Hai đứa trẻ ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội) bị trao nhầm cách đây 6 năm vẫn chưa được trở về nhà cha mẹ ruột của mình khi một trong hai bên gia đình chưa đồng ý.
Liên quan sự việc này, TAND huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của anh Phùng Giang Sơn (thôn Vân Trai, xã Tây), nhưng hiện tại tòa vẫn chưa thể xử lý vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc.
Trước khi nghĩ đến việc khởi kiện ra tòa, hai bên gia đình nên nghĩ cách làm thế nào để hai đứa trẻ tránh bị tổn thương.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ
Từ sự tắc trách của bệnh viện
Cách đây 6 năm, chị Phùng Thị Thu Hiền và chị Vũ Thị Hương cùng đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (TP Hà Nội) để sinh con.
Khi nhận con về, gia đình chị Hương nghi ngờ vì tã lót của con không phải của gia đình gửi vào. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định chỉ nhầm tã lót chứ không nhầm con.
Qua làm việc với phía bệnh viện, gia đình chị Hiền mới biết con trai mình và con của chị Hương đã bị trao nhầm cho nhau. Tuy nhiên đến nay đã hơn 3 tháng, gia đình chị Hiền vẫn chưa đón được con về.
Lý do chị Hương vẫn quyến luyến đứa con 6 năm qua đã nuôi dưỡng như con ruột nên cần thời gian để chấp nhận sự thật. Cũng vì con trai không giống bố mà chồng chị Hương nghi vợ ngoại tình nên ly hôn từ năm 2014.
Do không nhận lại được con ruột nên chồng chị Hiền đã làm đơn gửi TAND huyện Ba Vì nhờ can thiệp. Lãnh đạo TAND huyện Ba Vì cho biết trước mắt sẽ cho hòa giải giữa hai bên gia đình chứ chưa thể đưa vụ việc ra xét xử do có một số vướng mắc như vợ chồng chị Hương đã ly hôn.
Bản án ly hôn thừa nhận cháu bé là con chung của vợ chồng chị Hương. Vì vậy bản án này phải được tái thẩm, bỏ phần con chung thì mới có thể giao đứa bé về cho bố mẹ ruột.
Tránh làm trẻ bị tổn thương
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (chi hội trưởng Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết với các vụ việc trao nhầm con, khi một bên gia đình không muốn giao con thì bên kia có thể khởi kiện ra tòa án nhờ can thiệp.
Tòa án có thể đưa vụ án ra xét xử và buộc bên không chịu giao con phải thi hành án, trả đứa trẻ về cho đúng cha mẹ ruột của mình. Bởi theo quy định của pháp luật, chỉ có tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền phán quyết, xác định con cho cha mẹ hoặc cha mẹ cho con.
“Tuy nhiên trong vụ việc ở Ba Vì, trước khi nghĩ đến việc khởi kiện ra tòa, hai bên gia đình nên nghĩ cách làm thế nào để hai đứa trẻ tránh bị tổn thương. Chị Hương không nói sẽ không giao trả con mà chị cần thời gian để thích nghi với sự thật. Hai bên gia đình cũng nên tạo điều kiện cho hai đứa trẻ chấp nhận việc mình có gia đình mới. Tránh cho trẻ cảm giác bị sốc khi giao cho một gia đình hoàn toàn xa lạ” – bà Trần Thị Ngọc Nữ cho biết.
Luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng tốt nhất nên hòa giải, vui vẻ nhận con về và cứ coi như mình có thêm một đứa con nữa. Nếu chẳng đặng đừng thì hai bên mới đưa nhau ra tòa bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là tránh cho các cháu bị tổn thương, mặc cảm.
“Thậm chí tôi nghĩ trong một số trường hợp còn cần phải nhờ đến bác sĩ tâm lý tư vấn, hỗ trợ các cháu và cả cha mẹ nếu họ bị sốc” – luật sư Thanh nói.
Bệnh viện phải bồi thường
Về những tổn thất mà họ gánh chịu, luật sư Đặng Trường Thanh cho biết hai bên gia đình cần khởi kiện để yêu cầu bệnh viện bồi thường tổn thất tinh thần. Nếu việc trao nhầm con do lỗi vô ý thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo nghị định 176 (ngày 14-11-2013 của Chính phủ).
Còn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì căn cứ điều 597 Bộ luật dân sự 2015, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình này. Những khoản thiệt hại mà gia đình chị Hiền, chị Hương có thể yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất như: chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch… và thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nói nếu không thỏa thuận được với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì thì hai gia đình bị trao nhầm con có thể khởi kiện bệnh viện ra tòa. Ngoài các khoản có thể yêu cầu bệnh viện bồi thường như kể trên thì họ còn có thể yêu cầu bồi thường thêm các khoản tổn thất về kinh tế do hai bên gia đình thực hiện việc tìm kiếm con, tổn thất về tinh thần mà họ phải gánh chịu trong suốt 6 năm qua.
Luật sư Đặng Trường Thanh nói thêm ngoài những tổn thất về vật chất có thể định lượng được một cách cụ thể, còn có những thiệt hại, nỗi đau về mặt tinh thần như: vì đứa con bị trao nhầm mà vợ chồng nghi ngờ nhau khiến hôn nhân đổ vỡ; hoặc vì lời gièm pha, đàm tiếu của những người xung quanh mà gia đình bị trao nhầm con lo lắng, mất ăn mất ngủ khiến tinh thần sa sút, cuộc sống không hạnh phúc… cần phải được bồi thường thỏa đáng.
“Trong thực tế việc đổ vỡ gia đình đã xảy ra nên thiệt hại này không khó chứng minh để đòi bệnh viện bồi thường” – luật sư Đặng Trường Thanh nói.
Hai bé gái bị trao nhầm trở thành hai chị em
Năm 2013, chị Nguyễn Thị Thu Trang (28 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (26 tuổi, người dân tộc S’Tiêng) tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Nuôi con khoảng 1 năm thì vợ chồng chị Trang thấy con gái không giống cả cha lẫn mẹ nên nghi ngờ bị trao nhầm con. Đầu tháng 5-2016, gia đình chị Trang đưa bé đi xét nghiệm ADN thì kết quả cháu không cùng huyết thống nên khiếu nại bệnh viện.
Sau khi rà soát, bệnh viện đã đưa con chị Trang và con chị Liên đi xét nghiệm ADN thì sự thật mới sáng tỏ. Sau đó, 2 bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau 3 năm bị trao nhầm. Rất may câu chuyện của họ kết thúc có hậu khi hai gia đình vẫn xem 2 bé như con cháu trong nhà.
Hiện 2 bé đều đi học cùng nhau từ thứ hai đến thứ sáu và ở cùng nhà với chị Trang, đến cuối tuần thì 2 bé về ở nhà chị Liên. Hai bé được xem như “chị em ruột” của nhau.
Nguồn: tuoitre.vn