Tàu sân bay (TSB) là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của hải quân và quân đội Mỹ nói chung.
Sức mạnh đại dương
Trong tác chiến, TSB Mỹ nằm trong thành phần cụm chiến đấu, với ba loại cơ cấu gồm 1, 2 và 3 tàu sân bay. Trong đó, loại thứ nhất lấy 1 TSB làm hạt nhân, chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Lực lượng phối thuộc thông thường gồm 4 tàu tuần dương mang tên lửa phòng không, 4 tàu hộ vệ và khu trục chống ngầm, 1-2 tàu ngầm hạt nhân tiến công. Ngoài ra, thông thường còn 1 tàu hậu cần hoặc tàu tiếp dầu cao tốc.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78). |
Loại thứ hai có 2 TSB. Lực lượng phối thuộc có: 8 tàu khu trục và tàu tuần dương mang tên lửa phòng không, 4 tàu hộ vệ và tàu khu trục chống ngầm, 2-4 tàu ngầm hạt nhân tiến công và 2-3 tàu hậu cần.
Trong đó, trên vòng tròn cách tâm (TSB) từ 8-10 hải lý bố trí 7-8 tàu khu trục và tàu tuần dương mang tên lửa phòng không. Trên nửa vòng tròn phía trước cách tâm 20-25 hải lý bố trí 4 tàu hộ vệ và tàu khu trục chống ngầm, nhằm hình thành lá chắn chống ngầm cho khu vực phòng thủ bên trong. Cách 50-185km ở cạnh bên và phía trước, phía sau TSB bố trí 2-3 tàu ngầm hạt nhân kiểu tiến công làm nhiệm vụ cảnh giới chống ngầm hoặc chống ngầm khu vực.
Đề phòng tàu ngầm hạt nhân đối phương đuổi theo phía đuôi, thông thường ở phía sau chừng 50km bố trí một tàu ngầm hạt nhân tiến công, còn một tàu ngầm khác bí mật xuất kích trước từ 3-4 ngày, đến trước tuyến đường mà cụm chiến đấu tàu sân bay nhất định phải đi qua để thực hiện việc trinh sát cảnh giới, nắm chắc tình hình tác chiến của tuyến đường hành quân và khu vực chờ thời cơ.
Cụm chiến đấu 2 TSB là dạng thức chiến đấu điển hình. Nó có khả năng tiến công – phòng ngự rất mạnh (bao gồm khả năng tác chiến đối bờ, đối hải) trên đường hành quân hoặc ở khu vực chờ thời cơ.
Loại thứ ba sử dụng 3 TSB làm hạt nhân, thông thường còn gọi là hạm đội hỗn hợp đặc biệt TSB, thường tác chiến trong khu vực có uy hiếp mức độ cao (như trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991). Lực lượng phối thuộc có 9 chiếc khu trục và tuần dương mang tên lửa phòng không, 14 tàu hộ vệ và tàu khu trục chống ngầm, 5-6 tàu ngầm hạt nhân kiểu tiến công và 3-4 tàu hậu cần.
Công cụ răn đe
TSB Mỹ thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Trước hết, làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ điểm, xác định vị trí lực lượng đối phương, trợ giúp các lực lượng Mỹ tiến hành cơ động, chờ thời cơ có lợi nhất để tác chiến tiến công đối phương. Khi tác chiến, máy bay trên TSB có thể tiến hành hiệu chỉnh điểm rơi của đạn pháo, từ đó phát huy được uy lực của pháo cỡ nòng lớn trên tàu.
Với vai trò là tàu chủ lực, do phạm vi hoạt động rộng, có nhiều tàu bảo vệ, số lượng vũ khí nhiều, uy lực lớn, TSB Mỹ có thể uy hiếp và tiêu diệt các tàu chủ lực của đối phương, bảo đảm quyền khống chế biển hiệu quả, tạo điều kiện cho các lực lượng Mỹ thực hiện tác chiến đổ bộ và tác chiến trên đất liền, tiến công đánh chiếm các khu vực trọng yếu trong hậu cứ của đối phương. Tàu sân bay còn là một lực lượng chủ yếu để Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân khi cần thiết. TSB hiện đại của Mỹ có thể đến được địa điểm xác định, mang theo nhiều máy bay ném bom hạt nhân với số lượng lớn làm cho đối phương bị bất ngờ về chiến lược và rất khó đối phó.
Tuy nhiên, chức năng chủ yếu của TSB Mỹ là làm một sân bay trên biển. Thực hiện chức năng này, TSB Mỹ thường duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu trên biển vài tháng, thậm chí vài năm, nhằm chi viện cho tác chiến gần bờ hoặc đảm bảo cho tác chiến trên không kéo dài, tiến công các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ đối phương. Do nhiều máy bay trên TSB có bán kính hoạt động không lớn, nên TSB Mỹ thường cố tiến vào càng gần vùng biển đối phương càng tốt.
TSB Mỹ có thể hoạt động ở vùng biển quốc tế mà không cần đến sự cho phép của các nước liên quan. Do vậy, các đời Tổng thống Mỹ rất coi trọng việc sử dụng TSB. Khi có khủng hoảng, TSB thường được điều đến khu vực liên quan để thể hiện sự quan tâm của Mỹ.
Mang theo nhiều nhiên liệu, vũ khí, tự thực hiện duy tu, bảo dưỡng, lại rộng lớn như một đảo nổi, TSB có thể làm nơi đóng quân của Mỹ trong một thời gian dài để răn đe đối phương, khi cần, có thể nhanh chóng thực hiện đổ bộ lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quân sự hoặc hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, TSB còn là phương tiện hữu hiệu để Mỹ bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ các tàu thương mại của Mỹ trên các vùng biển quốc tế.
Ngày nay, TSB có thể giúp lực lượng máy bay, tên lửa chiến thuật của Mỹ tránh được sự phụ thuộc vào căn cứ trên bờ, nhất là trong điều kiện nhiều nước không cho Mỹ sử dụng các căn cứ của họ. TSB giúp Mỹ sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp ở khắp các châu lục.
Ngày 11/10/2013, Mỹ đã hạ thủy TSB lớn nhất, hiện đại nhất lớp Ford mang tên USS Gerald R. Ford (CVN-78), đưa tổng số TSB Mỹ lên 11 chiếc, đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Thường thì 6 chiếc trong số này hoạt động ở Thái Bình Dương, 5 chiếc còn lại làm nhiệm vụ canh giữ ở Đại Tây Dương.
Nguồn: vietnamnet