
Chưa bao giờ, công tác bảo vệ rừng lại bức bách như lúc này. Vì thế, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành lệnh cấm khai thác rừng dưới mọi hình thức; đồng thời, nghiêm trị mọi hành vi huỷ hoại rừng… Do vậy, trước vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 363, thuộc Nông – lâm trường Tân Lập (Công ty TNHH MTV caosu Bình Phước), các cơ quan luật pháp tỉnh Bình Phước cần sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ thủ phạm đã huỷ hoại rừng.
Theo: Báo Lao động