Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010 và Sochi 2014, do trời nóng lên, ban tổ chức phải làm tuyết nhân tạo để tạo đường trượt cho các vận động viên trượt tuyết.

Biến đổi khí hậu đe dọa Thế vận hội mùa đông - Ảnh 1.

Các nữ vận động viên tranh tài môn trượt tuyết tự do tại Olympic Sochi 2014 

Báo New York Times ngày 11-1 dẫn nghiên cứu của giáo sư Daniel Scott – ĐH Waterloo (Ontario, Canada) – cho hay đến năm 2050, 9 trong số 21 thành phố từng tổ chức Thế vận hội mùa đông sẽ không có mùa đông đủ lạnh để tổ chức đại hội thể thao.

Nghiên cứu phân loại 9 thành phố này thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chịu ảnh hưởng lớn gồm Sochi (Nga), Garmisch-Partenkirchen (Đức) và Vancouver (Canada). 6 thành phố còn lại thuộc nhóm “có nguy cơ” gồm Oslo (Na Uy), Chamonix (Pháp), Innsbruck (Áo), Sarajevo (Yugoslavia), Grenoble (Pháp) và Squaw Valley (Mỹ).

Khi nhiệt độ ấm lên trên nhiệt độ đóng băng, như trường hợp của Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010 và Sochi 2014, ban tổ chức phải dùng đến các biện pháp phức tạp và tốn kém như tạo tuyết nhân tạo để tạo đường trượt cho các vận động viên trượt tuyết.

Trước đó, ngày 10-1, Reuters cũng đưa ra cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Potsdam, rằng nếu các nước không khẩn trương tăng cường khả năng phòng chống biến đổi khí hậu, hàng triệu người sẽ gặp khó khăn với vấn đề lũ lụt trong vòng 20 năm tới.

Tại châu Á, số người bị ảnh hưởng sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 70 triệu lên 156 triệu, trong đó Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Số người bị ảnh hưởng ở Nam Mỹ sẽ gấp đôi, lên đến 12 triệu và ở châu Phi con số này tăng từ 25 triệu lên 34 triệu người.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biến đổi khí hậunghiên cứu khoa họcthế vận hội mùa đông

Các tin liên quan đến bài viết