Bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang gia tăng rất nhanh, trong đó có nhiều ca bệnh nặng do nhập viện trễ.
Chuyển nặng vì nhập viện trễ
Ghi nhận tại khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào ngày đầu tuần, rất nhiều phụ huynh bế con xếp hàng đợi tới lượt khám. Các giường bệnh tại phòng 401 và 404 – nơi điều trị các bệnh nhi mắc tay chân miệng mức độ trung bình – đã chật kín.
Nhiều trẻ quấy khóc vì lên cơn sốt cao hay quá đau nhức miệng do lở loét. Tại phòng cấp cứu của khoa có một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, hai chân bị buộc dây để cố định vào thành giường.
Kiểm tra nhiệt độ cho con, chị L.T.M.H. cho biết bản thân rất lo lắng khi con trai N.L.M.K., hơn 2 tuổi, mắc tay chân miệng nặng (độ 2B) dù trước đây bé từng mắc bệnh này. Theo lời chị H., cách đây 4 ngày chị thấy bề mặt mông và lòng bàn tay, bàn chân của bé có nổi vài nốt đỏ, không sốt nên chỉ theo dõi tại nhà.
Qua ngày hôm sau bé sốt cao, bỏ bú, kèm theo lở loét bên trong miệng nên đưa đi khám tại phòng khám địa phương. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng và cho thuốc về nhà uống.
Tuy nhiên, bé vẫn tiếp tục sốt cao nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng. “Tôi có nghĩ bé mắc tay chân miệng nhưng vì thấy bé chỉ nổi nốt đỏ ở mông, không có sốt như lần đầu nên chủ quan theo dõi ở nhà” – chị H. chia sẻ.
Nhiều ca nặng tăng
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, phó khoa nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện khoa đang điều trị 25 ca tay chân miệng, trong đó có 6 ca nặng độ 2B (chiếm 24%). So với tháng trước, bệnh tay chân miệng tăng gấp 4 lần, đáng lo ngại nhất là những ca bệnh nặng chiếm tỉ lệ khoảng 1/3 trong tổng số ca điều trị.
Tình trạng bệnh tay chân miệng tăng cũng ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Nhi đồng thành phố… Bác sĩ Đỗ Châu Việt – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 – thông tin khoa đang điều trị 40 bệnh nhi mắc tay chân miệng (trong đó có 2 ca bệnh độ 2B), tăng gấp 1,5 lần so với 2 tuần trước.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, số ca mắc tay chân miệng đang điều trị tăng 2 lần so với vài ngày trước đây, đặc biệt ghi nhận nhiều ca chuyển biến nặng, tổn thương thần kinh.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, các bác sĩ rất lo ngại khi số ca bệnh nặng tăng, bởi lẽ điều này làm tốn nhiều chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh cũng như sử dụng nhiều nhân lực của bệnh viện. Khi số ca tay chân miệng tăng nhưng số ca nặng ít, bác sĩ an tâm hơn.
“Cứ 3 tiếng bác sĩ và điều dưỡng lấy sinh hiệu, khám cho bệnh nhân mắc bệnh nặng 1 lần. Trong khi đó, ca bình thường chỉ thăm khám 2 lần/ngày” – bác sĩ Quy cho biết thêm.
Vậy vì sao có nhiều ca bệnh nặng? Bác sĩ Tuấn Quy chia sẻ: “Qua trao đổi với các phụ huynh được biết hầu hết họ e ngại đưa trẻ đến khám vì COVID-19 và tự tham khảo trên mạng để chăm sóc bé, đến khi có biểu hiện nặng mới đưa đến bệnh viện”.
Cũng theo bác sĩ Tuấn Quy, hiện bệnh viện có đầy đủ thuốc điều trị và giường bệnh. Bệnh viện cũng đã lên những phương án điều động nhân viên y tế, tăng cường giường bệnh trong tình huống số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tăng đột biến trong thời gian tới.
Đang tăng mức báo động, làm sao ngăn lây lan?
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo số ca bệnh tay chân miệng tăng ở mức báo động tại 21/24 quận, huyện; đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và TP Thủ Đức.
Từ đầu năm đến giữa tháng 3, TP.HCM ghi nhận 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó từ ngày 8 đến 14-3 có đến 346 ca, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước.
Bác sĩ Lê Hồng Nga – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm HCDC – cho biết để kiểm soát bệnh, Sở Y tế và HCDC đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hằng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.
“Chủ động giám sát số ca bệnh vẫn là trung tâm y tế và trạm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức. HCDC giám sát toàn thành phố và hỗ trợ xử lý các ổ dịch lớn hoặc có nguy cơ lan rộng” – bác sĩ Nga nói.
Trước tình hình này, HCDC yêu cầu các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Đặc biệt lưu ý việc theo dõi, giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày.
Một trong những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng là nổi mụn nước ở tay, chân, mông…
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-3, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết bệnh viện bắt đầu ghi nhận các ca mắc tay chân miệng trong vài ngày gần đây.
“Thông thường cao điểm tay chân miệng ở miền Bắc là khoảng tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, số mắc tay chân miệng những thời điểm này cao hơn các mùa còn lại. Những ngày vừa qua thời tiết lạnh, chưa có ca mắc tay chân miệng nhiều, nhưng ấm hơn là có thể gia tăng” – ông Hải nhận xét.
Ông Hải chia sẻ mùa đông – xuân vừa qua là thời gian thường gặp các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, cúm…, tuy nhiên năm nay nhờ nhiều biện pháp phòng chống, cộng với kết quả của giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 thời điểm đầu năm, số mắc sởi, quai bị rất thấp.
Nhưng tháng 4-5 tới, ngoài tay chân miệng cũng sẽ bắt đầu vào mùa dịch viêm não Nhật Bản B, cũng là bệnh có nguy hiểm với trẻ em, tỉ lệ tử vong, tỉ lệ trẻ bị để lại di chứng nặng cao nhưng hoàn toàn có thể phòng chống hiệu quả nhờ tiêm phòng vắcxin.
Nắng nóng, nhiều ca ngộ độc
Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các ca ngộ độc thực phẩm trên cả nước, có ca chết, có ca tổn thương thần kinh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi thiu, thêm vào đó là thói quen dùng thức ăn chưa được nấu chín (tiết canh, nem chua, bò tái…) dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.
Do vậy, cần thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm như ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá.
Nguy cơ mắc nhiều bệnh
Trời nắng nóng trẻ em thường mắc bệnh rôm, sẩy (trẻ nhỏ), viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema). Tác hại của các bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da, các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể…
Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng.
Nguy cơ mất nước và điện giải do ra mồ hôi nhiều, nhất là người làm việc dưới nắng nóng. Mất nước và chất điện giải sẽ làm tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt, thậm chí trụy tim mạch. Với những người lao động dưới trời nắng nóng, hoặc tắm sông, tắm biển… lúc nắng nóng có thể bị sốc nhiệt.
Người bệnh tăng huyết áp có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ.
“Cách giải nhiệt hiệu quả!”
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1, cách giải nhiệt hiệu quả nhất cho cơ thể trong những ngày nắng nóng là cần uống nhiều nước. Bên cạnh đó, cần ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Ngoài ra, cũng cần dùng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh trong những ngày nắng nóng một cách hợp lý. Khi đi từ ngoài trời nắng nóng về không được bật quạt lớn thổi luồng gió vào thẳng người.
Cách làm này sẽ gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể, dễ mắc bệnh. Không nên để luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người. Nhiệt độ máy lạnh để càng cao càng tốt. Nhiệt độ được khuyến cáo là từ 27 độ C trở lên.
Bác sĩ Anh Tuấn cũng cho biết trong những ngày nắng nóng nhiều người có trào lưu sử dụng quạt hơi nước. Tuy nhiên, bác sĩ Anh Tuấn lưu ý quạt hơi nước có độ ẩm cao, chỉ nên sử dụng trong không gian mở chứ không nên dùng trong phòng kín vì sẽ dễ phát sinh nấm mốc, gây bệnh.
TP.HCM đang trải qua những ngày nắng nóng như đổ lửa, trẻ em và người già mắc bệnh liên tục.
Nguồn: tuoitre.vn