Belarus yêu cầu Mỹ phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao và hành chính của Mỹ ở nước này, đây là một phần trong các biện pháp Minsk vừa công bố để trả đũa các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Belarus – ông Anatoly Glaz – ngày 3-6 cho biết bên cạnh việc yêu cầu cắt giảm nhân viên, Belarus cũng sẽ siết thủ tục cấp thị thực với công dân Mỹ.
Tuy nhiên, ông Glaz không thông tin cụ thể về các biện pháp trừng phạt trả đũa của Belarus với Mỹ.
Đồng thời, Belarus cũng thu hồi giấy phép hoạt động của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại nước này.
Theo Hãng tin AFP, các biện pháp trả đũa chính thức có hiệu lực từ ngày 3-6.
Tuần trước, Mỹ cho biết sẽ tái áp đặt trừng phạt với 9 công ty thuộc sở hữu nhà nước Belarus. Mỹ cũng sẽ thảo luận với các đồng minh về việc trừng phạt các quan chức cấp cao Belarus sau vụ buộc máy bay dân sự hạ cánh khẩn cấp ở thủ đô Minsk.
Nhà Trắng cho biết các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ 3-6.
Ông Glaz nói các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ làm tổn thương “những công dân bình thường của Belarus”.
“Những hành động này là bất hợp pháp, trái với luật pháp quốc tế và nhằm gây áp lực lên một quốc gia có chủ quyền” – ông Glaz tiếp.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Thật không may khi giới chức Belarus đẩy mối quan hệ (hai nước) đến mức này”.
“Đại sứ Fischer sẽ tiếp tục ủng hộ nguyện vọng dân chủ của người dân Belarus. Bà ấy sẽ tiếp tục tham gia cùng với người dân ở bên ngoài Belarus, trong đó có các lãnh đạo ủng hộ phong trào dân chủ, các chuyên gia truyền thông, sinh viên và các thành viên khác để bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi” – ông Price thêm.
Năm 2008, ông Lukashenko từng trục xuất đại sứ Mỹ sau khi chính quyền tổng thống Mỹ George W. Bush áp lệnh trừng phạt với ông, các đồng minh của ông và một công ty dầu khí nhà nước với lý do bầu cử không công bằng.
Trong diễn biến liên quan, nhà báo Roman Protasevich (26 tuổi) – người đã bị bắt sau khi máy bay Hãng Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk – đã xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước ngày 3-6 trong một cuộc phỏng vấn đẫm nước mắt.
Gia đình Protasevich cáo buộc con trai họ bị ép thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Theo Hãng tin AFP, anh Protasevich là cựu biên tập viên kênh tin tức Telegram Nexta chuyên chỉ trích ông Lukashenko.
Trong cuộc phỏng vấn, anh Protasevich thừa nhận đã đứng ra kêu gọi biểu tình phản đối kết quả bầu cử Belarus năm 2020, anh cũng ca ngợi Thủ tướng Lukashenko.
Vào những phút cuối của cuộc phỏng vấn kéo dài 1,5 giờ, được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước Belarus ONT chiều 3-6, anh Protasevich bắt đầu khóc và đưa tay che mặt.
“Tôi rất hiểu con trai mình và tôi tin con tôi sẽ không bao giờ nói những lời như thế” – ông Dmitry Protasevich, cha của nhà báo đang bị Belarus bắt giữ, cho biết.
Giới chức Belarus buộc tội anh Protasevich đã “tổ chức bạo động” và “kích động thù hận xã hội”, những tội danh bị cáo buộc này có thể khiến nhà báo đối lập đối mặt án tù lên tới 15 năm.
Nguồn: tuoitre.vn