Hôm nay 8-11, cử tri Mỹ bước vào ngày bỏ phiếu chính thức cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2022, mà kết quả của nó nhiều khả năng khẳng định cục diện kinh tế và chính trị nước Mỹ trong ít nhất hai năm tới.

Bầu cử Mỹ giữa kỳ: Đảng Dân chủ gặp khó - Ảnh 1.

5 bang chiến trường quan trọng trong cuộc đua Thượng viện Mỹ. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ, 35/100 ghế ở Thượng viện (phe Dân chủ hiện chiếm đa số mong manh) sẽ được bầu lại 

Những lá phiếu tại đợt bầu cử này sẽ quyết định đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện và Hạ viện. Tính tới hết ngày 6-11 giờ Mỹ (trưa 7-11 giờ Việt Nam), có khoảng 40 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm.

Thượng viện vẫn 50 – 50, nhưng đảng Cộng hòa có nhiều đường thắng hơn đảng Dân chủ.

Nhà phân tích chính trị JESSICA TAYLOR của Cook Political Report

“Trưng cầu” về Tổng thống Biden

Sự kiện bầu cử này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn, với lạm phát cao và chi phí sinh hoạt đang cao nhất trong 40 năm qua.

Các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường được ví như cuộc “trưng cầu ý dân” dành cho tổng thống đương nhiệm. Và đặt trong tình huống này, việc cử tri đang đánh giá thấp thành tích kinh tế của Tổng thống Joe Biden (đảng Dân chủ) cũng đồng nghĩa đảng này đối diện nguy cơ bị đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện.

Trong các cuộc vận động đến nay, các chính trị gia đảng Cộng hòa đều xoáy vào “yết hầu” kinh tế của ông Biden và đảng Dân chủ. Cựu tổng thống Donald Trump cũng đã tới Miami (bang Florida) hôm 7-11 để vận động cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio.

Tại đợt vận động cuối cùng trước giờ bỏ phiếu chính thức này, ông Trump tiếp tục chỉ trích ông Biden, cho rằng đối thủ cũ của mình tại cuộc bầu cử 2020 là “vị tổng thống tệ nhất lịch sử đất nước chúng ta”. “Chúng ta đang là một đất nước đi xuống. Chúng ta là quốc gia thất bại”, ông Trump nói.

Trong khi đó, đảng Dân chủ cố gắng trấn an tình hình kinh tế sa sút hiện nay. Các chiến dịch của họ tập trung vào luật nạo phá thai và thông điệp về việc cứu lấy nền dân chủ. Thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội và vụ bạo loạn tại Đồi Capitol trước kia luôn xuất hiện phổ biến trong các cuộc vận động như vậy.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy vấn đề kinh tế được cử tri quan tâm hàng đầu. Thậm chí khi nhắc tới phục hồi kinh tế, cử tri có phần đặt cược vào đảng Cộng hòa hơn.

Tại bang Georgia, một trong những bang quan trọng nhất cuộc bầu cử lần này, đã có nhiều người lấy mục tiêu kinh tế lý giải cho việc họ bỏ phiếu cho cựu cầu thủ bóng bầu dục Herschel Walker, một người ủng hộ ông Trump. Theo cử tri 71 tuổi Charles Schubert – một cố vấn tài chính, ông Walker không “hoàn hảo” nhưng sẽ quay trở lại các chính sách ủng hộ nước Mỹ của thời ông Trump, với “lạm phát thấp, toàn dụng lao động, và độc lập về năng lượng”.

Vẽ bức tranh năm 2024

Quyền kiểm soát Hạ viện sẽ ảnh hưởng lớn tới các chính sách của Tổng thống Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Điều này có nghĩa nếu “bất ngờ chiến thắng” ở hai viện, theo cách nói của tờ Guardian, ông Biden sẽ có thể tiếp tục theo đuổi một chương trình lập pháp sâu rộng về các vấn đề như quyền phá thai, cải cách cảnh sát và quyền bỏ phiếu. Và dĩ nhiên nếu Đảng Dân chủ thua trắng hai viện, hai năm tới của ông Biden sẽ là ác mộng.

Theo Financial Times, dù đảng Dân chủ đang cố gắng huy động nhóm cử tri trung thành để tránh một thất bại nặng nề, hiện nay thậm chí một chiến thắng sát nút của đảng Cộng hòa cũng sẽ mang những hàm ý lớn đối với chính trị Mỹ, đặc biệt cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Tờ New York Times lưu ý rằng kể từ năm 1934, gần như mọi tổng thống đều thất thế tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên. Các cử tri luôn tìm cách trừng phạt đảng lãnh đạo vì tình hình kinh tế sa sút. Việc không kiểm soát Hạ viện và Thượng viện sẽ hạn chế nghiêm trọng các lựa chọn của ông Biden trong tương lai, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc liệu ông có nên dẫn dắt đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo hay không.

Đến nay, ông Biden chưa tuyên bố chính thức về ý định tranh cử tổng thống năm 2024. Mặc dù vậy, ông sẽ bước qua tuổi 80 trong tháng này và bị dự đoán sẽ đối diện bức tranh u tối trong hai năm cuối nhiệm kỳ, với nền kinh tế Mỹ sẽ khó sớm khôi phục.

Nạo phá thai, Twitter là từ khóa

Đảng Dân chủ đã chi gần 320 triệu USD tiền quảng cáo chính trị tập trung vào quyền phá thai, gấp 10 lần so với số tiền cho quảng cáo về vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, sự tức giận đối với quyết định về nạo phá thai sẽ không đủ để “cứu” đảng Dân chủ, vì kinh tế vẫn là vấn đề được quan tâm số 1 hiện nay, theo New York Times.

Liên quan tới truyền thông, mối lo ngại về tin giả trên mạng xã hội tại cuộc bầu cử hiện nay cũng nằm trong số các vấn đề thu hút sự quan tâm. Mới đây, báo chí Mỹ đưa tin Twitter đã hoãn việc xác minh tài khoản “chính chủ” (tick xanh) cho tới sau ngày bầu cử. Động thái này được hiểu nhằm hạn chế trường hợp người dùng được xác minh mạo danh nhân vật chính trị hoặc các tờ báo nhằm đưa thông tin sai lệch về bầu cử.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bầu cử MỹCử tri MỹĐảng Dân chủ gặp khó

Các tin liên quan đến bài viết