Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ các lực lượng cung cấp dịch vụ cho bệnh viện (nhân viên giao thuốc, thực phẩm cho căngtin…) và nhóm “xe cấp cứu dù” là rất lớn và khó kiểm soát.
Ngày 10-5, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đã làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết hiện nay đáng lo ngại nhất là bệnh nhân nhập viện bằng đường cấp cứu. Với nhóm bệnh nhân này, các bác sĩ hầu như quên luôn biện pháp phòng dịch sơ bộ để tập trung cấp cứu bệnh nhân nhanh nhất có thể.
“Nếu bệnh nhân bị tai nạn không có thân nhân thì xem như bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh nhân chưa xét nghiệm COVID-19 thì phẫu thuật theo quy trình bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện nay mỗi lầu có phòng cách ly tạm thời, đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới di chuyển vào các khoa” – bác sĩ Thức giải thích.
Theo bác sĩ Thức, bệnh viện quản lý người nuôi bệnh bằng dấu vân tay, và những người này đã được sàng lọc dịch tễ từ đầu. Qua kiểm tra đột xuất, bệnh viện đã đình chỉ 2 kíp trực vì để người không đăng ký dấu vân tay vào bên trong.
Cũng theo bác sĩ Thức, bệnh viện đang gặp khó trong việc kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các lực lượng cung cấp dịch vụ cho bệnh viện (nhân viên giao thuốc, thực phẩm cho căngtin…) và nhóm “xe cấp cứu dù”.
Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong nói rằng Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân nặng từ các tỉnh. Nếu để xảy ra tình huống dịch bệnh xâm nhập thì hệ quả rất nặng nề, vì thế giao Sở Y tế cùng các ban, ngành hỗ trợ phối hợp giữ vững an toàn cho tuyến phòng thủ này.
Về vấn đề “xe cấp cứu dù”, ông Phong đề nghị Sở Giao thông vận tải TP phối hợp bệnh viện và chính quyền địa phương để xử lý.
“Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm rất tốt vai trò của bệnh viện tuyến cuối, thời gian qua đã nỗ lực chi viện cho các tỉnh phòng chống dịch. Đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện có chuyên môn sâu, tấm lòng đối với bệnh nhân nên cần phải được hỗ trợ tốt nhất có thể.
Bệnh viện cần xây dựng một đội phản ứng nhanh dành riêng cho nội viện, khẩn cấp đáp ứng khi xảy ra các tình huống dịch bệnh xâm nhập” – ông Phong nói.
Làm việc với đoàn kiểm tra, Bệnh viện Nhân dân 115 đã đề nghị được xem xét, hỗ trợ cung cấp kit xét nghiệm sàng lọc, hóa chất xét nghiệm RT-PCR.
Hiện tại, do chỉ có 84 máy thở, nếu có nhiều ca thở máy cùng lúc sẽ không đủ, do đó trong trường hợp dịch bùng phát, bệnh viện đã đề nghị UBND TP cung cấp thêm máy thở và các dụng cụ bảo hộ khác.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho tình huống dịch lan rộng, nâng tổng công suất lên 10.000 giường, ngành y tế tiếp tục xây dựng bệnh viện dã chiến 5.000 giường và đề nghị Sở Y tế chỉ đạo, thống kê những thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ kế hoạch các máy thở ở mỗi bệnh viện.
Nguồn: tuoitre.vn