Rằm tháng Tám, nhiều người dân Hà Nội hỏi mua bánh trung thu để thắp hương và để tối phá cỗ, thế nhưng tại các đại lý, tiệm bánh hay siêu thị, các loại bánh đã hết.

Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Trung Thu, bà Nguyễn Thị Hòa (Long Biên, Hà Nội) lại mua bánh nướng, bánh dẻo biếu hai bên nội – ngoại và mua về nhà thắp hương. Thường thì bà mua từ chiều hôm trước, tức 14/8 âm lịch. Chiều qua, bà ra đại lý gần nhà để hỏi mua thì bánh hết sạch. Bà phải chuyển sang mua mấy chiếc bánh thủ công, do con gái của chủ đại lý tranh thủ làm thêm để bán.

“Chẳng biết ăn ngon không nên tôi chỉ mua về nhà thắp hương, còn mang biếu thì tôi không dám, đành mua tạm hộp bánh ngọt thay bánh Trung thu”, bà kể.

Tương tự, chị Phạm Thu Thuỷ ở ngõ 55 Trần Phú (Hà Đông – Hà Nội) cho biết, đầu tháng Tám âm lịch, gia đình đã mua bánh trung thu thắp hương, đến Rằm thay bánh mới. “Thế nhưng, tối 14 âm lịch, tôi đi tìm mua bánh mà không nơi nào còn, từ siêu thị lớn đến các cửa hàng bán bánh kẹo. Tôii qua cả cửa hàng bán bánh mứt kẹo Hà Nội trên phố Bà Triệu, cũng đóng cửa. May mắn, trên đường về ghé cửa hàng tạp hoá trên phố Đại Cồ Việt còn đúng 2 chiếc bánh dẻo, tôi mua luôn.

“Chưa năm nào Hà Nội lại khan bánh trung thu như vậy, kể cả những năm ‘cháy hàng’ hay kinh tế khó khăn” – chị Thuỷ nhận xét.

Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Tại cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty bánh kẹo Hải Hà 27 Trương Định, nhiều người đến mua bánh mà hết nhẵn. Cửa hàng phải treo biển thông báo “Hết bánh trung thu” ngay trước cửa
Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Tương tự, cửa hàng này sáng 21/9 cũng treo biển hết bánh. 
Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Tại cửa hàng này còn sót duy nhất một chiếc bánh nướng.

Chị Nguyễn Hương, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Bồ Đề, Long Biên, cho hay, từ sáng đến giờ, không biết bao nhiêu người hỏi mua bánh mà cửa hàng hết nhẵn. Chị đành lấy tạm ít bánh thủ công để bán thêm, nhưng cũng hết ngay vì số lượng chỉ có hạn.

Mọi năm, chị Hương bán hầu hết các loại bánh trung thu của các nhà máy, từ Kinh Đô, Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội,… Bánh bày tràn cửa hàng, ra cả phía bên ngoài. Năm nay, các loại bánh này cũng có, nhưng số lượng rất ít, chỉ bằng 50% so với các năm trước. Do nguồn cung ít ỏi, bánh hết nhẵn từ ngày 12/8 âm lịch. Có người đặt mua 60 hộp để đi biếu, chị gom hết hàng trong nhà, chủ quan không lấy thêm. Đến lúc gọi các nhà buôn đưa bánh thì hầu như không còn nữa. Có thương hiệu bánh mọi năm bán rất chậm thì năm nay cũng “cháy hàng”.

Chị lý giải, năm nay một phần do các đại lý, cửa hàng tạp hóa không dám lấy nhiều, sợ bất ngờ có ca F0 thì bán bánh được cho ai, nhất là bánh Trung thu có hạn sử dụng ngắn. Hơn nữa, bản thân các nhà máy, lò bánh thủ công cũng trong vùng giãn cách, khó khăn về nguyên liệu, không có nhân công nên lượng sản xuất ra không như mọi năm. Các cửa hàng bán trên phố cũng dừng bán nên nhiều người không biết mua bánh ở đâu.

Chị Thanh Mai, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), chia sẻ, sau ngày 10/8 âm lịch đã không còn bánh trung thu để nhập về bán. Mọi năm, cửa hàng phải bán ra gần 2.000 chiếc, năm nay chỉ nhập được hơn 100 cái. Do vậy, chị chỉ bán đến 13/8 âm lịch là hết nhẵn, nay còn sót duy nhất cái bánh nướng bán nốt cho khách

Khảo sát của PV.VietNamNet tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi khu vực Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho thấy tình trạng “cháy hàng” bánh trung thu.

Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Những khách hàng Rằm tháng Tám hàng năm thường tìm đến đây mua, năm nay đều thất vọng ra về. Ảnh chụp sáng 21/9.
Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Thông báo của một DN sản xuất bánh trung thu gửi tới khách hàng 

Chị Lê Thị Mai Hương – chủ một siêu thị mini tại Đại Từ (Hoàng Mai) – cho biết, những năm trước vào dịp Trung thu chị thường dành hẳn một khu vực ngay cửa ra vào để bày bán các loại bánh dẻo, bánh nướng. Lượng tiêu thụ mỗi mùa cũng lên tới gần vạn chiếc.

Năm nay, do giãn cách xã hội, nên đầu tháng 8 Âm lịch chị Hương mới bắt đầu nhập bánh trung thu về bán. Theo đó, mỗi lần nhập về chỉ 200-300 chiếc vì sợ ế. Bánh tại siêu thị để bán lẻ, không đóng hộp như trước đó.

Đến chiều tối hôm qua, bánh trung thu “cháy hàng”. Nhân viên của cửa hàng có gọi cho đại lý để nhập thêm về bán nhưng đại lý cũng báo hết bánh.

“Từ sáng tới giờ đã có mấy chục khách hỏi bánh trung thu nhưng siêu thị hết sạch không còn cái nào. Tình trạng này rất hiếm, bởi những mùa Trung thu trước, đến ngày Rằm hàng còn nhiều tôi thường phải hạ giá bán cho hết”. Chị Mai Hương nói và cho biết, năm nay các gia đình chủ yếu mua ăn, mua biếu tặng rất ít nên những mặt hàng phục vụ cho Tết Trung thu siêu thị đều nhập số lượng hạn chế. Thành ra, bây giờ “cháy hàng” bánh nướng, bánh dẻo.

Tại điểm bán hàng trên phố Bà Triệu, Công ty CP Bánh Mút kẹo Hà Nội đóng cửa và dán biển xin lỗi khách hàng do sản xuất không thể đáp ứng đủ trước nhu cầu mua tăng cao, gây tập trung đông người trước cửa hàng của công ty, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra vi phạm nguyên tắc 5K về phòng chống dịch.

Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Nhu cầu mua bánh trung thu tăng cao những ngày cận Rằm tháng Tám 
Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Cửa hàng thông báo dừng bán trực tiếp để trả đơn cho khách đặt trước đó
Bất ngờ ở Hà thành: Bánh Trung thu khan hiếm, chưa dọn cỗ đã hết sạch
Lượng bánh chuẩn bị ship cho khách hàng

Đại diện hệ thống VinMart/Vinmart+ cũng cho biết, bánh trung thu được bày bán từ đầu tháng 7 Âm lịch, nhưng lượng khách mua rất ít. Sức mua chỉ tăng nhanh bắt đầu từ khoảng 10 ngày trở lại đây, song chủ yếu là khách mua lẻ cho gia đình sử dụng, rất ít mua biếu tặng.

Với cửa hàng bánh truyền thống, như các thương hiệu Bảo Phương, Đông Phương, Bình Chung,… khách xếp hàng dài mua từ vài ngày nay, nhưng do Hà Nội hạn chế tập trung đông người nên có cửa hàng phải chuyển qua bán online, không thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Những lò bánh thủ công, bánh handmade cũng quá tải đơn hàng, nhiều bếp đã dừng nhận thêm từ 5 ngày đến cả tuần trước Rằm tháng Tám.

Chị Đinh Nhung, đại diện thương hiệu bánh Tạ Quyết (cơ sở sản xuất ở Phú Thọ), cho biết, do lượng tiêu thụ bánh trung thu quá lớn, trong khi số lượng sản xuất ra trong một ngày có hạn, chỉ vài tấn, dẫn tới tình trạng quá tải. Bánh lại làm và bán trong ngày nên không có hàng tích trữ. Vì thế, khách thường đặt trước và hẹn ngày nhận.

Chị Nhung tiết lộ, năm nay, khách Hà Nội đặt mua rất nhiều. Vào những ngày sát Rằm, từ mùng 9-10/8 âm lịch, đơn hàng nhiều, khách mua trực tiếp lại quá đông nên không đủ bánh trả. Cửa hàng phải trưng biển thông báo dừng bán hàng trực tiếp để trả đơn khách đặt trước.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bánh trung thurằm tháng támTết trung thu

Các tin liên quan đến bài viết