Lệnh cấm vận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là cú đòn nặng giáng vào Huawei Technologies, đồng thời dẫn tới những thay đổi đáng kể trong ngành công nghệ toàn cầu.
Trong 10 năm qua, Huawei tăng trưởng dữ dội, trở thành hãng sản xuất smartphone và thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ 0h ngày 15/9, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc đối mặt “án tử”.
Bởi kể từ thời điểm đó, các công ty quốc tế phải ngừng bán cung cấp cho Huawei các sản phẩm sử dụng công nghệ Mỹ. Các công ty này phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn tiếp tục hợp tác với Huawei.
Ngoài bán dẫn, Huawei còn đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung nhiều linh kiện khác như màn hình, ống kính máy ảnh, thậm chí bo mạch in. Công ty Trung Quốc bắt đầu dự trữ các loại chip cần thiết từ cuối năm 2018, nhưng không rõ hãng trữ đủ các linh kiện điện tử khác hay chưa.
“Các thiết bị điện tử rất phức tạp”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Wu Chia-chau, Chủ tịch Nanya Technology, nhận xét. “Nếu thiếu một linh kiện, sản phẩm sẽ không được hoàn thiện, dù là điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay trạm gốc 5G”, ông Wu nhấn mạnh.
Huwei đối mặt với “án tử” vì lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Kém chất lượng, kém cạnh tranh
Ông Su Tze-yun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho rằng Huawei vẫn có thể tìm kiếm một số nguồn linh kiện thay thế, song không đảm bảo được về chất lượng. “Các sản phẩm Huawei sẽ trở nên kém cạnh tranh, thậm chí quay trở về tầm 10 năm trước đây”.
Huawei là tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc với quy mô 190.000 nhân viên, doanh thu đạt hơn 124 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đang đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn nhân lực chất lượng cao. Kể từ khi Huawei mắc kẹt trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, hàng trăm nhân viên của hãng đã đến đầu quân cho các công ty đối thủ.
“Bộ phận phát triển chip của Huawei từng làm việc suốt ngày đêm giờ đã trở nên nhàn rỗi hơn nhiều. Nhiều nhân viên rất lo lắng vì tương lai quá bất ổn”, một chuyên gia ngành chip Trung Quốc tiết lộ.
Khi Huawei bị cấm vận, các nhà cung cấp sẽ phải làm quen với việc mất đi một khách hàng lớn. Những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử dân dụng và thiết bị viễn thông như Apple, Samsung Electronics, Xiaomi, Oppo, Vivo, Ericsson và Nokia sẵn sàng thâu tóm thị phần.
Trong khi đó, nhiều công ty đặt mua thiết bị 5G của Huawei phải đi tìm giải pháp thay thế, có thể từ Nokia hay Ericsson. Do đó, toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu có thể sẽ thay đổi đáng kể.
Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Huawei có thể làm thay đổi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. |
MediaTek, hãng sản xuất chip điện thoại Đài Loan, đã nộp đơn xin phép lên chính phủ Mỹ để được tiếp tục hợp tác với Huawei. Các hãng như Samsung Electronics, Samsung Display và SK Hynix cũng xác nhận các động thái tương tự. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định nhiều khả năng chính phủ Mỹ quyết diệt Huawei.
Những tháng qua, Huawei vẫn trụ vững trước sức ép của Mỹ trong mảng điện thoại thông minh. Quý II, Huawei vượt Samsung và trở thành công ty bán điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy vậy, áp lực đè lên công ty Trung Quốc đã trở nên quá nặng.
Dòng chip Kirin – có mặt trong các mẫu điện thoại cấp cao của Huawei – có thể sẽ bị lệnh cấm của chính phủ Mỹ xóa sổ. Tuần trước, Huawei cho biết sẽ sử dụng hệ điều hành riêng HarmonyOS 2.0 trong smartphone vào năm 2021. Điều đó đồng nghĩa với việc Huawei thừa nhận sẽ buộc phải ngừng hợp tác với Google.
Gặp khó tại chính sân nhà
Tại thị trường châu Âu, Huawei đang thất thế. Trong quý II, doanh số Huawei tại khu vực này giảm 16% so với cùng kỳ 2019, trong khi Samsung và Xiaomi lần lượt tăng 20% và 48%. “Samsung tận dụng tình trạng khó khăn của Huawei rất nhanh”, một nhà phân tích của Canalays cho biết.
Nhà phân tích Donnie Teng thuộc Nomura Securities nhận định mảng smartphone của Huawei sẽ lao dốc. “Huawei rất bi quan về triển vọng doanh số của mẫu điện thoại đầu bảng Mate 40. Sau ngày 15/9, nhiều khả năng Huawei sẽ đánh mất thị phần ở cả Trung Quốc”, ông Teng nhấn mạnh.
Theo nhà phân tích Jeff Pu thuộc GF Securities, xuất khẩu smartphone của Huawei sẽ lao dốc xuống 50 triệu chiếc trong năm 2021, thua xa mức 195 triệu chiếc trong năm nay và 240 triệu chiếc năm 2019.
Mảng thiết bị viễn thông là trụ cột của Huawei trong nhiều thập kỷ. Công ty cũng đã dự trữ linh kiện viễn thông đủ dùng trong ít nhất một năm. Dù vậy, tốc độ lắp đặt các trạm 5G tại Trung Quốc chậm lại do Huawei phải loại bỏ công nghệ Mỹ ra khỏi sản phẩm của hãng. Bên ngoài Trung Quốc, nhiều nước đã hạn chế sử dụng thiết bị Huawei.
“Huawei vẫn là công ty thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, do đó là khách hàng lớn nhất của nhiều nhà cung cấp trong ngành. Vì vậy, thiệt hại sẽ là rất lớn”, ông Stephane Teral, nhà phân tích viễn thông kỳ cựu tại Light Counting Market Research, cảnh báo.
“Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada vào cuối năm 2018. |
Huawei hiện chiếm 28% thị phần trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu. Nếu doanh số công ty Trung Quốc sụt giảm, các công ty đối thủ như Samsung, Ericsson hay một số nhà cung cấp Nhật Bản như NEC và Fujitsu sẽ hưởng lợi. Theo chuyên gia Teral, Samsung – tân binh trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị mạng và viễn thông – sẽ hưởng lợi nhiều nhất bởi hãng sẽ giành thêm thị phần tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản và Mỹ.
“Thỏa thuận 6,7 tỷ USD giữa Samsung và Verizon có thể tập đoàn Hàn Quốc vào câu lạc bộ nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu bên cạnh Ericsson, Huawei và Nokia. Công ty Nhật Bản NEC cũng hưởng lợi vì có quan hệ đối tác với Samsung”, ông Teral nói.
Trong khi đó, một số đối thủ của Huawei tại quê nhà Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Realme đang tấn công vào thị trường châu Âu. Apple cũng tận dụng cơ hội để tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc. Một số nguồn tin cho biết Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị linh kiện cho 80 triệu iPhone sắp ra mắt.
Nguồn: vietnamnet