Trước thông tin lo ngại thiếu thuốc tê dùng trong nha khoa, lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo Cục Quản lý dược và đơn vị liên quan phê duyệt kịp thời khi đơn vị nhập khẩu hoàn thiện hồ sơ, nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê đảm bảo nhu cầu điều trị.
Ngày 17/9, PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, cho hay hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân, cao điểm lên đến 1.500 người đến khám, điều trị. Mỗi tuần, bệnh viện sử dụng 1.000 – 1.500 ống thuốc gây tê, cao điểm lên đến 2.000 ống.
Tại thời điểm này, trong kho dược của bệnh viện này chỉ còn 500 ống thuốc tê. Nhà cung cấp thuốc tê cho bệnh viện dự kiến sẽ cung cấp thêm 1.000 ống vào đầu tuần sau nhưng không chắc chắn.
Thời gian qua, công ty cung ứng thuốc tê có thông báo tới bệnh viện về tình trạng khan hiếm thuốc tê nồng độ Lidocain 2%.
Về nguyên nhân có thể chậm cung ứng thuốc gây tê nêu trên, công ty nhập khẩu thuốc nêu lý do giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3/2022. Công ty này vừa hoàn thiện hồ sơ xin gia hạn giấy phép theo yêu cầu của Cục Quản lý dược.
Trước phản ánh trên từ nhà nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã trực tiếp chỉ đạo Cục Quản lý dược xem xét, phê duyệt kịp thời với hồ sơ xin nhập khẩu đã hoàn thiện theo yêu cầu, đảm bảo cung ứng thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã nắm được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc tê trong nha khoa tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo Cục Quản lý dược làm việc với bệnh viện để tháo gỡ khó khăn.
Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý dược chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo thuốc cho nhu cầu điều trị của các bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt.
Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội khẳng định, thuốc tê không phải chỉ có một loại duy nhất, không thuốc tê này thì có thuốc tê khác thay thế.
Thay thuốc tê đang khan hiếm bằng loại tốt hơn, đắt hơn
Thuốc gây tê nha khoa là vật tư y tế chuyên dụng, thành phần chính là Lidocaine HCL hoặc Articaine. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 2 hãng cung ứng thuốc tê chính cho bệnh viện là công ty của Pháp và Canada.
PGS Bính cho biết hiện có 3 loại thuốc gây tê được sử dụng trong nha khoa cung ứng vào bệnh viện. Loại thuốc tê có nguy cơ khan hiếm là thuốc tê chuyên dụng dành cho nha khoa, trong đó chứa Lidocain 2%.
Thuốc tê do các hãng cung ứng đang bị khan hiếm thuộc nhóm các thuốc qua đấu thầu. Ngay khi có thông báo về tình trạng khan hiếm thuốc, lãnh đạo bệnh viện này cho biết đã chủ động xây dựng nguồn thuốc thay thế, vì thuốc tê không phải chỉ có một loại duy nhất, không có thuốc tê này thì có thuốc tê khác thay thế.
Đơn vị này đã liên hệ với các nhà cung ứng thuốc tê khác cung cấp thuốc tê nồng độ adrenaline 4%, là thuốc tốt hơn và đắt hơn thuốc tê hiện tại đang dùng; và dùng thuốc thay thế xen kẽ, phù hợp trong điều trị.
Giám đốc bệnh viện này khẳng định cơ sở hoàn toàn có thuốc tê thay thế, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ông cũng phủ nhận việc “chỉ thiếu 1 loại thuốc tê mà bệnh viện phải đóng cửa”.
Như VietNamNet đã đưa tin, chiều 16/9, phát biểu tại sự kiện về sử dụng thuốc an toàn, TS Phạm Thanh Hà – Phó giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội – cho hay, “2 tuần nữa bệnh viện sẽ hết thuốc tê”. Bệnh viện đang đau đầu tìm loại thuốc phù hợp để thay thế, thậm chí lo ngại “bệnh viện nguy cơ đóng cửa” vì 2/3 dịch vụ ngoại trú của đơn vị này phải sử dụng thuốc tê, kể cả dịch vụ nội trú cũng phải dùng thuốc tê.
Với một số loại thuốc tê thiết yếu đã hết, bệnh viện phải thay thế bằng loại khác an toàn, hiệu quả có tính năng tương tự nhưng “không thể hoàn hảo như những loại có thể lựa chọn”.
Vì thuốc gây tê được chia làm 2 loại, gồm chứa chất gây co mạch và chống gây co mạch. Loại thuốc chứa chất gây co mạch có khả năng tê sâu hơn nhưng nhược điểm là gây tăng huyết áp. Vì thế, người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, nhịp tim nhanh không được dùng loại này.
Theo vị phó giám đốc này, nguyên nhân khiến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội hết thuốc tê là do giấy phép lưu hành thuốc tê của các nhà cung cấp chưa được gia hạn. Trong khi chỉ có 2 – 3 đơn vị nhập loại thuốc này về Việt Nam. Việc tìm sản phẩm thay thế cũng gặp khó, do đó, bệnh viện mong Bộ Y tế sớm tháo gỡ các vướng mắc.
Nguồn: vietnamnet