“Nhân dân Bình Phước luôn tự hào về truyền thống cách mạng của một tỉnh anh hùng. Nay, nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, nhân dân càng tự hào trước diện mạo đang đổi thay từng ngày của quê hương” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm vui mừng cho biết trong diễn văn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (1997-2017) vừa diễn ra vào ngày 2/1. 

Ngày đầu muôn vàn khó khăn, thử thách
 
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm ôn lại: Cách đây 20 năm, vào ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9 đã quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Trong đó, tỉnh Sông Bé được tách thành 2 tỉnh là Bình Phước và Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh. Ảnh: Hồng Sơn.
Tỉnh Bình Phước được tái lập vào ngày 1/1/1997, chính thức đi vào hoạt động theo một đơn vị hành chính mới. Tỉnh Bình Phước khi được tái lập gồm 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé, tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Đồng Xoài (huyện Đồng Phú).
“Trong buổi lễ trọng đại này, mỗi chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu mới tái lập tỉnh với muôn vàn khó khăn, thử thách của một tỉnh nghèo” – Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm hồi tưởng.
Ngày đầu tái lập, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh cao, di dân tự do ngày càng đông, trình độ dân trí thấp. GDP bình quân đầu người thấp nhất cả nước. Nhân sự các sở, ban, ngành cấp tỉnh thiếu một cách trầm trọng. Kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông – lâm nghiệp, trong khi công nghiệp, thương mại – dịch vụ quá nhỏ bé; kết cấu hạ tầng thấp kém, chưa đồng bộ; tình hình an ninh biên giới diễn biến khá phức tạp…
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm cho biết: “Trong bối cảnh đó, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời đã ban hành ngay Nghị quyết số 01 xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 1997 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trọng tâm và trước mắt của một tỉnh mới tái lập”.
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của một tỉnh mới. Đặc biệt là quan hệ đoàn kết, hỗ trợ giữa tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh với Bình Phước luôn được củng cố và tăng cường, cùng với sự chỉ đạo, chi viện và giúp đỡ sâu sát của Trung ương, đã tạo điều kiện cho tỉnh Bình Phước khắc phục được khó khăn trong những ngày đầu mới tái lập.
Diện mạo mới đổi thay từng ngày
 
Trong 20 năm qua, với quyết tâm “phải đưa Bình Phước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo hệ thống chính trị đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, có nhiều mặt phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm cho biết thêm: Đến nay, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn năm 1997 là 1.311 tỷ đồng, đến năm 2016 thực hiện 31.560 tỷ đồng, tăng gấp 24 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, năm 1997: tỷ trọng nông – lâm – thủy sản chiếm 70,6%, công nghiệp – xây dựng chỉ chiếm 6,9%, dịch vụ chiếm 22,5% thì đến năm 2016: nông – lâm – thủy sản chiếm 33,6%, công nghiệp – xây dựng là 26,4% và dịch vụ chiếm 40%.
Toàn tỉnh có khoảng 5.200 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 37.000 tỷ đồng, tăng gấp 30 lần về số doanh nghiệp và hơn 1.000 lần về số vốn đăng ký so với năm 1997; thu hút được 154 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội năm 2016 tăng gấp 42 lần. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng gấp 39 lần. Thu ngân sách nhà nước tăng gấp hơn 24 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 16 lần so với năm 1997.
Các giá trị văn hóa truyền thống luôn được tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy tốt. Ảnh: Hồng Sơn.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là hệ thống giao thông, thông tin liên lạc và điện lưới quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 500 tuyến đường với chiều dài hơn 8.000 km, trong đó Quốc lộ 13, 14 đã nhựa hóa 100% và hiện đang tiếp tục nâng cấp mở rộng; đường tỉnh nhựa hóa đạt gần 99%. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm, tỷ lệ hộ có điện đạt trên 98%, gấp 6 lần so với năm tái lập tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm phấn khởi cho biết: Trong thời gian gần đây, với nỗ lực của tỉnh, một số tập đoàn kinh tế quy mô lớn, có uy tín, năng lực đã quan tâm đến tỉnh với các dự án trọng điểm về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao… Khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ là điều kiện thuận lợi cho sự vươn lên của tỉnh trong tương lai gần.
Văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao và các lĩnh vực xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Nếu ngày mới tái lập tỉnh, Bình Phước được coi là “vùng trũng” về giáo dục – đào tạo với cơ sở vật chất, giáo viên và cán bộ quản lý vừa thiếu vừa yếu, thì đến nay tỉnh có 6/11 huyện, thị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học phổ thông, 23% trường học đạt chuẩn quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên.
Cơ sở vật chất ngành y tế đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Thể dục thể thao phát triển rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực.
Nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường
Hơn 20 năm qua, vóc dáng của tỉnh Bình Phước đã không ngừng đổi thay và phát triển. Những thành tựu này gắn liền với sự quan tâm lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước; của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; sự ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt là truyền thống cách mạng và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu không ngừng của nhân dân, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh và sự góp sức của các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Bình Phước.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho Bình Phước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Tôi kêu gọi toàn thể đồng chí, đồng bào toàn tỉnh và những người con Bình Phước đang ở ngoài tỉnh, ở nước ngoài tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN VĂN TRĂM
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy tốt. Từ một tỉnh có gần 18% hộ đói nghèo, đến năm 2000 đã cơ bản xóa được hộ đói, cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,2% theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều.
Quốc phòng – an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại được mở rộng, ngày càng phát triển tốt đẹp. Đặc biệt, Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia vào năm 2012.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 22 Đảng bộ trực thuộc, tăng gấp 3 lần số tổ chức cơ sở đảng, tăng gấp 4 lần số đảng viên so với năm tái lập tỉnh.
Những tặng thưởng cao quý
 
Ghi nhận những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhất.
231 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 26 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 35 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công; gần 500 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động.
Từ đầu năm 2016, phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh đã thu hút sự tham gia rộng rãi, tích cực, nhiệt tình và hiệu quả của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là trong việc phấn đấu đưa 12 xã về đích nông thôn mới và triển khai 18 công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm Ngày tái lập tỉnh.
Hôm nay, 20 công dân Bình Phước ưu tú và 25 tập thể tiêu biểu được vinh danh trong buổi lễ trọng thể này chính là đại diện của những bông hoa tươi đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt, đã đóng góp, tô thắm cho tỉnh Bình Phước đẹp hơn và phát triển hơn trong suốt 20 năm qua.
Phải trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh
 
Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, nhân dân càng tự hào trước diện mạo đang đổi thay từng ngày của quê hương. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở vì Bình Phước vẫn còn là một tỉnh khó khăn trong khu vực Đông Nam bộ; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đời sống của người dân dù được cải thiện nhưng chưa cao…
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm nhấn mạnh: “Bằng tình cảm và trách nhiệm với quê hương, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu Bình Phước phải trở thành một tỉnh giàu mạnh và văn minh, trước mắt phải là một tỉnh phát triển khá trong khu vực phía Nam vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,1 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.850 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,0% theo chuẩn mới”.
Tỉnh đang ưu tiên công nghiệp đi trước, đón đầu và là đòn bẩy để phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo chiều sâu và nông nghiệp sạch theo chiều rộng; nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp gắn với mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới và xây dựng nông thôn mới để tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính đồng bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng cơ quan hành chính phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vì mục tiêu dồn sức cho sự phát triển của tỉnh và chăm lo cho cuộc sống của nhân dân. Quyết tâm xây dựng con người Bình Phước giàu tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, có lối sống văn hóa, có ý thức tự trọng, ứng xử lịch thiệp bằng việc thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.
Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm thể hiện quyết tâm: “Nhất định Bình Phước phải ổn định vững chắc về chính trị; giàu về kinh tế; đẹp về văn hóa, cảnh quan; mạnh về quốc phòng, an ninh; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là khát vọng cháy bỏng của mỗi người dân Bình Phước và là trách nhiệm nặng nề của mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh”./.
Thanh Phương – Thế Sơn

Từ khóa : đã đóng gópngười tốtviệc tốt

Các tin liên quan đến bài viết