Lúc mới đến bệnh viện, chị C. chưa được phục vụ đồ ăn, nước uống nên gọi về nói với gia đình mình bị bác sĩ bỏ đói. Cho đến khi nhìn thấy các y bác sĩ, lực lượng chống dịch ngày đêm làm việc chị vô cùng hối hận.
Hai mẹ con cùng mắc bệnh
Ngày 20/7, chị L.H.C. (sinh năm 1979) là một trong số những F0 tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 được xuất viện sau 22 ngày điều trị và có 2 lần xét nghiệm nCoV âm tính.
Do số lượng bệnh nhân được xuất viện trong ngày đông, phải làm thủ tục lâu, 12h khuya chị mới về đến phòng trọ. Nơi ở đang bị phong tỏa, vì vậy chị phải khai báo, trình đầy đủ các giấy tờ cho lực lượng chức năng và chủ nhà mới được vào phòng trọ.
Ngày 21/7, trao đổi với VietNamNet, chị cho biết, trước hôm chị được xuất viện, bác sĩ điều trị đưa cho chị một tờ giấy ghi nhận mình là F0 cách ly tại nhà, dặn phải khai báo nghiêm túc. “Trong tờ giấy đó, họ hỏi nơi ở của mình có phòng riêng, có phòng máy lạnh, thùng rác có nắp đậy… hay không. Mục nào tôi thấy mình đạt, tôi đánh dấu đạt. Còn mục nào không tôi khai không”, chị C. kể.
Lực lượng hậu cần tại Bệnh viện dã chiến số 6 mang đồ ăn cho các F0. |
Hiện sức khỏe chị C. đã hoàn toàn bình phục, nhưng bác sĩ dặn chị phải ăn uống đầy đủ, vận động nhiều, giữ tinh thần thoải mái, uống nước nóng, xúc miệng và rửa mũi bằng nước muối, vệ sinh sát khuẩn đầy đủ. Chị cũng phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày nữa. Trong thời gian cách ly, khi có dấu hiệu bệnh cần phải liên hệ ngay với cơ quan y tế.
“Tôi vào bệnh viện từ ngày 28/6, đến ngày xuất viện là 22 ngày. Khi nghe tin được xuất viện, tôi vui lắm. Tôi đã báo tin vui cho bố mẹ, các con và các đồng nghiệp rồi. Giờ tôi sẽ hoàn thành cách ly tại nhà thật hiệu quả”, chị C. chia sẻ.
Chị C. quê Trà Vinh, đến TP.HCM làm công nhân tại một công ty chuyên về thiết bị y tế ở khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7 được hơn 11 năm. Chồng mất đã được hơn mười năm, chị ở vậy nuôi hai con trưởng thành.
Hai năm trước, con gái chị học xong lớp 12 cũng rời quê, lên TP.HCM ở cùng mẹ trong căn phòng rộng 10m2 ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 để đi làm công nhân. Còn con trai út chị ở quê đi học cùng ông bà ngoại.
Trước đây, chị thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt, phải uống thuốc. Ngày 22/6, chị được chích vắc xin Covid-19 và đi làm bình thường. Lúc công ty lấy mẫu xét nghiệm nCoV lần thứ nhất, chị có kết quả âm tính.
Ngày 26/6, ở bộ phận chị làm việc tại công ty có một vài người bị ho, sốt, chị cũng bị sổ mũi, hắt xì hơi, người ê ẩm như bị ai đánh. Hai ngày sau, chị đi làm người vẫn còn ê ẩm, cổ hơi đau nên xin về nhà nghỉ.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đang chăm sóc các F0 nặng. |
Buổi tối, nhận được thông tin công ty tổ chức xét nghiệm cho công nhân, chị cũng đi đến lấy mẫu. Mẫu test nhanh của chị có kết quả dương tính. Trong công ty ngoài chị còn có nhiều công nhân khác cũng có kết quả dương tính.
“Lúc nhận kết quả, tôi sợ lắm. Tôi không biết vì sao mình mắc bệnh, lây từ người nào. Bạn bè của tôi trong công ty có mấy chục người. Khi biết tôi có kết quả dương tính, họ la lên, nói tôi tránh ra xa để khỏi lây bệnh cho họ. Lúc đó, tôi vừa buồn, vừa tủi thân. Khi lên xe để đến bệnh viện, tôi ngồi khóc nức nở. Tôi sợ không biết mình bị bệnh rồi có bị sao không, có được gặp người thân nữa không. Hai con tôi sẽ ra sao khi không có mẹ, chúng đã mất ba từ nhỏ rồi”, chị kể.
Con gái chị nhận tin báo, chạy vội đi mua vài liều thuốc đau đầu, đồ dùng cá nhân, nước uống và mấy bộ quần áo mang lên công ty cho mẹ đi cách ly. Lực lượng chức năng đến phun khử khuẩn, phong tỏa khu vực chị ở. Một tuần sau, con gái chị cũng có kết quả dương tính.
Thấy có lỗi với lực lượng phòng chống dịch
Cả hai mẹ con chị C. cùng được đưa đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 cách ly, điều trị nhưng không được ở cùng phòng vì nhiễm bệnh cách nhau 7 ngày.
Nhân viên y tế tại khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 |
Phòng bệnh của chị C. có 4 giường. Ban đầu, ngoài chị còn có 2 F0 khác cùng ở. “Có một chị có bệnh nền nhanh chuyển nặng, phải chuyển đến tuyến trên. Trong phòng chỉ còn tôi và một chị nữa. Hai chị em ở trong một phòng rộng nên rất thoải mái”, chị C. kể
Hàng ngày, chị được các tình nguyện phục vục cơm ăn ba bữa một ngày và các đồ dùng cá nhân, nước uống. Vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho chị cùng các F0 khác lập một nhóm chung để thăm khám online. Các bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt… báo với bác sĩ để được cấp thuốc hoặc được thăm khám kịp thời.
“Ở bệnh viện được 4 ngày, tôi hết ho, sổ mũi, nhức mỏi người. Bác sĩ nói, tôi thuộc nhóm F0 có triệu chứng nhẹ. Còn căn bệnh đau đầu thì không giảm, nhưng tôi đã được con gái gửi thuốc vào. Bác sĩ nói, thuốc đau đầu tôi đang dùng an toàn nên tôi uống khá yên tâm”, chị C. kể.
Hôm nay, được trở về nhà, chị C. thấy vừa vui vừa lo và thương các y bác sĩ, lực lượng làm công tác hậu cần ở bệnh viện. Chị kể, 6h sáng 28/6, chiếc xe chở chị và các F0 khác đến bệnh viện. Do lúc đó chưa sắp xếp được phòng, vì vậy chị và mọi người phải nghỉ trên xe. “Lúc đó, tôi bị say xe nên rất mệt”, chị C. nói.
Do bệnh nhân chuyển vào quá đông, lực lượng hậu cần và các y bác sĩ lại mỏng nên không phục vụ kịp. Đến 22h, chị C. và các F0 khác mới được lên phòng bệnh nằm nghỉ và được ăn cơm.
“Cả ngày ngồi trên xe, tôi rất mệt, người vã mồ hôi lại phải đi thang bộ để lên phòng nên tôi rất khó chịu. Lúc đó, tôi có gọi về nói với mọi người ở nhà, mình bị bỏ đói và không được cấp đồ ăn, nước uống”, chị C. kể.
Suy nghĩ của chị C. bắt đầu thay đổi khi chị thấy các y bác sĩ, lực lượng làm việc hậu cần tại bệnh viện phải làm việc dưới trời mưa, người vận chuyển đồ dùng vào cho các F0, người lấy mẫu xét nghiệm… quần áo ướt đẫm.
“Lúc đó, tôi đã rất hối hận vì lời nói và thái độ của mình. Lực lượng phục vụ, các y bác sĩ tại bệnh viện rất mệt. Họ có ít người nhưng phục vụ hàng trăm người. Vì công việc quá nhiều nên họ phải làm việc ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Trời mưa hay nắng cũng phải làm việc, mang bộ đồ bảo hộ kín mít. Nhìn họ, tôi rất xót. Trong khi đó, các F0 chúng tôi chỉ ăn xong là nằm nghỉ”, chị C. kể.
Nguồn: vietnamnet