Mọi người thường nghĩ loét dạ dày – tá tràng chỉ gặp ở người lớn, nhưng thực tế hiện gặp rất nhiều ở trẻ em mà cha mẹ không biết. Không ít trẻ có năm phải cấp cứu mấy lần, áp lực học tập đang được cho là một trong số căn nguyên.

Nội soi dạ dày cho trẻ tại Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ - Ảnh: BVCC

Nội soi dạ dày cho trẻ tại Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ 

Nguyên nhân chính gây ra việc xuất huyết tiêu hóa ở trẻ có thể liên quan đến căng thẳng thần kinh và áp lực tâm lý mà các thí sinh phải đối mặt trong quá trình học tập và thi cử.

1 năm 4 lần cấp cứu liên quan dạ dày

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa truyền máu tối khẩn cấp để cứu bệnh nhi 15 tuổi vì xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày. Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng mệt lả, nhợt nhạt, nôn ra dịch dạ dày màu đen số lượng lớn (khoảng 400ml) kèm đi ngoài phân đen.

Kết quả nội soi dạ dày phát hiện hành tá tràng có ổ loét kích thước ~1cm, đáy có điểm mạch, chảy máu.

Các bác sĩ đã tiến hành kẹp một clip cầm máu và cho biết trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng do chảy máu ổ loét hành tá tràng, nếu không kịp can thiệp, trẻ có thể tử vong vì mất máu.

Trước đó một tháng trẻ đã xuất hiện đau bụng âm ỉ thượng vị, đi khám và dùng thuốc nhưng không đỡ, bệnh nhi thường xuyên thức khuya học ôn thi và ăn đồ chua cay.

Thực tế tại các trung tâm tiêu hóa cho thấy rất nhiều trẻ thường xuyên phải cấp cứu vì quá đau do loét dạ dày – tá tràng.

Chẳng hạn, em P.V.T. (15 tuổi, Hà Nội) trong một năm phải cấp cứu 4 lần tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vì nôn và đi ngoài ra máu do chảy máu dạ dày.

Nguyên nhân một phần do em bị áp lực học hành, lại thường thức khuya xem tivi, chơi điện tử, chế độ ăn uống vô độ, ăn nhiều thức ăn nhanh…

Cha mẹ không tin con mình bị bệnh do học hành

Các bác sĩ tiêu hóa cho biết lúc trước bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng chỉ gặp ở người lớn, nhưng hiện nay gặp nhiều ở trẻ từ 10 – 13 tuổi, thậm chí dưới 6 tuổi cũng nhiều cháu bị, nhẹ thì viêm trợt, loét, nặng thì xuất huyết chảy máu, hẹp môn vị…

Điều đáng nói là khi trao đổi đề nghị các bậc phụ huynh giảm áp lực học tập cho con, không nên cho con thức khuya, ăn thức ăn lành mạnh…, nhiều người không tin và cho rằng việc học hành không thể bỏ được.

GS.TS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết nguyên nhân chính gây ra việc xuất huyết tiêu hóa trong mùa thi có thể liên quan đến căng thẳng thần kinh và áp lực tâm lý mà các thí sinh phải đối mặt trong quá trình học tập và thi cử.

Căng thẳng thần kinh có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng ta thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Điều này có thể gây ra các vấn đề như loét dạ dày, viêm đại tràng và chảy máu tiêu hóa.

Khi chúng ta trải qua căng thẳng thần kinh, cơ thể sẽ sản xuất các chất gây stress như cortisol, adrenaline và noradrenaline. Các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bằng cách làm tăng lượng axit trong dạ dày và giảm lượng máu và chất dinh dưỡng đến các mô trong niêm mạc dạ dày và tá tràng.

Điều này có thể gây ra sự mất cân bằng trong hệ tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và chảy máu tiêu hóa.

Các chất stress cũng có thể làm tăng sản xuất histamine trong cơ thể. Histamine là một chất dẫn đến sự phản ứng viêm và làm tăng lượng axit trong dạ dày. Sự tăng sản xuất histamine có thể gây ra viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Vi khuẩn có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi môi trường pH của đường tiêu hóa, dẫn đến sự tăng trưởng không cân bằng của vi khuẩn có hại và giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến viêm đại tràng và các triệu chứng tiêu chảy.

Dễ chẩn đoán nhầm và biến chứng

Các chuyên gia cho biết hầu như trẻ đến viện trong tình trạng muộn, chảy máu, hẹp và thủng dạ dày vì cha mẹ không nghĩ tới bệnh này. Khi thấy con kêu đau bụng, cha mẹ thường tưởng là do ăn uống, do giun… nên mua thuốc cho dùng làm giảm mất triệu chứng.

Đặc biệt, triệu chứng lâm sàng ở trẻ thường không giống người lớn. Ở người lớn thường đau âm ỉ, còn ở trẻ là đau dữ dội, lăn lộn như giun lên ống mật, chính vì vậy nhiều trẻ được chẩn đoán và điều trị như giun chui ống mật hoặc đau bụng do giun.

Ngoài ra, trẻ cũng không gặp biểu hiện ợ hơi, ợ chua như người lớn mà thường nôn ói, thậm chí nôn ra máu, bụng bị đầy hơi, ăn vào khó tiêu, chán ăn…

Điều nguy hiểm là viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ tiến triển rất nhanh. Bệnh nếu không được điều trị sớm kết hợp với thay đổi lối sống sẽ thường xuyên tái phát gây thiếu máu, suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, có khi gây thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị (cuống dạ dày) trẻ sẽ phải phẫu thuật.

GS.TS Nguyễn Anh Tuấn khuyên như sau: nếu thấy trẻ bị đau bụng thường xuyên, hoặc cơn đau bụng cấp tính dữ dội cần phải đi khám ngay, tránh để tình trạng phải cắt dạ dày để lại di chứng nặng nề, kém phát triển thể chất về sau.

Phát hiện sớm, việc điều trị rất đơn giản và thường không để lại di chứng gì.

Để phòng tránh đau dạ dày ở trẻ:

Không nên ép trẻ học quá nhiều, luôn để trẻ lạc quan, vui tươi, thoải mái, tránh thức khuya…

Tập cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý: không để đói quá và cũng tránh đừng ăn no quá.

Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, và có giờ ăn nhất định, ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho tiêu hóa.

Kiêng ăn các thực phẩm xào rán, nướng, các thực phẩm mặn… và đặc biệt tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà đặc; không ăn các thức ăn chua, uống quá lạnh, ăn quá nóng, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.

Trong mùa thi, để tránh xuất hiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, các thí sinh nên tập trung vào việc giảm căng thẳng thần kinh và tạo ra môi trường học tập và thi cử thoải mái và không áp lực quá lớn.

Các biện pháp giảm căng thẳng như tập thể dục, yoga, thư giãn, hoặc các kỹ thuật hơi thở sâu và hành vi thiết thực để giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của cơ thể và làm giảm tác động tiêu cực của stress lên hệ tiêu hóa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : áp lực thi cửchảy máu dạ dàyxuất huyết tiêu hóa

Các tin liên quan đến bài viết