Theo mục tiêu đề án khi xây dựng bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ đào tạo được một ê kíp bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành chấn thương chỉnh hình có thể triển khai tại địa phương, giảm bớt bệnh nhân chuyển tuyến trên. Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn hiện nay để xây dựng thành công bệnh viện vệ tinh, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh viện cần phải đột phá cách làm mới kịp tiến độ chuyển giao.
VỪA LÀM VỪA ĐÀO TẠO CHUYỂN GIAO
Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa tỉnh) hiện có 64 giường bệnh, điều trị chủ yếu các loại chấn thương ở chi, sọ não và một số bệnh lý về chỉnh hình. Khoa hiện có 6 bác sĩ trình độ chuyên khoa I chuyên ngành chấn thương chỉnh hình và có nhu cầu được chuyển giao các kỹ thuật như điều trị phẫu thuật xương gãy, xử trí cấp cứu ca gãy xương hở, gãy hở có tổn thương mạch máu, kỹ thuật vi phẫu nối đứt lìa chi, đứt thần kinh, phẫu thuật khớp. Theo thống kê của khoa, năm 2015 số bệnh nhân chuyển tuyến trên (cấp cứu và nội trú) là 526, năm 2016 là 560 và 6 tháng đầu năm 2017 là 276. Vì vậy, nếu chuyển giao thành công sẽ giúp giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý tổn thương cơ quan vận động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Theo kế hoạch thực hiện, thời gian đào tạo chuyển giao kỹ thuật gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (tháng 1-2017 đến tháng 12-2018) sẽ giảng dạy lý thuyết và huấn luyện thực hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) 4 gói chuyển giao kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, vi phẫu thuật, nội soi khớp và thay khớp.
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa tỉnh
Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh mới cử 3 bác sĩ tham dự lớp học lý thuyết, 4 học viên đi đào tạo thực hành tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đối với gói kỹ thuật nội soi khớp, do điều kiện nhân lực thiếu nên bệnh viện chưa cử học viên tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật theo đúng tiến độ. Hiện các học viên đang giảng dạy và thực hành tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, chưa triển khai thực hiện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Giám đốc bệnh viện Lê Anh Tuấn cho biết: Về phần lý thuyết, 4 gói chuyển giao kỹ thuật cần thời lượng từ 67-92 buổi, tương đương 2 tháng đào tạo liên tục. Tuy nhiên, do nhân lực thiếu nên các bác sĩ, điều dưỡng chưa thể tham gia đầy đủ. Vì vậy, thời gian tới Ban giám đốc sẽ tạo điều kiện để đội ngũ này linh hoạt, luân phiên tham gia đào tạo đầy đủ tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ PHỤC VỤ BỆNH NHÂN
Thực hiện khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với các dịch vụ kỹ thuật được chuyển giao cho thấy, hiện phòng mổ tại Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa tỉnh không đạt chuẩn, thiếu trang thiết bị. Vì vậy, để triển khai bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã lên kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng mổ và đầu tư thêm máy MRI, CT Scan, C Arm, nội soi, bàn mổ thay khớp chuyên dụng lối trước; thay mới một số thiết bị đã cũ… với chi phí rất lớn. Tuy nhiên, đến nay bệnh viện mới được UBND tỉnh bố trí 14 tỷ đồng để cải thiện dần phòng mổ. Còn đề án xã hội hóa máy MRI 1.5 và máy CT Scan 32 lát cắt đang trong thời gian chờ phê duyệt. Theo kế hoạch mua sắm trang thiết bị để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện đã mua mới 2 bộ dụng cụ phẫu thuật kết hợp xương chi trên và chi dưới. Khoan cưa pin vẫn chưa được mua.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ: Hiện phần lớn kinh phí phải trông chờ vào dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của bệnh viện thời gian tới. Nhưng theo tiến độ xây dựng thành công bệnh viện vệ tinh thì bắt buộc phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để năm 2018 Bệnh viện Chợ Rẫy cử bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn thực hành tại chỗ cho 4 gói kỹ thuật được chuyển giao. Vì vậy để chủ động chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện đa khoa tỉnh không thể chờ và sẽ thực hiện xã hội hóa đối với máy MRI và vay tiền ngân hàng mua máy CT Scan 32 lát cắt với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Trang thiết bị này không chỉ phục vụ bệnh viện vệ tinh mà còn đáp ứng nhu cầu hoạt động chuyên môn của bệnh viện.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, Bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ cử học viên tiếp tục tham gia và hoàn thành chương trình học tập, chuyển giao kỹ thuật thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tập trung triển khai thực hiện đề án xã hội hóa và mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đề án bệnh viện vệ tinh. Nói về hiệu quả kinh tế – xã hội của đề án, bác sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Bệnh viện vệ tinh không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh về chuyên khoa chấn thương chỉnh hình mà còn giúp bệnh viện tỉnh nâng cao vị thế, uy tín, củng cố niềm tin với nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Đề án mang ý nghĩa phát triển chuyên môn nghiệp vụ gắn với hiệu quả kinh tế – xã hội, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy với sự hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi sẽ nỗ lực để xây dựng thành công bệnh viện vệ tinh.
Nguồn Báo Bình Phước