Lực lượng cảnh sát mới đây đã đột kích vào 3 xưởng sản xuất khí cười quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, thu giữ lượng lớn bình khí, nguyên liệu…
Ngày 18/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin về vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam, tạm giữ hình sự 11 đối tượng để điều tra, làm rõ về các tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Mua bán trái phép chất ma túy và Sản xuất, buôn bán hàng cấm.
Trước tính chất nghiêm trọng của hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm (khí N2O), Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Nguyên liệu dùng để sản xuất và thành phẩm là các bình khí N2O (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 5 tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội, Hải Phòng và công an các xã, phường có liên quan tổ chức bao vây, khám xét khẩn cấp tại 3 nhà xưởng các đối tượng thuê, đặt máy móc để sản xuất khí N2O.
Tại nhà xưởng ở thôn Mùi, xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội), công an phát hiện, thu giữ hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, hàng trăm bình kim loại, nguyên liệu, tài liệu…
Khám xét khẩn cấp tại kho xưởng cách khu vực sản xuất nêu trên khoảng 500m, lực lượng công an thu giữ khoảng 12 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất khí cười.
Hoạt động tại cơ sở này do Lương Thái Linh cùng các đối tượng Nguyễn Ngọc Bình (SN 1992, trú tại xã Bích Hòa, Thanh Oai) và Tô Thế Minh Trí (SN 1993, ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cùng góp vốn.
Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Xưởng sản xuất này được các đối tượng thuê từ cuối năm 2024, bắt đầu lắp đặt máy móc từ tháng 1 và đưa vào vận hành, sản xuất từ đầu tháng 3. Mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 400kg khí N2O, bán ra thị trường với giá 300.000 đồng/kg.
Chỉ tính từ tháng 3 đến nay, các đối tượng đã sản xuất khoảng 15 tấn khí N2O, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố, thu lợi ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Tại nhà xưởng ở thôn 7, xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) do Nguyễn Bảo Lộc (SN 1984, trú tại phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ. Lộc không trực tiếp xuất hiện mà đứng sau điều hành, chỉ đạo Đinh Tuấn Anh (SN 1992, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng ra ký hợp đồng thuê nhà xưởng và trực tiếp vận hành, quản lý, ghi và chấm công cho công nhân.
Khám xét khẩn cấp tại đây, lực lượng công an thu giữ hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, bình kim loại, thùng nhựa đựng nguyên liệu dùng để sản xuất khí N2O.
Mỗi ngày, tại cơ sở này sản xuất được khoảng 1.000kg khí N2O, bán ra thị trường. Chỉ tính từ tháng 3 đến khi bị bắt, các đối tượng đã sản xuất khoảng 50 tấn khí N2O, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và thu lợi ước tính hơn 4,5 tỷ đồng.
Tại cơ sở sản xuất ở thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) do Nguyễn Bảo Lộc làm chủ (chưa đi vào hoạt động), lực lượng công an đã thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc đang trong quá trình lắp ráp, hoàn thiện.
Lực lượng công an kiểm tra bên trong nhà xưởng (Ảnh: Công an Thanh Hóa).
Tổng số vật chứng cơ quan điều tra thu giữ đến thời điểm này gồm 850 bình kim loại, trong đó có 373 bình khí N2O, 477 vỏ bình; tạm giữ 27 tấn và quy trữ 110 tấn nguyên liệu sản xuất khí N2O để xác minh nguồn gốc và 3 hệ thống dây chuyền, máy móc sản xuất khí N2O.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, đây là đường dây sản xuất, mua bán khí N2O với số lượng rất lớn, hoạt động có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ, vai trò và chia lợi nhuận cụ thể.
Hoạt động sản xuất, mua bán diễn ra trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có những đối tượng có trình độ học vấn cao và có chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật.
Địa điểm nhà xưởng các đối tượng thuê mặc dù ở gần khu dân cư nhưng được ngụy trang, hoạt động khép kín. Quá trình sản xuất thường diễn ra vào ban đêm và sẽ thay đổi địa điểm sản xuất khi có dấu hiệu bị lộ…
Theo Dân Trí