Vừa qua, mạng xã hội xuất hiện clip một nhóm thanh niên ở Nghệ An có hành động bắt ép một cô gái đưa về làm vợ mà không có sự đồng thuận của cô gái.
Bắt người về làm vợ: phạm luật!
Cô gái bị nhóm thanh niên bắt về làm vợ khi đang đứng đón xe trên đường 

Đây được cho là tục lệ của một số dân tộc, cô gái được “bắt” về nhà chàng trai sau khi đã đồng ý hoặc để “hợp thức hóa” chuyện tình cảm đã có trước đó. Thế nhưng hiện nay tục lệ này ở một số nơi đã biến tướng, bị các đối tượng lợi dụng bất chấp việc phạm pháp.

Rủ nhau đi bắt vợ
Cụ thể, đoạn clip ngày 4-2 mô tả cảnh cô gái đang đứng đón xe ở địa bàn xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Một nhóm thanh niên đã ép buộc, bắt cô gái đưa lên xe máy. Mặc cho cô gái khóc lóc và người dân chứng kiến can ngăn, nhóm thanh niên vẫn đưa cô gái đi. Theo thông tin từ UBND xã Châu Lộc, vụ việc xảy ra ngày 3-2 và hiện cô gái đã thoát được. Cô gái trong clip ngụ ở xã Liên Hợp, cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra vụ việc. Cách đây vài ngày, trên mạng xã hội cũng xuất hiện clip quay cảnh một cô gái tên M. (16 tuổi, ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đang đứng bên đường thì một nhóm thanh niên đến trò chuyện. Sau đó, nhóm thanh niên bắt cô gái lên xe để về làm vợ của một người trong nhóm. Sau một hồi chống trả M. mới thoát được.
Phạm nhiều tội
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của nhóm thanh niên ở Hà Giang và Nghệ An có thể bị truy cứu nhiều tội danh. Luật sư Trương Xuân Tám cho biết hành vi này có thể bị xử lý hình sự với tội danh bắt giữ người trái pháp luật (điều 123 Bộ luật hình sự). Người phạm tội bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Đối với những người tham gia lôi kéo, “bắt vợ” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Bên cạnh đó, Luật hôn nhân gia đình đã quy định rõ những điều kiện để nam nữ kết hôn, theo đó những hành vi trái với quy định như cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lý nghiêm. Điều 146 Bộ luật hình sự quy định nghiêm cấm việc cưỡng ép kết hôn, kể cả khi đối phương đã đồng ý nhưng chưa muốn kết hôn ngay nhưng vẫn ép buộc thì đó là phạm pháp. Theo luật gia Phạm Văn Chung, trong trường hợp này những người tổ chức bắt vợ có thể cấu thành tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Theo đó, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Theo luật gia Chung, nếu người bị bắt ép làm vợ dưới 16 tuổi và việc bắt ép diễn ra thành công, ngoài việc xử lý người tổ chức bắt vợ, những người tổ chức việc kết hôn cho trẻ em dưới 18 tuổi có thể bị truy cứu về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn. Ngoài ra, nếu người chồng là người kết hôn trái pháp luật (cưỡng ép, bắt giữ trái pháp luật) quan hệ tình dục với nạn nhân là trẻ em gái từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng dâm trẻ em (điều 114 Bộ luật hình sự). Còn theo điều 112 Bộ luật hình sự, nếu nạn nhân là trẻ em dưới 13 tuổi thì người phạm tội có thể bị truy cứu về tội hiếp dâm trẻ em.
Cần bổ sung chế tài
Thực tế nhiều người đã lợi dụng tục lệ biến tướng, cổ hủ và sự thiếu hiểu biết của người dân để vi phạm pháp luật. Theo luật sư Tám, khi bị bắt giữ trái pháp luật, nạn nhân và gia đình cần gửi đơn đến cơ quan công an, chính quyền địa phương để điều tra, xử lý. Còn theo luật gia Chung, nếu bị bắt giữ nhằm mục đích cưỡng ép kết hôn thì nạn nhân và gia đình có thể gửi đơn đến hội phụ nữ địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em để nhờ can thiệp bảo vệ quyền lợi, yêu cầu tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Theo các chuyên gia pháp lý, dù pháp luật đã có quy định về việc cấm cưỡng ép kết hôn nhưng thực tế vẫn tồn tại vì đây là tục lệ lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức, đời sống người dân. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế nên vẫn để việc bắt vợ tồn tại. Theo luật sư Tám, tục lệ của các dân tộc phải tuân thủ luật pháp, cải tiến theo hướng phù hợp quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Với những tục lệ không phù hợp, chính quyền địa phương cần giải thích cho người dân hiểu rõ tác hại và dần dần tiến tới bãi bỏ. Để hạn chế những biến tướng của tục bắt vợ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt pháp luật về hôn nhân gia đình để đông đảo bà con được biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tự điều chỉnh hành vi và tiến tới bãi bỏ tục này. Theo luật gia Chung, cần coi trọng đưa việc bãi bỏ tục này vào bản hương ước, quy ước của khu dân cư, thôn, bản. Đặc biệt, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung, quy định các mức chế tài nghiêm khắc, hình phạt nặng hơn đối với những người tổ chức tục bắt người trái phép về làm vợ, tảo hôn. Người bị hại và người biết vụ việc cần mạnh dạn trình báo, tố giác với cơ quan chức năng để tránh bỏ lọt tội phạm. Và dù phía bị hại không gửi đơn tố giác (do thiếu hiểu biết pháp luật, sợ hàng xóm dị nghị…), cơ quan chức năng cũng phải nắm bắt vụ việc để có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Nhắc nhở nhóm thanh niên bắt vợ “hụt”: Chiều 7-2, trung tá Đinh Anh Dũng – trưởng Công an huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) – cho biết phía công an xã Liên Hợp đã triệu tập, nhắc nhở nhóm thanh niên tổ chức bắt vợ nhưng “hụt” vừa xảy ra trên địa bàn gây xôn xao dư luận. Theo trung tá Dũng, chiều 2-2, khi chị H. chuẩn bị đón xe khách vào miền Nam làm việc ở ngã ba Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp thì bị Q. và nhóm thanh niên ép lên xe để về làm vợ. Hiện H. đã vào miền Nam làm việc. “Do hành vi của Q. và nhóm thanh niên chưa đủ cấu thành tội phạm nên không bị xử lý hình sự mà chỉ mới ở mức nhắc nhở. Nếu nhóm Q. có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định” – trung tá Dũng nói. Ông Võ Sỹ Sơn – phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp – cho biết đã yêu cầu các đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân bỏ hủ tục “bắt vợ”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bắt về làm vợcô gáihành vihuyện Quỳ Hợpkết hônnạn nhânNghệ Annhóm thanh niênphạm tôipháp luậtquy địnhtảo hôntố giáctục lệxử phạt

Các tin liên quan đến bài viết