Nhiều năm trở lại đây, số người phải nhập viện do rượu trên địa bàn tỉnh tăng cao. Năm 2016 có 47 ca loạn thần do rượu thì chỉ 6 tháng đầu năm 2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận 36 ca nghiện rượu dẫn đến mất kiểm soát hành vi, cảm xúc; thần kinh rối loạn… Các rối loạn liên quan đến rượu không chỉ có nhiều ở Việt Nam mà đã trở thành vấn nạn toàn cầu, mối quan tâm của Tổ chức Y tế thế giới, đứng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có riêng khoa điều trị bệnh nhân loạn thần do rượu. Ở Bình Phước, rượu cũng đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến nhiều gia đình và là mối nguy trong cộng đồng.
TAN NÁT NHIỀU GIA ĐÌNH DO RƯỢU
Ai cũng biết rượu, bia là tác nhân gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội. Rượu, bia không những gián tiếp gây ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông mà còn là nguyên nhân chính gây ngộ độc, một số bệnh mạn tính. Đặc biệt, loạn thần do rượu còn cướp đi hạnh phúc, kinh tế, khiến không ít gia đình tan nát, bản thân người nghiện rượu bị tâm thần, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và làm suy kiệt nhiều thế hệ.
“TÔI CHỈ MUỐN CHẾT CHO XONG”
Mỗi khi nhắc đến chồng con, bà Lê Thị Tuyết (1958) ở xã Tân Hưng (Đồng Phú) lại thở dài: “Nhiều lúc tôi chỉ muốn tìm đến cái chết bởi chồng con làm tôi vô cùng khổ sở! Tất cả đều chìm ngập trong rượu, sáng xỉn, chiều say rồi quậy phá không thiết gì đến làm ăn. Cha bị tâm thần do rượu vậy mà 2 đứa con vẫn lao vào nghiện ngập. Tôi già rồi vẫn phải còng lưng lo cho cha con nó, mà chẳng biết lo được đến lúc nào? Vì tủi hổ tôi cũng không dám kết giao với bà con lối xóm…”.
Thường xuyên tụ tập ăn nhậu nhưng mỗi khi mẹ lên tiếng ngăn cản liền bị con trai nạt nộ “Bà im đi!” khiến bà Tuyết rất đau lòng. Vợ chồng bà có 3 con thì con gái đầu bị thiểu năng, chậm chạp. Tuy đã lấy chồng vẫn về nhờ cậy mẹ giúp đỡ. 2 con trai ở với mẹ thì nghiện rượu nặng. Chúng luôn tổ chức nhậu nhưng mẹ không dám can ngăn. 5-6 miệng ăn dựa vào gần 2 ha rẫy nhưng chủ yếu chỉ mẹ làm. Làm rẫy cả ngày về mệt nhưng bà vẫn phải ráng trông chừng con mỗi khi nhậu. Bà sợ con nhậu say rồi gây chuyện đánh nhau hoặc bỏ đi…
Ông Nguyễn Văn Xuân đang điều trị cai nghiện rượu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Bà Tuyết kể: “Trước đây, gia đình tôi làm nghề khai thác thủy sản ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chồng tôi mỗi lần ra khơi thường uống rượu cho ấm bụng. Con cái nheo nhóc nên tôi đâu để ý xem ông uống nhiều hay ít. Đến khi ông ấy nghiện thì đã muộn và giờ bị tâm thần… Bỏ nghề đi biển, gia đình dắt díu nhau về Bình Phước sinh sống. Trước đây có nhà ở Đồng Xoài nhưng cũng phải bán vì vay nợ chất chồng… Sống ở xã vùng sâu này, tôi vẫn phải nợ nần, không biết lo được đến đâu? Người con trai đầu từng có vợ nhưng vì không chịu nổi cảnh nghiện ngập của chồng mà vợ nó mang theo con bỏ đi. Con trai tôi tìm hiểu cô gái khác nhưng nghe đâu con bé cũng muốn rời xa vì thấy người yêu quá nghiện ngập. Tôi chán nản lắm!”.
MUÔN KIỂU LOẠN THẦN VÌ RƯỢU
“Trước kia, hiếm hoi lắm mới có một ca bị loạn thần do rượu phải nhập viện, nhưng nhiều năm trở lại đây, số bệnh nhân tăng không ngừng. Tình trạng loạn thần nặng như rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, sảng… cũng nhiều hơn” – bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.
Đa số người loạn thần bắt đầu đến với rượu bằng lý do… giải sầu. Thi trượt đại học, tình yêu tan vỡ, cờ bạc, lô đề, buôn bán thua lỗ nặng… đều tìm quên trong rượu! Số ít còn lại thì “uống cho vui” rồi thành quen và cũng lệ thuộc vào rượu. Hầu hết trong số đó không lường trước hết tác hại của rượu, trong khi nhiều người phải cấp cứu vì sảng rượu dẫn đến lú lẫn, tay chân run rẩy, rối loạn nhịp tim…
Anh Châu Quốc Đại vẫn hằng ngày chăm sóc cha bị loạn thần do rượu
Ông Châu Quốc Bảo (1966) ở ấp 2, xã Tân Thành (Đồng Xoài) làm rẫy. Ban đầu, mỗi sáng ông uống một chút rượu để làm việc tốt hơn. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ông sa vào nghiện do buồn cảnh vợ bỏ đi. Mỗi khi uống rượu ông không ăn cơm và thường bao biện, rượu làm từ gạo, uống rượu cũng như ăn cơm thôi. Chính vì không ăn, chỉ uống rượu nên cơ thể ông dần suy nhược, tay chân run rẩy. Cách đây khoảng 3 tháng, ông bị xỉu sau khi uống rượu, các con phải đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.
Con trai Châu Quốc Đại (1993) kể: “Cha em nghiện rượu đã nhiều năm rồi và rất hay nói nhảm một mình. Lúc thì bảo có con gì đó bu vào mặt để ăn thịt ông. Lúc khác ông lại nói những người cõi âm, ma quỷ đang muốn bắt ông đi. Biết cha nói sảng vì nghiện rượu mà không cản được, có lúc cản còn bị cha mắng nữa”.
Phải điều trị nhiều ngày nên cơ thể ông Bảo đã bị lở loét không ít chỗ. Khi được hỏi tại sao uống nhiều rượu thế và có biết tác hại của rượu không, ông Bảo cho biết: “Tôi nói ra giờ có khác gì “vạch áo cho người xem lưng”. Chuyện của gia đình tôi buồn lắm nhưng nào biết chia sẻ cùng ai nên dùng rượu giải sầu. Thời gian gần đây, tôi thấy nhiều ma quỷ vây quanh gọi đi lắm nhưng tôi không nghe. Ở đây về (bệnh viện – PV) tôi sẽ cố gắng bớt uống rượu để các con đỡ khổ…”.
Cũng là “quân số” của bệnh loạn thần do rượu, ông Nguyễn Văn Xuân (1959) ở xã Long Hà (Phú Riềng) đang được điều trị cai nghiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Hết ngồi lại nằm, nằm chán lại ngồi, mắt ông hướng về cõi xa xăm vô định. Vợ ông là bà Phạm Thị Lượng (1961) nói: “Ông ấy nghiện rượu đã 6-7 năm nay rồi. Kể từ khi ông ấy bị tai nạn giao thông, quanh quẩn ở nhà rồi lấy rượu uống cho đỡ buồn. Uống rượu mà có khi 5-6 ngày không ăn, chỉ uống sữa cầm cự nên suy nhược, vợ con ngăn cản ông ấy không nghe, còn bảo lắm điều. Ông cứ nói nhạt miệng rồi lai rai cả ngày”.
Nhìn cơ thể chỉ còn “da bọc xương” của ông Xuân, bà Lượng rơm rớm nước mắt: “Nhìn chồng vậy tôi xót xa lắm! Nhưng nói mãi ông ấy cũng không nghe. Vợ chồng cãi nhau hoài cũng chỉ vì rượu…”.
Với bà Tuyết, nỗi đau còn lớn hơn khi bà luôn cảm thấy cô độc giữa chồng con lại không dám giao lưu, quan hệ với lối xóm. Một lần, con bà điện thoại cho người hàng xóm nói người nhà họ sắp chết cần đưa đi cấp cứu. Miệng gọi điện, tay anh ta cuốn chăn chằng lên xe chở lên trạm y tế. Gia đình kia gọi điện la mắng bà không biết dạy con, để con trù ẻo gia đình người ta. Họ đâu biết con bà sảng do rượu mà làm chuyện oái oăm. Vậy là bao tội lỗi con gây ra đổ hết xuống đầu bà.
“Mỗi lần con nhậu tôi đều phải canh chừng. Vậy mà có lần mệt quá tôi thiếp đi thì nghe cửa đóng rầm! Tôi bật dậy thì con trai kéo giật trở lại: Mẹ đừng ra ngoài, con vừa giết người. Công an đang đến bắt con đi đó. Tôi vội lao ra, chỉ có ngổn ngang chén dĩa chứ nào thấy ai. Gầm giường thấp vậy mà nó cứ ráng chui vào, miệng lảm nhảm mẹ trốn đi, con mới giết người đó…” – bà Tuyết chua xót kể.
Nguồn Báo Bình Phước