Thời điểm chuyển mùa như hiện nay khiến trẻ em mắc các bệnh lý hô hấp tăng cao. Thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, có trên 163.000 trẻ đến khám do các bệnh lý đường hô hấp (hơn 8.200 trẻ phải nhập viện), trong đó gần 1/2 là do viêm phổi.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em gia tăng mạnh, vỗ lưng khi trẻ bị viêm phổi có tác dụng gì? - Ảnh 1.

Viêm phổi là bệnh lý phổ biến và thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn trong cách chăm sóc trẻ viêm phổi.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về việc khi bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị viêm phổi thì có nên mặc quần áo dày, quấn kín giữ ấm cho trẻ? Có nên vỗ lưng trẻ mỗi khi trẻ lên cơn ho hay không? Bác sĩ Nguyễn Nhân Mỹ – phó trưởng khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – cho biết tùy vào tình trạng viêm phổi của trẻ mà việc vỗ lưng, vỗ rung cho trẻ sẽ có tác dụng cải thiện hô hấp nếu thực hiện đúng cách.

Theo đó, bệnh viêm phổi là bệnh của nhu mô phổi có tác nhân nhiễm trùng do vi rút hay vi khuẩn. Các vi khuẩn gây viêm phổi phổ biến là: Streptococcus pneumonniae, Hemophilus influenza, Straphylococcus aureus, Moraxella catarrhalis…

Vi rút gây viêm phổi phổ biến là vi rút hợp bào hô hấp, influenza, rhinovirus, adenovirus. Tuy nhiên đa số viêm phổi trẻ em không xác định được tác nhân gây bệnh, bác sĩ chỉ dựa vào bệnh sử, thời gian, độ nặng, tuổi, mùa trong năm để có thể giúp chẩn đoán phân biệt.

Bệnh thường gặp nhiều vào những thời điểm giao mùa từ tháng 4, 5 và tháng 9, 10, tuy nhiên có thể xảy ra quanh năm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh lý hô hấp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Mỹ, triệu chứng thường gặp ở trẻ viêm phổi là sốt, ho, khó thở, bú kém, nôn ói, triệu chứng quan trọng cha mẹ có thể nhận biết viêm phổi là trẻ thở nhanh…

Phân biệt với các bệnh lý hô hấp khác, phụ huynh có thể quan sát thấy trẻ khó thở: thở rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, co rút cơ liên sườn, nhịp thở nhanh tùy theo độ tuổi…

Viêm phổi là bệnh có thể lây nhiễm, tuy nhiên cũng có thể phòng tránh bằng một số biện pháp cụ thể.

Do là bệnh lý có thể lây nhiễm, đề phòng tình trạng lây chéo và nhiễm trùng chéo giữa nhiều bệnh lý, nơi có đông trẻ em tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ có cân nhắc và chỉ cho nhập viện các trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng, vì vậy quan trọng là phụ huynh cần học cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, phòng ngừa lây nhiễm.

Đối với hầu hết các bệnh lý hô hấp (trong đó có viêm phổi), để phòng bệnh bác sĩ khuyên cần giữ ấm và dùng quần áo dày cho trẻ khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ đã nhiễm bệnh, sốt cao thì cha mẹ không nên cho trẻ mặc quần áo dày và trùm kín.

Cho trẻ ăn, uống bình thường và đặc biệt cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc (đặc biệt kháng sinh) phải theo phác đồ chỉ định của bác sĩ điều trị, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

Khi chăm sóc trẻ, chú ý vệ sinh tay, vật dụng và cách ly trẻ với người bệnh nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trong quá trình chăm sóc, khi trẻ ho, nhiều đàm, việc vỗ lưng – vỗ rung sẽ cải thiện hiệu quả hô hấp, giúp đào thải các chất tiết, đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp.

Việc vỗ lưng có thể thực hiện trước ăn/sau ăn ít nhất 1 giờ, có thể khum bàn tay lại, vỗ từ bên trái qua bên phải (khoảng 3-5 phút mỗi khu vực). Lưu ý không vỗ vào xương ức, xương sống, dạ dày của trẻ.

“Trong quá trình thăm khám, chúng tôi vẫn còn gặp tình trạng phụ huynh cạo gió, giác hơi, cắt lể, dùng thuốc… tại nhà khi thấy trẻ sốt, ho. Chúng tôi khuyến cáo những biện pháp này hoàn toàn không có tác dụng đối với trẻ, thậm chí còn gây nguy hiểm làm trẻ diễn biến nặng hơn”, bác sĩ Mỹ nói.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ lưu ý các dấu hiệu cần đưa bé đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu cơ thể tím tái, không uống được (nước, sữa), sốt cao, ngủ li bì, khó đánh thức…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh lý hô hấpbệnh viêm phổiNhi đồng Cần Thơ

Các tin liên quan đến bài viết