BHXH Việt Nam cho biết, nhờ chuyển đổi số nên các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Là đơn vị triển khai thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam xem việc xây dựng, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Đến nay, BHXH Việt Nam đã xác thực dữ liệu từ CSDL quốc gia về dân cư với gần 89 triệu thông tin công dân; đồng bộ gần 124 triệu bản ghi thông tin về BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư; phục vụ hiển thị thông tin thẻ BHYT, sổ BHXH và sổ sức khỏe điện tử (thông tin lịch sử khám chữa bệnh BHYT của người dân) trên ứng dụng VNeID (định danh điện tử công dân).
Nhờ chuyển đổi số, liên thông dữ liệu nên các thủ tục hành chính đã được cắt giảm, tạo thuận lợi tối đa việc phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH.
Liên thông dữ liệu
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, chuyển đổi số trong hoạt động BHXH đã hỗ trợ ngành y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lên hạ tầng của BHXH Việt Nam. Đây là đầu vào quan trọng để phục vụ 2 dịch vụ công liên thông và dịch vụ công cấp giấy phép lái xe.
Chuyển đổi số giúp BHXH Việt Nam cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.
Đến ngày 30/6, toàn quốc có 1.057 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 557.891 dữ liệu được gửi; có 1.114 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 166.675 dữ liệu được gửi; 346 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 2.000 dữ liệu được gửi.
Ngoài ra, BHXH phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an triển khai sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở tích hợp, hiển thị thông tin lịch sử KCB BHYT của người tham gia BHYT trên ứng dụng VNeID.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan đẩy mạnh chi trả các chế độ BHXH, BHYT không dùng tiền mặt.
Khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân
Ông Phương cho biết, nhờ chuyển đổi số mà BHXH Việt Nam đã triển khai đẩy mạnh việc khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip và triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Trước đây khi chưa triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh khi đi KCB sẽ phải lưu trữ, xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh để làm thủ tục. Cán bộ y tế cũng phải tiếp nhận và kiểm tra các loại giấy tờ trên của người bệnh.
Nhờ chuyển đổi số, người dân không còn phải xếp hàng chờ làm thủ tục khám chữa bệnh
Thế nhưng hiện nay, sau khi triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh chỉ cần xuất trình 1 loại giấy tờ tùy thân là CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khi làm thủ tục KCB.
Nhờ đó cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.
Đơn giản hoá thủ tục, lợi đủ đường
Ông Phương cũng cho biết thêm, việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH.
Đối với người bệnh đã giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ khi làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT. Thay vì phải mất thời gian chờ đợi đến lượt được nhân viên y tế gọi vào xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân (có ảnh) như trước đây để đăng ký vào KCB thì nay người dân có thể chủ động, tự sử dụng CCCD làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT ngay tại máy tự động tiếp đón mà không phải thông qua nhân viên y tế.
Người dân chỉ xác thực tại máy 6-12 giây, không phải mất vài chục phút đến cả hàng giờ đồng hồ chờ đợi như trước.
Ngoài ra còn bảo đảm công bằng trong việc lấy số thứ tự vào KCB. Trước đây, số thứ tự đăng ký vào KCB được lấy theo số thứ tự ngẫu nhiên và xuất hiện tình trạng “mua bán” số thứ tự vào KCB cho người bệnh dù có đến muộn vẫn có số vào khám trước.
Thế nhưng từ khi triển khai máy tự động tiếp đón tích hợp xác thực sinh trắc, số thứ tự đăng ký vào KCB trong một buổi được cấp duy nhất 1 lần theo mã thẻ BHYT và thông tin xác thực sinh trắc của người bệnh nên đảm bảo được nguyên tắc công bằng đến trước, khám trước.
Đối với cơ sở KCB, việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã giảm được số lượng nhân viên y tế phải trực tại bộ phận đón tiếp. Giảm tải thời gian, áp lực, hiện tượng ùn tắc cho cơ sở y tế tại bộ phận tiếp đón người bệnh đăng ký vào KCB BHYT, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, tập trung đông bệnh nhân.
Hơn nữa khi triển khai máy tiếp đón tự động, trung bình một buổi cơ sở y tế đẩy nhanh, tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1 đến 1,5 giờ.
Đối với cơ quan BHXH, nhờ chuyển đổi số đã khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT; tiết kiệm chi phí in ấn thẻ.
Với việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm, cùng với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc sẽ giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong KCB BHYT…
Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác KCB, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia.
Nguồn: vietnamnet