Nhiều người vì đi làm ăn xa nên không có mặt tại địa phương trong thời gian dài dẫn đến bị xóa hộ khẩu. Nay phải làm thẻ căn cước công dân nên gặp rất nhiều khó khăn.
Tuổi Trẻ ngày 12-4 đã có bài viết “Cần biết về thủ tục cấp căn cước công dân” đề cập trường hợp người dân không có nơi thường trú, tạm trú. Nhiều bạn đọc phản hồi cho biết đang gặp phải tình huống như vậy và thủ tục giải quyết trên thực tế không phải dễ.
Nhiều bạn đọc cho biết do phải mưu sinh nên nhiều năm vắng mặt ở quê nhà. Lúc rời quê có khai báo tạm vắng và rồi phần lo tất tả kiếm sống, phần không am hiểu pháp luật nên… quên luôn. Giờ khi làm thủ tục để cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) mới thấy rắc rối.
Bị xóa hộ khẩu mà không hay
Bạn đọc tên Thúy Phương (quê ở tỉnh Tây Ninh) cho hay năm 2008 chị có làm đơn xin tạm vắng ở địa phương rồi lên TP.HCM xin tạm trú tại KP4, phường Tân Kiểng, quận 7 để đi làm thuê và được công an phường cấp sổ tạm trú (KT3). Sau đó chị đến thuê nhà một nơi khác có địa chỉ cũng ở KP4, phường Tân Kiểng và cũng được công an địa phương cấp sổ tạm trú.
“Ngày 29-3-2021 tôi cùng con tôi về huyện Gò Dầu, Tây Ninh xin cấp thẻ CCCD vì CMND cũ của tôi đã được cấp từ năm 2004. Công an thị trấn và công an huyện từ chối, đùn đẩy qua lại với lý do tôi đã bị xóa hộ khẩu trên phần mềm dữ liệu hộ khẩu. Trong khi đó tôi vẫn giữ sổ hộ khẩu bản chính và không hề hay biết việc bị xóa khẩu” – chị Thúy Phương cho biết.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Lành cho hay người mẹ đã lớn tuổi bỏ quê miền Trung vào TP.HCM sinh sống từ lâu. “Hộ khẩu ở quê đã bị xóa, không có đăng ký tạm trú, giấy CMND cũng bị thất lạc luôn, vậy có làm CCCD được không?” – bạn đọc Nguyễn Lành hỏi. Hai bạn đọc khác tên Ánh Tuyết và Trần Ngọc Nhi cũng lo lắng không biết có làm được CCCD hay không khi không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú hay thường trú vì không có nhà, không có CMND.
Đăng ký thường trú trước, cấp CCCD sau
Theo luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM), thẻ CCCD là loại giấy tờ tùy thân trên đó ghi nhận thông tin nơi thường trú của người dân. Vì vậy, để được cấp thẻ CCCD, người dân cần phải có nơi đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu). Trường hợp đã bị xóa hộ khẩu, người dân cần phải nhập hộ khẩu (đăng ký thường trú) trở lại để được giải quyết cấp CCCD.
Theo quy định tại điều 13 thông tư 35/2014 của Bộ Công an, người dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú cũ để xin cấp giấy xác nhận về việc trước đây công dân đã đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; giấy tờ, tài liệu chứng minh trước đây có hộ khẩu thường trú (nếu có). Trong thời hạn ba ngày làm việc, công an phải xác nhận và trả kết quả cho người dân. Trường hợp không xác nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: họ và tên, tên gọi khác (nếu có), ngày-tháng-năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, tôn giáo, số CMND, nơi thường trú, ngày-tháng-năm đăng ký thường trú, ngày-tháng-năm xóa đăng ký thường trú. Khi có giấy xác nhận này người dân sẽ đi làm thủ tục nhập hộ khẩu, sau đó làm CCCD.
Trường hợp người dân sinh sống ở TP.HCM hoặc địa phương khác đã bị công an địa phương nơi thường trú xóa hộ khẩu và mất CMND cũng được giải quyết tương tự. Riêng trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam (người nước ngoài, người không quốc tịch…) kéo theo không có các giấy tờ hộ tịch, nhân thân (khai sinh, hộ khẩu, CMND…) thì không có cơ sở để cơ quan chức năng giải quyết cấp CMND/CCCD theo quy định pháp luật Việt Nam.
Các trường hợp được nhập hộ khẩu
Theo luật sư Nguyễn Huy Việt, nếu người dân không có nơi thường trú (không có hộ khẩu) kéo theo không có giấy CMND, hiện cơ quan chức năng chưa giải quyết cấp CCCD.
Để được cấp CCCD, người dân cần đi đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) theo một trong các diện sau đây: vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại…
Những trường hợp này người dân cần chuẩn bị giấy khai sinh và hồ sơ về đăng ký thường trú theo quy định.
Nguồn: tuoitre.vn