Bộ Y tế Anh công bố một biến thể phụ của Delta gọi là AY.4.2 đang gia tăng ở Anh. Biến thể này cũng đã lan tới 28 quốc gia. Song theo các chuyên gia, không nên quá lo lắng, hoảng sợ.
Trong hơn 1 năm qua, virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần đột biến và gây ra các đợt bùng dịch lớn trên khắp thế giới. Chủng Delta – phát hiện lần đầu ở Ấn Độ – đã chiếm ưu thế suốt 6 tháng qua và chưa bị thay thế bởi chủng nào khác.
Gần đây, Bộ Y tế Anh công bố một biến thể phụ của Delta gọi là AY.4.2 đang gia tăng ở Anh, làm dấy lên quan ngại nó đóng vai trò nào đó trong làn sóng dịch hiện nay ở nước này.
Trong 28 ngày qua, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới rất cao, trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ, còn nếu tính số ca mới mỗi ngày/1 triệu dân thì đã vượt qua Mỹ, Đức, Pháp và Ý. Nhà chức trách ghi nhận AY.4.2 chiếm khoảng 6% tổng số mẫu phân tích trong tuần lễ từ ngày 27-9.
Đột biến trên gai protein
Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện di truyền học – Đại học College London (UCL), đánh giá AY.4.2 có thể dễ lây hơn chủng Delta gốc khoảng 10%, nhưng cho đến nay biến thể này chủ yếu chỉ quanh quẩn ở Anh, những nơi khác số lượng rất ít.
AY.4.2 phân biệt với chủng Delta gốc bởi hai đột biến nằm trên gai protein gọi là Y145H và A222V. Nhưng cả hai đột biến này đều không nằm trên vùng liên kết thụ thể – tức vị trí giúp virus bám vào thụ thể của tế bào người.
Điều đó gợi ý rằng các đột biến khó có khả năng làm gia tăng mức độ lây nhiễm hoặc giúp virus tránh né hệ miễn dịch.
Trong thông báo cập nhật trên Twitter, giáo sư Balloux viết: “Thậm chí nếu AY.4.2 quả thật dễ lây hơn 10%, nó chưa giải thích được số lượng ca nhiễm tăng đột biến ở Anh thời gian gần đây. Nói cách khác, sự xuất hiện của AY.4.2 không so được với sự xuất hiện của chủng Alpha hay Delta nếu xét mức độ lây nhiễm”.
Giáo sư Christina Pagel, giám đốc Đơn vị nghiên cứu hoạt động lâm sàng thuộc UCL, chỉ ra rằng các sự kiện siêu lây nhiễm – như lễ hội, sự kiện thể thao, hội thảo quốc tế (như G7 nhóm họp) – có thể đã giúp AY.4.2 gia tăng sự hiện diện.
Theo kịch bản này, biến thể không hề dễ lây hơn chủng Delta gốc, mà chỉ đơn giản là “may mắn” xuất hiện vào đúng thời điểm, đúng nơi chốn.
GS Pagel viết trên Twitter: “Chúng ta chưa biết liệu AY.4.2 có dễ lây hơn các biến thể phụ khác của Delta hay không, hay nó chỉ vô tình xuất hiện trong một số sự kiện siêu lây nhiễm. Chưa có lý do kết luận nó kháng lại hệ miễn dịch, có khi là không có gì khác biệt. Cần lưu tâm nhưng không cần thiết hoảng loạn”.
Giải thích khả dĩ
Câu hỏi đặt ra: Vậy nếu không phải do AY.4.2, cái gì khiến ca nhiễm ở Anh tăng đột biến?
Nhận định trên tạp chí Nature, giáo sư Ravindra Gupta, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc UCL – cố vấn cho Chính phủ Anh, nhận định một trong những lý do chính khiến tỉ lệ lây nhiễm ở Anh tăng cao là số lượng học sinh chưa tiêm ngừa còn đông.
Thêm vào đó, tốc độ triển khai mũi tiêm bổ sung của Anh cũng chậm so với các nước khác, và tỉ lệ người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng quá thấp.
“AY.4.2 có thể có chút lợi thế, nhưng đây không phải vấn đề chính. Cái chính nó vẫn là một nhánh của chủng Delta vốn có khả năng lây lan cao hơn các chủng trước đây, có thể khiến người tiêm vắc xin bị bệnh và lây cho người khác” – giáo sư Gupta lưu ý.
Trong nghiên cứu riêng đăng trên tạp chí Nature, giáo sư Gupta phát hiện kháng thể trung hòa của người đã phục hồi sau COVID-19 giảm độ nhạy với Delta khoảng 6 lần (so với chủng virus gốc), còn kháng thể của người đã tiêm vắc xin giảm độ nhạy khoảng 8 lần.
Có thể hiểu Delta sinh sôi nhanh đến mức kháng thể, trong một số trường hợp, không kịp bảo vệ bề mặt niêm mạc của hệ hô hấp khỏi virus.
“Do đó khẩu trang là phần không thể thiếu để phòng bệnh” – ông kết luận.
Nguồn: tuoitre.vn