Dù nhận diện được các rủi do khi cho con chơi trên môi trường mạng, nhiều ông bố, bà mẹ chọn giải pháp giới hạn việc truy cập xem thông tin của con. Tuy nhiên, ngay trên các nền tảng mạng xã hội dành riêng cho trẻ em như Yotube Kids hay TikTok, nhiều nội dung bạo lực, nhảm nhí vẫn tồn tại.

Càng bạo lực lại càng gây tò mò với trẻ

Nếu tìm hiểu có thể thấy những YouTuber thịnh hành thường là những người có clip với những nội dung “giang hồ”, bạo lực kiểu như “đừng bao giờ coi thường người khác”, “thử thách”, “cái kết”, “chơi ngu” với nội dung vô bổ. Càng nhảm nhí, vô bổ thì clip đó càng thịnh hành và được nhiều người xem. Điều này phần nào phản ánh các thuật toán vô hồn mà Google đang áp dụng trên YouTube.

 Youtube có chính sách nhưng trẻ vẫn chưa được an toàn - Ảnh 1.

Tự xem Youtube và lên mạng xã hội khiến nhiều trẻ em đọc phải các thông tin độc hại.

Nhìn chung hầu hết các video này đều đánh vào tâm lý tò mò, ưa thích mạo hiểm, thích cái mới của trẻ nhỏ từ đó mà dẫn dụ các em học theo.

Có thể kể tới những cái tên YouTuber đình đám như: Nguyễn Nhật Nam, Lan Chi, Thơ Nguyễn… Một thời đình đám, chiếm giữ nhiều lượng người theo dõi nhất, kênh YouTube của Nguyễn Nhật Nam có thời điểm có tới hơn triệu lượt người đăng ký theo dõi trang, đa phần là trẻ em.

Nếu gõ “Nguyễn Nhật Nam” thì sẽ thấy hầu như các video của người này đều là những thứ kiểu nhảm nhí, “chơi ngu”. Trước sự lên tiếng, phản đối của xã hội, thời gian gần đây các clip nhảm nhí được Nguyễn Nhật Nam làm cũng dần giảm đi. Có thời anh đã tuyên bố chuyển sang làm nội dung lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những tuyên bố nhất thời, và nếu giờ vào lại thì vẫn thấy khá nhiều những video nhảm nhí, vô bổ của người này vẫn tồn tại trên nền tảng của YouTube.

Không giống với Nguyễn Nhật Nam, cô gái được mệnh danh là “cô gái vàng trong làng YouTube” của Việt Nam, Thơ Nguyễn được biết đến là người có khá nhiều những video bổ ích, phù hợp với lứa tuổi nhỏ. Thơ Nguyễn chủ yếu làm các clip các trò chơi búp bê, giới thiệu các sản phẩm hot mà trẻ con thích. Sau một thời gian đạt được đỉnh cao, với lượng người theo dõi kênh lên tới 7 triệu, thì nhiều nội dung cô làm đã bị đánh cắp, cắt dán, xuyên tạc.

Ứng dụng cho trẻ em cũng mắc “sạn”

YouTube hiện có quá nhiều video không phù hợp cho trẻ em. Đó là lý do YouTube Kids ra đời. Tuy vậy, chính YouTube cũng thừa nhận, nền tảng YouTube Kids mới này cũng không thật sự hoàn hảo.

 Youtube có chính sách nhưng trẻ vẫn chưa được an toàn - Ảnh 2.

Hàng loạt nội dung bạo lực, nhảm nhí xuất hiện trên mạng xã hội và YouTube.

Ngay trên YouTube Kids, một người dùng đã phát hiện ra một video khá đáng sợ, mà theo lời cô là “đáng kinh tởm” – đó là đoạn video Heo Peppa Pig bị bố mẹ giết thịt. Nhiều bậc phụ huynh gần như đã tin tưởng và nghĩ rằng con cái họ có thể được tiếp xúc với những thông tin an toàn từ YouTube Kids, nhưng hóa ra không phải như vậy.

Trong phần chính sách hoạt động của mình, YouTube Kids đã nêu: “Hệ thống của chúng tôi cố gắng loại trừ nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ, nhưng vì chúng tôi không thể xem lại thủ công tất cả nội dung và không có hệ thống tự động nào là hoàn hảo, chúng tôi có thể bỏ lỡ một số video. Nếu bạn tìm thấy một video không phù hợp với trẻ em, vui lòng báo cáo”.

YouTube có 500 giờ video tải lên mỗi phút. Trong quý 3/2018, mạng xã hội video này đã xóa 8 triệu video có nội dung độc hại, 75% số đó được xóa bởi các máy lọc. Tuy vậy, vẫn tồn tại rất nhiều nội dung không phù hợp chưa được loại bỏ khỏi nền tảng này.

Tuy nhiên, do không thể làm thủ công, chỉ trông chờ vào cảnh báo của người dùng nên đôi khi có những video độc hại vẫn không bị phát hiện. Hoặc bị phát hiện, bị cảnh báo nhưng vẫn không được gỡ kịp thời. Kể cả khi đã gỡ, thì với tốc độ lây lan nhanh chóng của mạng xã hội thì có thể đã có hàng triệu trẻ em tiếp cận và xem được.

Ví dụ như trường hợp video thả 100 con dao của kênh YouTube NTN cũng cho thấy sự chậm trễ của YouTube khi video bị giới hạn độ tuổi sau khi đạt 2 triệu lượt xem.

Theo báo cáo của ông lớn Google (chủ sở hữu YouTube) cam kết YouTube có 10.000 nhân sự kiểm duyệt video, nhưng con số này thật sự không thấm với 500 giờ tải lên mỗi phút. Có lẽ, YouTube đang quá lệ thuộc vào công cụ gắn cờ.

Không thể phủ nhận mặt tốt mà các video được người dùng đăng tải lên YouTube mang lại. Thế nhưng, chỉ một vài lần lầm lỗi, sự an toàn của YouTube hay YouTube Kids tan biến. Hậu quả là hàng triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam phải gánh chịu. Không chỉ để lại những thương tổn về tinh thần, khiến suy nghĩ các em lệch lạc, mà nhiều những video bẩn như vậy có thể còn khiến các em mất mạng.

Theo Dân việt

Từ khóa : cô bé 5 tuổi chết vì học theo youtubekênh Thơ NguyễnNguyễn nhật namyoutubeYouTuber

Các tin liên quan đến bài viết