Để tránh khả năng lây nhiễm dịch COVID-19, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân, nhiều bệnh viện đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.

Bệnh viện đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Người dân thanh toán tiền khám bệnh bằng thẻ Vietcombank tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM 

Theo ghi nhận, nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã thúc đẩy việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong mùa dịch COVID-19 như: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Đại học Y dược… bằng cách quẹt thẻ ngân hàng qua máy POS, liên kết với ngân hàng đưa vào áp dụng thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán…

Thay đổi thói quen

Chị N.M.H. (30 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cho biết cách đây hơn một tháng, chị đưa mẹ đến nhập viện tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Sau khi được nhân viên y tế hướng dẫn đóng viện phí qua thẻ, tất cả thủ tục chị chỉ tốn vài phút thay vì chờ đợi như trước kia.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ông N.V.T. (60 tuổi, Gò Vấp) cho biết ông có mặt ở bệnh viện đúng 7h, sau khi khai báo y tế, lấy số thứ tự, chỉ định thăm khám của bác sĩ để lấy máu xét nghiệm, ông T. đến quầy viện phí để đóng tiền.

Theo hướng dẫn của nhân viên y tế, ông T. đóng viện phí qua thẻ rất nhanh chóng, đến 9h là xong. “Nếu tôi nộp tiền mặt phải xếp hàng đợi thêm 2 giờ nữa”, ông T. cho biết.

Còn chị N.T.M. (37 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết từ khi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM triển khai thẻ khám bệnh có liên kết với Ngân hàng Vietinbank, chị hầu như bỏ hẳn thói quen thanh toán tiền mặt.

Giảm nửa thời gian chờ đợi

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, cho biết ước tính thời gian chờ đợi cho bệnh nhân cận lâm sàng trước đây là khoảng 60 phút, tuy nhiên nếu đóng viện phí không dùng tiền mặt, bệnh nhân chỉ tốn khoảng 20-30 phút để đợi chờ.

Từ đầu tháng 7-2020, bệnh viện đẩy nhanh việc triển khai thanh toán viện phí qua thẻ cho đối tượng khoa khám bệnh BHYT bằng việc chủ động liên kết với Ngân hàng Vietcombank. Đến nay, gần như 100% số lượng bệnh nhân của bệnh viện đã đồng ý sử dụng thẻ để thanh toán viện phí.

Để bệnh nhân hiểu được ưu điểm việc thanh toán viện phí qua thẻ, bệnh viện phải huy động toàn bộ nhân viên thuộc nhiều phòng khác nhau, giải thích cho bệnh nhân hiểu lợi ích của việc thanh toán viện phí qua thẻ…

Theo bác sĩ Vũ, khó khăn nhất là thay đổi được thói quen của người dân, đặc biệt là những người dân tại các tỉnh về thành phố khám chữa bệnh. Một số bệnh nhân khi thấy các bệnh nhân khác sử dụng đã thấy được sự tiện lợi họ sẽ nhanh chóng sử dụng thẻ.

Không giấy, không xếp hàng, không mang tiền mặt

Để hạn chế tụ tập đông người, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người bệnh khi đến khám, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khuyến khích người dân dùng ứng dụng “UMC – Đăng ký khám bệnh online” để đăng ký lấy số khám bệnh, đặt trước lịch khám, lựa chọn bác sĩ thăm khám và thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngay trên ứng dụng.

Để người dân thay đổi thói quen thanh toán, bệnh viện phải chuẩn hóa các quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống khám chữa bệnh, bố trí nhân viên chuyên trách tư vấn, giải thích về lợi ích của các phương thức thanh toán không tiền mặt…

Mặt khác, bệnh viện đã chủ động đề xuất với 31 ngân hàng thương mại như Sacombank, Agribank, BIDV… giảm phí giao dịch qua các phương thức thanh toán, xây dựng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

TS Thái Hoài Nam – phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết: “Sự kỳ vọng của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh gia tăng đòi hỏi bệnh viện phải có những sáng tạo, cải tiến hiệu quả. Từng bước hướng đến mô hình bệnh viện “không giấy, không xếp hàng, không mang tiền mặt”, đơn giản hóa các thủ tục trong khám chữa bệnh”.

Vietcombank: mã thanh toán được tạo và in ngay trên hóa đơn viện phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), cho biết bên cạnh việc tham gia thanh toán các dịch vụ công, Vietcombank còn phối hợp với các đơn vị để triển khai thanh toán không tiền mặt với một loạt bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế…

Khi sử dụng dịch vụ của bệnh viện, bệnh nhân có thể dễ dàng thanh toán viện phí bằng cách sử dụng tính năng “Thanh toán QR code” trên ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, VCBPAY và trên các ứng dụng mobile banking của các ngân hàng hoặc các ví điện tử có liên kết thanh toán QR với Vietcombank.

Với sự kết nối từ hệ thống điện tử giữa Vietcombank và bệnh viện, mã QR code sẽ được tạo ra và in ngay trên hóa đơn viện phí của từng khách hàng. Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng mobile banking và thực hiện “quét” ngay trên hóa đơn để hoàn thành việc thanh toán. Khi thành công, thông tin thanh toán sẽ được cập nhật vào hệ thống theo dõi của bệnh viện.

Sacombank: đã triển khai hơn 2.200 máy POS cho bệnh viện, trường học

Sacombank đã cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt cho nhiều bệnh viện và phòng khám.

Tổng số điểm cơ sở y tế và giáo dục mà Sacombank đã triển khai máy POS lên hơn 2.200 điểm. Theo kế hoạch trong năm 2021, Sacombank sẽ kết nối thêm khoảng 200 trường học từ mầm non đến đại học cũng như nhiều cơ sở y tế và các lĩnh vực công khác.

“Việc thuyết phục các cơ sở dịch vụ công cũng như người dân thay đổi hành vi thanh toán sang không tiền mặt là tương đối khó khăn lúc mới triển khai. Người dân còn lo lắng thủ tục phức tạp và rủi ro.

Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm thực tế, người dân đã nhận thấy giao dịch thuận tiện, thủ tục đơn giản dễ sử dụng, giao dịch nhanh chóng và không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi, họ đã thay đổi suy nghĩ và không muốn quay lại với giao dịch tiền mặt”, ông Duy cho biết.

Agribank: đã ký kết hợp tác với khoảng 20 cơ sở y tế tại TP.HCM

Theo đại diện Agribank TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM, Agribank đã ký kết với khoảng 20 bệnh viện, trung tâm y tế và đang tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đầu tháng 3-2021 Agribank chi nhánh Bình Thạnh và Bệnh viện TP Thủ Đức đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện để phối hợp triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng; cung cấp các giải pháp thanh toán, thu hộ viện phí, trả lương qua tài khoản thẻ, lắp đặt ATM, POS…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh việndịch COVID-19Đại học Y dượcThanh toán không dùng tiền mặtThanh toán viện phí

Các tin liên quan đến bài viết