TAND Hà Nội dự kiến triệu tập cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm với tư cách người làm chứng, hai cựu tổng giám đốc PVN là người có quyền lợi liên quan.

Vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thời ông Đinh La Thăng lãnh đạo (2009-2011) dự kiến được TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm vào ngày 19/3. Bảy bị cáo hầu tòa, gồm: ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) và các thuộc cấp: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Thắng.

Cả bảy người đều bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Riêng ông Ninh Văn Quỳnh thêm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999).

TAND Hà Nội sẽ triệu tập ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank) đến phiên tòa với tư cách người làm chứng. Ông Thắm đang bị tạm giam, là bị cáo tại vụ sai phạm ở OceanBank đang chờ xét xử phúc thẩm.

Tòa còn triệu tập ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu tổng giám đốc PVN, là bị can trong vụ án khác) và ông Phùng Đình Thực (cựu tổng giám đốc PVN, bị cáo trong vụ án khác) với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án.

23 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và nguyên đơn dân sự (PVN), người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (OceanBank). Riêng bị cáo Đinh La Thăng có năm luật sư. Tòa cũng triệu tập năm cá nhân và hai tổ chức đến phiên tòa với tư cách là người làm chứng…

 Bị cáo Hà Văn Thắm (trái) và bị cáo Đinh La Thăng.
 Bị cáo Hà Văn Thắm (trái) và bị cáo Đinh La Thăng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, cuối năm 2008 PVN dự kiến lập ngân hàng riêng của ngành dầu khí. Tuy nhiên, dự định này sau đó không thành nên PVN chuyển hướng góp vốn vào một ngân hàng cổ phần. Cuộc gặp của ông Đinh La Thăng với Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) khi đó là Hà Văn Thắm đã tạo nên mối quan hệ làm ăn giữa PVN với ngân hàng này. Ông Đinh La Thăng quyết định đổ 800 tỷ của PVN vào mua cổ phần của Oceanbank.

Do các lãnh đạo ngân hàng có nhiều sai phạm, năm 2015 ngân hàng này bị Ngân hàng Nhà nước mua với giá 0 đồng. Toàn bộ số tiền 800 tỷ của PVN vì thế mà mất, không có khả năng thu hồi.

Nhiều sếp PVN bị đề nghị tiếp tục điều tra

Theo cáo trạng, ngoài bảy người bị đưa ra xét xử, nhiều sếp PVN liên quan tới việc góp 800 tỷ vốn trái luật của tập đoàn này vào Oceanbank sẽ tiếp tục bị điều tra.

Dù cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định hành vi phạm tội với các ông, bà: Nguyễn Ngọc Sự, Phùng Đình Thực cùng Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa (đều là thành viên HĐQT PVN). Nhưng căn cứ kết quả điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thấy có dấu hiệu của hành vi vi phạm cần tiếp tục điều tra làm rõ. Viện đã có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra hành vi của những người này. Sau đó. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có quyết định tách hành vi của họ để tiếp tục điều tra làm rõ.

Với ông Sự – người phụ trách chỉ đạo công tác tài chính, kế toán và kiểm toán của PVN, cáo trạng nêu rõ, trong lần đầu tiên ông Đinh La Thăng gặp ông Hà Văn Thắm (ngày 17/9/2008), ông Sự (khi đó là Phó tổng giám đốc PVN) cũng góp mặt.

Sau buổi gặp đó, ông Sự thừa lệnh của ông Đinh La Thăng, chỉ đạo Ban Tài chính kế toán thẩm định, đánh giá hoạt động của Oceanbank. Ngày 18/9/2008, ông Sự ký văn bản về việc đàm phán với Oceanbank để báo cáo, trình HĐQT xem xét phê duyệt và ký thỏa thuận với ngân hàng này về việc đầu tư.

Ngày 29/9/2008, ông Sự ký tiếp báo cáo gửi HĐQT PVN có nội dung cảnh báo Oceanbank có nguy cơ thua lỗ. Sau đó, ông Sự được cử làm người đại diện vốn góp của PVN tại Oceanbank cho tới khi về Vinashin giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên vào cuối năm 2010.

Cáo trạng kết luận, việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của Oceanbank trước khi tham gia đầu tư góp vốn để tham mưu đề xuất HĐQT/HĐTV quyết định đối với lần góp vốn thứ nhất và thứ hai của PVN thuộc trách nhiệm của ông Sự. “Dù báo đánh giá về năng lực của Oceanbank yếu nhưng ông Sự vẫn nhận định và đề xuất sự cần thiết tham gia đầu tư của PVN vào Oceanbank để trình HĐQT”, cơ quan tố tụng nhận định.

Đồ họa: Tiến Thành.
Đồ họa: Tiến Thành.

Ngoài ông Sự, bản cáo trạng còn thể hiện, dù không được biết chủ trương góp vốn vào Oceanbank trong buổi gặp giữa ông Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm, song tới ngày 30/9/2008, trong cuộc họp HĐQT PVN do ông Thăng chủ trì, các thành viên gồm: Trần Ngọc Cảnh (khi đó là Tổng giám đốc, thành viên HĐQT), Phan Thị Hòa, Hoàng Xuân Hùng, Đỗ Văn Đạo cùng ông Sự, Nguyễn Xuân Sơn đã biểu quyết đồng ý trên các tờ trình. Đây là cơ sở cho ông Đinh La Thăng và Vũ Khánh Trường ký nghị quyết góp vốn khi chưa có ý kiến của Thủ tướng.

Tại cơ quan điều tra, các ông, bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh và Phan Thị Hòa khai trước khi ký Thỏa thuận hợp tác với Oceanbank, ông Thăng không tổ chức họp HĐQT để bàn về chủ trương góp vốn vào Oceanbank. Ngày 30/9/2008, trong một cuộc HĐQT PVN do ông Thăng chủ trì, các thành viên HĐTV mới biết PVN có chủ trương góp vốn vào Oceanbank trong khi thỏa thuận hợp tác đã ký hơn 10 ngày trước đó.

Tháng 3/2017, ông Đinh La Thăng điện thoại cho những người này nhờ xác nhận việc HĐQT PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank và giao cho ông ký Thỏa thuận với Oceanbank. “Do cả nể nên ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa đã ký xác nhận dù trên thực tế thời điểm ông Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank, ông Cảnh, ông Hùng và bà Hòa không được trao đổi, bàn bạc”, cáo buộc của VKS xác định.

Ông Thăng bị cáo buộc liên quan tới cả hai vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), chỉ đạo sử dụng số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Phiên tòa thứ nhất mở đầu tháng 1/2018 với việc hầu tòa của ông Thăng, Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC) và 20 đồng phạm.

Bản án sơ thẩm tuyên cuối tháng 1 thể hiện, PVN là chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn lên tới 1,7 tỷ USD. Mặc dù chưa ký hợp đồng EPC nhưng PVN đã ứng tiền cho công ty con là PVC.

PVC sau đó sử dụng hơn 1.000 tỷ sai mục đích khiến dự án bị chậm tiến độ. TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thăng 13 năm tù về Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh lĩnh án tù chung thân, những người còn lại từ 30 tháng tù treo đến 16 năm tù.

Theo VnExpress

Từ khóa : chiếm đoạt tài sảnCố Ý Làm Tráiđinh la thăngHà Văn ThắmNguyễn Xuân SơnNinh Văn QuỳnhOceanbankPVN

Các tin liên quan đến bài viết