Dù gần đây bị lực lượng chức năng khám phá, xử lý những kho lớn nhưng thị trường hàng hiệu giả vẫn đang sôi động, nhiều chỗ bán công khai mà không bị xử lý.
Khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt thì các đối tượng kinh doanh hàng hiệu giả đã tìm cách tuồn hàng hóa này lên các sàn thương mại điện tử để mua bán dễ dàng.
Giá nào cũng có, siêu lợi nhuận
Hoàng Lan, chủ một shop online chuyên bán hàng fake (hàng nhái), cho biết toàn bộ nguồn hàng của shop là từ các kho ở các tỉnh phía Bắc: “Do dịch nên giá hàng giả cũng biến động thời gian gần đây, nhưng với một đôi giày giá 350.000 – 550.000 đồng thì hàng vẫn bán tốt, chỉ có thời gian nhập hàng lâu hơn”.
Lướt qua fanpage của cửa hàng này, các sản phẩm giày cao gót nữ được cập nhật gần như hằng giờ, cam kết hàng chỉ khác hình 5% (khác là do ánh sáng chụp) và bao luôn đổi trả.
Lân la hỏi mua quần áo, giày dép hiệu N., Add… tại một cửa hàng trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM), người bán hàng tư vấn hàng chính hãng nhưng do mới bán nên giảm sâu, giá hiện chỉ 150.000 – 500.000 đồng/sản phẩm.
Tuy nhiên, sau một hồi bị chất vấn, đại diện cửa hàng này mới thừa nhận đây là hàng nhái và được nhập từ Trung Quốc. Các sản phẩm ở đây được phân nhiều mức, khách không sành khó phân biệt đâu là hàng thật hay giả.
Lợi nhuận rất cao, vì theo người bán hàng, giá bán hàng hiệu dỏm từ Trung Quốc chỉ bằng phân nửa hàng nhái, giả sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí 1 túi xách chính hãng hiệu Hermes có giá hàng trăm triệu đồng, nhưng hàng giả từ Trung Quốc nhập về chỉ chưa tới 100.000 đồng.
“Với lượng hàng nhập về khổng lồ, nếu bán chỉ vài trăm ngàn đồng cho mỗi giỏ Hermes giả, người bán cũng lời lớn. Thậm chí có trường hợp người bán dùng hàng “fake 1″ lừa người mua để bán hàng chục triệu đồng” – chủ một cửa hàng bán hàng nhái công nhận.
Sôi động, nhiều chiêu để hút khách
Trên chợ mạng, dễ dàng tìm mua được sản phẩm đều được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Chanel, Gucci, Versace, Louis Vuitton… với mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng. Trang Facebook với tên gọi “Hàng Chính Hãng…” với gần 400.000 người theo dõi rao rất “chính hãng”: Ra đời với mục đích đem đến cho quý khách những sản phẩm mang thương hiệu quốc tế với chất lượng tốt nhất và giá cả rẻ nhất…
Sản phẩm được đơn vị này giới thiệu rất đa dạng như balô, giày dép, quần áo chính hãng đến hàng chục thương hiệu nổi tiếng như N., A., N.B, P., và được khuyến mãi lớn liên tục, trong đó có đợt đăng giảm giá đến 70%, giá giảm chỉ còn 199.000 – 499.000 đồng/sản phẩm.
Đại diện cửa hàng cho biết mức giảm có được do cửa hàng chủ động giảm để hút khách. Nhưng khi hỏi lấy gì đảm bảo là hàng chính hãng thì vị này trả lời cho qua chuyện.
Hiện có cả trang mạng công khai để tên “mua bán hàng fake” với sản phẩm chủ đạo là thời trang thu hút hơn 28.000 thành viên và hàng chục ngàn bài viết đăng trong thời gian dài.
Phải chặn từ đầu nguồn
Theo đại diện Cục QLTT TP.HCM, nếu xét về bề nổi, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… ở những cửa hàng truyền thống như trung tâm thương mại, shop nhỏ lẻ giảm hẳn. Nhưng thực tế, các hoạt động này lại đang chuyển “địa bàn” lên chợ online.
“Có nhiều trường hợp hàng nhái, giả được cất giấu tại nơi ở của chủ hàng. Để kiểm tra nơi này, lực lượng QLTT buộc phải có giấy phép khám nhà do chủ tịch UBND quận, huyện ký duyệt. Trong khi đó, nhiều trường hợp chính quyền cơ sở xác minh thận trọng, tốn nhiều thời gian, thậm chí có khi “rút dây động rừng”, khiến chủ lô hàng kịp thời tẩu tán tang vật” – đại diện Cục QLTT TP.HCM cho biết.
Thời gian qua, trước khiếu nại của các thương hiệu lớn, những trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử cũng có những “đợt ra quân” quét từ khóa để dẹp bớt hàng hiệu giả, nhái, thậm chí hàng xách tay, nhưng tình hình rồi đâu lại vào đó. Đại diện một sàn thương mại điện tử cho biết đã nhiều lần nhận thư kiến nghị của các hãng thời trang, mỹ phẩm lớn đề nghị loại bỏ hàng giả và sàn rất hợp tác.
“Chúng tôi cũng hỗ trợ, khuyến khích các thương hiệu lớn mở shop hàng chính hãng trên sàn như một cách chiến đấu trực tiếp với hàng giả nhưng quả thực vẫn có nhóm người dùng chọn hàng giá rẻ”, vị này cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bình Dương cho biết hầu hết các kho hàng giả, hàng nhái lớn đều ở vùng rìa hoặc tỉnh thành khác so với điểm bán lẻ. Do đó, muốn triệt phá dứt điểm phải có sự liên kết giữa các địa phương.
Đại diện Cục QLTT TP.HCM nhấn mạnh nếu kiểm soát chặt khu vực cửa khẩu, biên giới thì tình trạng kinh doanh hàng nhái, giả trong nội địa sẽ giảm nhiều.
Hàng thời trang chiếm 80 – 90% sản phẩm nhái, giả
Dép “Gucci” bán đổ đống trên lề đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) với giá 100.000 đồng/3 đôi
Thông tin từ Cục QLTT TP.HCM cho biết trong năm 2020 chỉ riêng đội số 3 (đội cơ động của cục) đã tiêu hủy lượng hàng hóa nhái, giả có giá trị tương đương hơn 10 tỉ đồng, trong đó mặt hàng thời trang chiếm 80 – 90%.
Theo nhiều người bán, để tránh mua nhầm hàng thời trang nhái, giả, người mua cần xem kỹ thông số như logo, nhãn mác, số serie, ký hiệu mã ngày… Thông thường, hàng giả không có đầy đủ những số liệu này.
“Bao vây” nhiều phân khúc
Theo ghi nhận, thị trường hàng hiệu giả có sự phân cấp khá rõ ràng. Trong đó, hàng hiệu siêu cấp là cụm từ mà giới kinh doanh thời trang dùng cho nhóm hàng hiệu giả như thật, nếu nhìn bằng mắt thường thì rất khó phát hiện ra “sơ suất” nào.
Đây cũng là loại hàng được những người chuộng hàng hiệu săn lùng nhiều và bán giá cao nhưng vẫn rẻ hơn hàng chính hãng vài lần. Dạo một vòng trên mạng, người mua hàng dễ bắt gặp loại hàng hiệu giả này được bán ở shop với cụm từ hàng “like auth”.
Dòng thấp hơn là hàng “super fake” với mức độ kém tinh xảo hơn, nguyên liệu dỏm hơn. Muốn rẻ hơn nữa sẽ có hàng hiệu fake loại 1, loại 2… tương ứng với chất lượng và giá thành giảm dần như dễ dàng mua dép hiệu H. giá 120.000 đồng/đôi, áo thể thao hãng A. giá 90.000 đồng/cái…
Thậm chí túi xách C., là một trong những hãng ưa thích của chị em Việt Nam, giá chỉ từ 250.000 – 400.000 đồng/chiếc, rẻ hơn gấp vài chục lần so với giá hàng chính hãng. Hàng hiệu giả gần như đã bao vây đủ các phân khúc.
Nguồn: tuoitre.vn