Khi có cảm giác mệt và đau nhức khắp người, anh H. đã nghĩ có lẽ do chuyến bay về nước kéo dài. Sau này, anh mới nhận ra đó dấu hiệu virus gây bệnh Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.

Trong phòng cách ly, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, anh H. chăm chú bên chiếc máy tính cá nhân, tranh thủ đọc sách báo, sau đó hoàn thành nốt một số công việc còn dang dở.

Anh cũng vừa gọi video về cho gia đình, hỏi han tình hình ở nhà và động viên mọi người an tâm. Gần 1 tháng nay, anh đã học được cách thích nghi với cuộc sống ở nơi này.

Các triệu chứng bệnh không còn, mẫu bệnh phẩm nhiều lần liên tiếp đều cho kết quả âm tính. Có lẽ không bao lâu nữa, anh H. sẽ chính thức được công bố khỏi bệnh. Khó khăn đã qua đi, thế mà đôi lúc, anh vẫn không khỏi giật mình mỗi khi nhớ lại quãng hành trình đặc biệt vừa trải qua.

Anh H. là bệnh nhân 109 mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam. Anh từ London (Anh) về Việt Nam ngày 14/3 sau một khóa học ngắn hạn. Ngay khi tới sân bay Nội Bài, anh được chuyển lên Trường quân sự Sơn Tây để cách ly tập trung.

Bệnh nhân 109: 'Những cơn đau nửa đầu dồn dập, tôi ngửi đâu cũng thấy mùi ẩm mốc'
Bệnh nhân 109 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 

Anh H. bắt đầu thấy cơ thể có dấu hiệu lạ vào ngày 15/3, một hôm sau khi về nước. Khi ấy, anh thấy khá mệt mỏi, hơi đau nhức người. Các triệu chứng không rõ rệt khiến anh nghĩ, có lẽ mình mệt do bay khoảng cách xa, lại phải chờ đợi trong thời gian dài.

Nhưng mãi đến sau này, anh mới nhận ra đó là dấu hiệu ban đầu của việc phát bệnh. Đến ngày 18/3, anh H. bắt đầu sốt. Anh lập tức báo cho các bác sĩ tại Sơn Tây và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều trị cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Ngày 21/3, bệnh nhân nhận tin mình đã dương tính SARS-CoV-2.

Ở bệnh viện, các triệu chứng của bệnh nhân 109 mỗi lúc một nặng dần. Ban đầu, anh đau người giống như bệnh cúm, nơi cổ họng có cảm giác ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể luôn trong trạng thái mỏi nhừ. Bệnh nhân không mất đi khứu giác, nhưng khi anh ngửi mọi thứ đều có thêm một mùi rất lạ.

“Đó là cái mùi ẩm mốc giống như bạn đang bước vào một nhà kho cũ kỹ vào một hôm trời rất lạnh. Từ không khí, tới đồ ăn, mọi thứ xung quanh đều có mùi đó, cảm giác khá khó chịu”, anh H. nhớ lại.

Điều khó khăn nhất mà anh H. phải đối mặt trong những ngày bệnh trở nặng là triệu chứng đau đầu. Những cơn đau kéo từ nửa đầu sang hai hốc mắt cùng với những trận sốt cao suốt nhiều ngày là nỗi ám ảnh cho anh mỗi khi phải nhớ lại.

Nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, khoảng 1 tuần sau, anh H. đỡ dần các triệu chứng. Đến gần cuối tháng 3, bệnh nhân 109 nhận kết quả âm tính nCoV nhiều lần liên tiếp, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.

Anh H. chia sẻ, sự động viên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và lãnh đạo cơ quan là “liều thuốc” tốt nhất giúp anh vượt qua khó khăn. Trong giai đoạn bệnh nặng, khứu giác lại có chút ảnh hưởng, anh khó ăn uống hơn thường ngày.

Thấy vậy, mỗi buổi tối, bác sĩ lại vào phòng và hỏi anh muốn thay đổi thực đơn thế nào để họ đem đến vào hôm sau. Chỉ một hành động nhỏ đó cũng khiến anh H. rất cảm động. Anh luôn cố gắng ăn nhiều hơn mỗi ngày để đáp lại sự tận tình của các bác sĩ.

“Thực ra tôi bị nhẹ nên họ không phải vất vả nhiều. Nhưng cạnh phòng tôi có những bệnh nhân nặng hơn, nhân viên y tế phải chăm sóc từng chút một. Tuy nhiên, họ vẫn luôn luôn nhiệt tình và chu đáo. Tôi thực lòng rất biết ơn họ”.

Bệnh nhân 109: 'Những cơn đau nửa đầu dồn dập, tôi ngửi đâu cũng thấy mùi ẩm mốc'
Bệnh nhân 109: 'Những cơn đau nửa đầu dồn dập, tôi ngửi đâu cũng thấy mùi ẩm mốc'
Khu cách ly bệnh nhân đã âm tính nCoV, bác sĩ chuẩn bị các phần ăn, đặt trước cửa phòng cho bệnh nhân 

Nhớ lại thời điểm biết mình mắc Covid-19, anh H. cho biết không hề sợ hãi hay lo sợ. Đã tìm hiểu về virus corona chủng mới qua nhiều nguồn tin, anh hiểu rằng căn bệnh này rất nguy hiểm với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhưng sẽ khó có thể “đánh bại” một người trẻ khỏe mạnh.

Tuy nhiên, điều anh lo nhất là mình có thể trở thành nguồn lây sang cộng đồng nếu không may nhiễm virus. Suy nghĩ như vậy nên suốt khoảng thời gian ở Anh, khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, anh H. luôn cố gắng bảo hộ cho bản thân nhiều nhất có thể.

Anh rất ít ra ngoài trừ khi có việc bắt buộc. Nếu phải xuống các cửa hiệu tạp hóa mua đồ, anh đều khử khuẩn tay ngay sau đó. Đặc biệt, anh không bao giờ chạm vào thang máy mà luôn sử dụng một vật gián tiếp để bấm nút.

“Thời điểm tôi gặp nhiều nguy cơ mắc bệnh nhất có lẽ là khi đi ăn cùng Ban tổ chức chương trình tập huấn. Hôm ấy quán có rất đông người và tất nhiên không ai trang bị bảo hộ. Ngoài ra, sân bay London ngày tôi về nước cũng có thể là nguồn lây lan virus nCoV”, anh H. kể.

Bệnh nhân 109 tâm sự, dù không may mắc Covid-19 nhưng ngay khi về Việt Nam, anh đã được cách ly kịp thời để không lây nhiễm sang những người khác. Đó cũng chính là điều anh cảm thấy vui nhất.

“Tôi sẽ cố gắng giữ tinh thần lạc quan, vận động nhiều hơn để mau bình phục, sớm trở lại cuộc sống bình thường”, anh H. nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bệnh nhânCOVID-19virus Corona

Các tin liên quan đến bài viết